'Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre 2019' sẽ có 1000 người trình diễn áo bà ba truyền thống

Đó là thông tin được Ban tổ chức 'Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019' công bố tại buổi họp báo diễn ra chiều 31/7 tại Hà Nội.

Với chủ đề "Cây dừa trên đường hội nhập và phát triển bền vững", Lễ hội sẽ diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 14 đến ngày 20/11/2019 tập trung tại thành phố Bến Tre. Lễ hội gắn kết hòa quyện với cộng đồng trong “Ngày hội Đoàn kết toàn dân tộc” (18/11).

Đây cũng là hoat động hưởng ứng chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi (17/1/1960 - 17/1/2020); 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020)… và một số sự kiện nổi bật của tỉnh Bến Tre vào năm 2020.

Ông Nguyễn Hữu Lập- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu tại buổi họp báo

Ông Nguyễn Hữu Lập- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu tại buổi họp báo

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: "Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre, lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2009 đã thu hút sự quan tâm của công chúng; năm 2010 tổ chức lần thứ II; đặc biệt, năm 2012 được sự chấp thuận của Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương, Bến Tre đổi tên và nâng cấp Lễ hội Dừa thành Festival Dừa Bến Tre lần III, tổ chức với quy mô cấp quốc gia; năm 2015 tổ chức Lễ hội Dừa lần thứ IV. Nhìn lại qua các kỳ tổ chức Lễ hội Dừa về quy mô, hình thức ngày càng được mở rộng, đa dạng, phong phú và hướng về cộng đồng, lấy người dân làm chủ thể.

Từ Lễ hội, tỉnh Bến Tre mong muốn đạt được mục đích giới thiệu ngành dừa cũng như sản phẩm dừa đến du khách trong và ngoài nước; tôn vinh cây dừa, sản phẩm từ dừa, các giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế của và những cá nhân tiêu biểu trong hoạt động kinh tế - xã hội gắn liền với cây dừa; giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dừa…

Thông qua đó ngoài việc giúp Bến Tre có điều kiện phát huy lợi thế xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, còn giúp người dân nhận thức sâu hơn về văn hóa Dừa, về hình ảnh, về tiềm năng và thế mạnh của đặc thù sản phẩm từ dừa Bến tre; tạo sự hấp dẫn, thu hút đầu tư cho các hoạt động liên kết, liên doanh phát triển chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời thúc đẩy đầu tư cho du lịch và thu hút du khách đến khai thác và trải nghiệm sinh thái sông nước xứ Dừa".

Trong thời gian diễn ra lễ hội sẽ có các hoạt động đặc sắc được tổ chức như lễ khai mạc, bế mạc; Liên hoan Ẩm thực dừa Nam Bộ; Triển lãm sản phẩm dừa và Hội chợ Thương mại; Tôn vinh cây dừa, sản phẩm dừa và người sản xuất, chế biến dừa; Hội thảo “Xây dựng, khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre”; “Về chuỗi giá trị cây dừa”; “Trải nghiệm du lịch vườn dừa Bến Tre”.

Bà Trần Thị Kiều Tôn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre giới thiệu về đặc sản làm từ dừa của tỉnh

Đặc biệt, điểm nhấn của lễ hội là Chương trình Tuần lễ Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch với các nội dung đa dạng, phong phú như: Tổ chức không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng; nghệ thuật đường phố; biểu diễn trang phục dừa… (trong Phố đi bộ vui hội xứ Dừa); tổ chức các tour du lịch “Trải nghiệm sông nước, miệt vườn – xứ Dừa”, kết hợp với quảng bá về các tour, tuyến, điểm du lịch sinh thái, các vườn dừa đẹp cho du khách tham quan; tổ chức các trò chơi vận động (dân gian, truyền thống) cho học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân trồng dừa tham gia. Hoạt đồng “Cộng đồng vui hội làng dừa” sẽ diễn ra đều khắp các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh.

"Người đẹp xứa Dừa" năm nay thay phần trình diễn áo tắm bằng áo bà ba

Cũng trong khuôn khổ Lễ hội sẽ diễn ra cuộc thi "Người đẹp xứ Dừa". Điều đáng chú ý là cuộc thi sẽ không có hoạt động thi trang phục áo tắm mà thay thế bằng trang phục áo bà ba nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Bến Tre. Đặc biệt, tại hoạt động đường phố sẽ có màn trình diễn áo bà ba với sự tham gia của 1.000 người.

Tỉnh Bến Tre có diện tích dừa chiếm 50% diện tích dừa cả nước và 80% diện tích của ĐBSCL, với diện tích hơn 71.000ha, 163.000 hộ dân trồng dừa, sản lượng hàng năm đạt gần 800 triệu trái, kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Nghề trồng dừa ở Bến Tre được xem như một sắc thái văn minh miệt vườn và ngành dừa luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Lễ hội dừa năm nay cũng nhằm mục đích tôn vinh cây dừa, sản phẩm dừa và người sản xuất, chế biến dừa,…

Đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu ngành dừa, sản phẩm dừa Bến Tre nói riêng cũng như Việt Nam nói chung đến với du khách quốc tế; cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến tiêu thụ dừa giữa các nông dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thúc đẩy từng bước nâng cao chuỗi giá trị dừa Bến Tre và Việt Nam.

Cẩm Tú

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/le-hoi-dua-tinh-ben-tre-2019-se-co-1000-nguoi-trinh-dien-ao-ba-ba-truyen-thong-d2070425.html