Lễ hội đua thuyền kẻ Mui

Dù có nhiều sông hồ nhưng trên đất Thăng Long xưa cũng không có nhiều lễ hội bơi thuyền. Hầu hết các lễ hội bơi thuyền ở nhiều phường ven kinh thành Thăng Long có nguồn gốc từ việc luyện tập thủy quân chống quân xâm lược phương Bắc.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thế nhưng, lễ hội bơi thuyền chải ở Yên Duyên - Yên Sở (xưa gọi là làng Mui Chùa hay kẻ Mui nay thuộc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) lại xuất xứ từ một truyền thuyết… Tương truyền, Lý Nhân Tông (1072-1128) là vị vua đức độ, thương dân.

Năm Nhâm Tý, vua vi hành, khi đến đoạn đê làng Mui Chùa, thấy cảnh ruộng vườn của con dân chìm trong biển nước Lý Nhân Tông lấy làm buồn rầu. Trong lúc đang suy nghĩ, bất chợt, vua thấy từ trong biển nước mênh mông, xuất hiện một chiếc thuyền nhỏ từ phía nam tiến lên. Trên thuyền là một cô gái mặc yếm đỏ, khăn nâu, đang khoan thai khua mái chèo.

Vua cho mời cô gái vào bờ để gặp mặt. Lạ thay, cô gái không trả lời chỉ ngoái nhìn, mỉm cười. Vua nghĩ rằng có lẽ, đó là bậc nữ nhi tài kiệt được trời phái xuống giúp nước, lo cho dân nên đã ra lệnh cho các quan mời cô gái vào tiếp kiến. Nhưng, cô gái không vào bờ mà chèo thuyền đi tiếp. Bóng người đi để vọng lại câu hát: Trăm lần thiếp phụ quân vương/Thủy cung cách trở âm dương du mà.

Rồi thuyền cùng cô gái đi khuất chìm xuống lòng sông sâu. Sau khi chứng kiến cảnh tượng lạ lùng đó, vua đã cho mời các bô lão trong làng lên đê và thuật lại cho mọi người về sự việc xảy ra. Cho rằng đó là công chúa con vua Thủy Tề, vua đã ban sắc phong cho cô gái là “Thần tiên mỹ nữ, tự Đại vương”.

Vua gợi ý người dân lập miếu thờ đặt gần nơi nàng vừa hóa. Sự kiện xảy ra đúng ngày rằm tháng Tám. Vua cũng sai đổi tên Mui Chùa thành An Duyên (dân gọi là Yên Duyên) để kỷ niệm mối nhân duyên với cô gái. Từ đó, cứ vào Rằm tháng Tám hàng năm, làng Yên Duyên lại mở hội bơi chải để nhắc lại sự tích mối nhân duyên giữa nhà vua và công chúa con vua Thủy Tề. Lễ hội còn là dịp để các đôi trai gái hẹn hò gặp nhau kết duyên đôi lứa.

Quy định lễ hội bơi chải Yên Duyên khá nghiêm ngặt. Người được tuyển vào đội bơi phải trai giới trước 7 đến 9 ngày, ăn ngủ tập trung để bảo đảm ngày xuống chải thân thể tinh khiết. Thông lệ, hội bơi được mở trong ba ngày từ 13 đến 15 tháng 8 (âm lịch). Ngày đầu là nội dung bơi thờ, nghĩa là làm lễ khai quang chải (dụng cụ chèo thuyền) và các cụ bô lão bơi vòng quanh một vòng.

Ngày thứ hai bơi lèo là giải vòng loại để chọn các đội xuất sắc vào vòng chung kết. Ngày thứ ba là bơi giải. Dứt hồi trống, cuộc thi bắt đầu, những cây chải rẽ sóng đưa 4 con thuyền lao trên mặt nước như 4 con rồng, mỗi thuyền rồng là một màu áo, đầu rồng và đuôi được sơn son thếp vàng, cờ xí rực rỡ.

Trên bờ sông, người xem tham gia vào hội, nhất loạt hò reo cổ vũ. Tiếng cồng la của người bắt nhịp, tiếng trống cái thúc giục, tiếng oàm oạp của các mái chèo đập liên hồi xuống mặt nước, tạo nên âm thanh huyên náo một vùng. Khoảng cách từ vị trí xuất phát bơi tới đích dài một cây số, mỗi lèo bơi 3 vòng và đều chấm giải: Nhất, nhì, ba, tư. Các tay chèo phải khổ công rèn luyện, phối hợp rất nhịp nhàng mới có cơ hội giành chiến thắng.

Sau nhiều năm lễ hội đua thuyền bị gián đoạn, năm 2000, lễ hội bơi chải làng Yên Duyên được khôi phục đã thu hút đông đảo dân trong vùng và khách thập phương. Từ chỗ, các chải bơi của Yên Duyên thi với nhau, nay đã có các chải bơi từ mọi miền tìm đến đăng ký tham gia.

Nguyễn Ngọc Tiến

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/le-hoi-dua-thuyen-ke-mui-a423732.html