Lễ hội Đền Và, tưởng nhớ Tản Viên Sơn Thánh

Hàng năm cứ vào dịp Tết đến xuân về, khách thập phương lại về Đền Và (thờ Tản Viên Sơn Thánh) tọa lạc tại thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây để chiêm bái, tìm hiểu văn hóa tâm linh vốn có từ xa xưa của cha ông.

Lễ hội Đền Và diễn ra từ ngày 13-15 tháng Giêng âm lịch

Lễ hội Đền Và diễn ra từ ngày 13-15 tháng Giêng âm lịch

Là một Cung trong hệ thống tứ Cung của xứ Đoài thờ thần núi Tản Viên, vị thần đứng đầu tứ bất tử được nhiều người biết đến như một địa điểm tín ngưỡng linh thiêng và cũng là một danh lam thắng cảnh.

Rất đông du khách đến lễ hội để thắp hương chiêm bái

Nghi lễ tại Đền Và

Nghi thức dâng tấu sớ

Lễ hội Đền Và bắt đầu mở từ ngày 13 tháng giêng hàng năm được tổ chức không chỉ nhằm tưởng nhớ đến những công tích của Thánh Tản đối với dân, đất nước mà còn thể hiện ước nguyện của người dân về sự yên bình, ấm no, hạnh phúc, đồng thời trở thành cây cầu tâm linh gắn kết người dân đôi bờ tả, hữu sông Hồng thành một khối.

Chuẩn bị lễ vật và kiệu rước

Đội trống trong lễ rước

Trong ngày này, người dân các thôn sẽ làm mâm cỗ thật thịnh soạn để rước cỗ kiệu của làng mình về đặt trước nhà tiền tế tại Đền Và. Nhà tiền tế có kiến trúc 5 gian để thoáng, trên các cột trụ treo rất nhiều hoành phi câu đối do nhà nho, danh sĩ các triều đại soạn để ca ngợi cảnh quan Đền Và tôn vinh uy linh của Đức Thánh Tản Viên. Bên cạnh đó, lễ rước kiệu sang sông còn mang một ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân vạn chài thể hiện lòng thành kính và mong ước của mình.Theo quan niệm của người xưa, vào ngày này vạn chài nào trên sông làm nhiều điều phúc thì Thánh Tản sẽ cho nhiều lộc lớn trong năm.

Kiệu nữ

Tráp lễ

Đến ngày chính hội 15 tháng Giêng, mọi người cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian như: Kéo co, cờ tướng, cờ người, đập niêu, nấu cơm thi…và tiếp đón khách thập phương đến đền dâng hương viếng Đức Thánh Tản.

Kiệu Đến Ngự Dội

Lễ hội rước kiệu lễ về quy tụ trong sân đền

Lễ rước được tổ chức từ sáng sớm, đúng 3 giờ, lễ Phụng Nghinh bắt đầu, các thành viên trong đội tế tiến hành nghinh tam vị Đức Thánh ra an tọa trên kiệu Ngai. Sau đó lần lượt các làng tham gia lễ hội rước kiệu lễ về quy tụ trong sân đền. Đến 5 giờ sáng, đoàn rước khởi hành từ Đông Cung vào trung tâm Thị xã Sơn Tây, rồi đi thẳng ra bến cảng lên thuyền sang đền Ngự Dội. Trên đường đi, người dân hai bên đường dựng rạp, bầy hương án, dâng hương hoa, lễ vật lên Đức Thánh. Đến mỗi ngã tư lớn, các kiệu chính lần lượt được quay ba vòng rồi tung lên cao ba lần trong tiếng reo hò của hàng vạn người, ai cũng muốn được chui kiệu mong được khỏe mạnh, may mắn… Ra đến cảng Sơn Tây, đoàn rước nối đuôi nhau xuống thuyền qua sông sang đền Ngự Dội.

Quay 3 vòng trước khi rời sân đến

Lễ rước thường được tổ chức từ sớm

Đoàn rước khởi hành từ Đông Cung vào trung tâm Thị xã Sơn Tây

Ra đến giữa sông, thuyền chở kiệu Tam Vị Đức Thánh quay một vòng, sau đó mới tiếp tục nối vào đoàn thuyền và tiếp tục hành trình. Sang đến đền Ngự Dội, tam vị Đức Thánh được nghinh vào an tọa trong đền, các cụ trong đội tế tiến hành lễ Tế và lễ Mục Dục, diễn tả lại sự tích năm xưa Đức Thánh Tản nghỉ chân và tắm tại đây. Sau đó du khách thập phương vui chơi tại bãi sông cho đến khi lá cờ tứ linh gặp gió đổi hướng thổi phất đuôi cờ về phía Nam thì đoàn rước được triệu hồi và rước tam vị Đức Thánh theo đường cũ về an vị tại Đền Và.

Người dân dâng lễ bên ngoài

Những năm qua, lễ hội Đền Và luôn được chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây phối hợp quản lý, tổ chức các hoạt động chu đáo, an toàn theo đúng các quy định, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của đông đảo nhân dân. Từ năm 2007 Ban quản lý di tích Đền Và đã có quy định người dân không được phép vào trong cung, mà chỉ được dâng lễ bên ngoài. Để thuận tiện cho du khách, nhà đền đã bố trí 2 cửa, một cửa dâng lễ và một cửa hạ lễ. Người dân khi vào cửa dâng lễ thì được phát số, để khi ra nhận đúng lễ của mình.

Dù đông nhưng Đền Và sắp xếp khá quy củ, trật tự

Ban quản lý cũng vận động người dân không thắp hương vào mâm cúng vì tàn hương rất dễ bén lửa, gây hỏa hoạn. Đồng thời mỗi người dân chỉ thắp một nén hương ở khu vực ngoài sân đền. Nhờ có quy định nghiêm túc và phương án phân bố hợp lý, du khách đi lễ tại đền Và dù đông nhưng khá quy củ, trật tự. Không có hiện tượng chen lấn, hỗn loạn trong khu thờ tự. Bằng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, du khách thập phương về với đền Và sẽ thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhõm, sáng trong để trân trọng hơn những giá trị văn hóa tốt đẹp của người xưa mà sống tốt hơn trong nếp sống cộng đồng hôm nay.

Phạm Tiệp - Đình Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/le-hoi-den-va-tuong-nho-tan-vien-son-thanh-115942.html