Lễ hội cũng là hình ảnh quốc gia...

Sau Tết là mùa của lễ hội. Trong khoảng 10-15 năm trở lại đây, các lễ hội được phục dựng và tổ chức quy mô ở các địa phương ngày một nhiều. Ngay quê tôi, một miền quê chưa lấy gì làm khá giả, từ mùng 5 cho đến hết tháng Giêng, tính trong xã đã có tới 7-8 lễ hội to nhỏ. Tính trên quy mô cả nước, lễ hội sẽ là một con số khổng lồ và có những lễ hội kéo dài cả tháng.

Lễ hội gắn liền với phong tục, sinh hoạt văn hóa ngàn đời và bản thân nó cũng là một di sản văn hóa người xưa để lại. Người dân đã duy trì, nuôi dưỡng nó qua một khoảng thời gian lịch sử tương đối dài nên hiển nhiên trong nó phải chứa đựng những giá trị tinh thần thiêng liêng nhất định. Các lễ hội mùa Xuân ở nước ta thường gắn với tập tục cầu mùa nông nghiệp, tưởng nhớ tổ tiên, các anh hùng đã có công dựng nước, giữ nước hoặc các vị thần có công bảo vệ làng…

Khai mạc Lễ hội Chùa Hương 2019 (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội). (Nguồn: GD&TĐ)

Cầu nguyện cho cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, anh hùng, ngưỡng vọng tạ ơn thần thánh, đức Phật là những điều tốt. Duy trì, phát triển các lễ hội ấy để kế thừa, phát huy, mạnh mẽ giá trị nhân văn là cần thiết và đúng hướng.

Ngày nay trong thời đại mới, việc tổ chức lễ hội nếu biết cách làm sẽ giúp phát triển song hành văn hóa và du lịch. Thông qua đó, còn quảng bá được các nét đẹp văn hóa của người dân địa phương tới khách du lịch. Hình ảnh quốc gia cũng sẽ được truyền tải ra thế giới thông qua đường đi của những tấm ảnh, những bài viết, cảm nhận của du khách quốc tế.

Tuy nhiên, thực tiễn lễ hội những năm vừa qua đã thể hiện nhiều vấn đề, tạo ra sự phản cảm với du khách. Thiết nghĩ, đối với mỗi vấn đề cần phải có biện pháp giải quyết ngay và chiến lược lâu dài. Đó là thời gian tổ chức lễ hội chưa phù hợp và tình trạng lộn xộn, mất trật tự, thậm chí xảy ra tai nạn có thương vong trong lễ hội. Lý do chủ yếu của hạn chế này là do công tác tổ chức và vận hành chưa tốt.

Ở Nhật Bản, sau năm 1873 cả nước sử dụng Dương lịch, thời điểm tổ chức các lễ hội đã có sự điều chỉnh nhất định để tạo ra sự hợp lý. Nhìn vào danh sách các lễ hội của Nhật công bố trên mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy thời điểm tổ chức lễ hội. Có những lễ hội sẽ tuân theo quy định “Thứ Bảy, Chủ nhật hạ tuần tháng 7”, “thứ Bảy, Chủ nhật tuần cuối tháng 7”… Cách thức điều chỉnh và quyết định thời điểm tổ chức lễ hội như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút khách du lịch từ nơi xa đến cũng như tận dụng được khách ở địa phương.

Nước Nhật mỗi năm có hàng vạn lễ hội, có những lễ hội với quy mô lớn như Lễ hội Gion, lễ hội Jidai. Tuy nhiên, báo chí nước Nhật ghi nhận có rất ít sự cố và lộn xộn. Ngay khi kết thúc lễ hội, ban tổ chức và những người có trách nhiệm thường họp, nghiên cứu, mổ xẻ thành bại của lễ hội để đưa ra phương án cho năm tới.

Hiện nay, lễ hội vẫn còn diễn ra các hoạt động phản văn minh, phản văn hóa ngay tại lễ hội như cờ bạc, bói toán, xả rác bừa bãi. Muốn ngăn ngừa và chống lại các hành vi phản văn hóa phải dùng các hoạt động văn minh khác để dẫn dắt.

Để hạn chế tệ nạn, ngoài sự nghiêm minh, cần chủ động tạo ra sân chơi để người dân, khách du lịch tham gia. Chẳng hạn, ngoài hoạt động “lễ”, cần gia tăng và phong phú hóa phần “hội” với các trò chơi truyền thống, thi đấu, biểu diễn thể thao. Trong bối cảnh phong trào khuyến đọc đang lên và văn hóa đọc ngày càng quan trọng, tại sao không kết hợp lễ hội với hội sách, bình sách, đọc sách…

Như vậy, để phát huy tốt các điểm mạnh và hạn chế được các điểm yếu, các địa phương và ban tổ chức cần có quy chế dân chủ để người dân tham gia tối đa và làm chủ lễ hội. Khi lễ hội là của mình, người dân sẽ trân trọng và làm cho nó trở thành sự kiện có ý nghĩa.

Nguyễn Quốc Vương

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/le-hoi-cung-la-hinh-anh-quoc-gia-87915.html