Lễ hội của lòng nhân ái

Ngày 11-3, lễ hội Xuân hồng lần thứ XI - năm 2018 chính thức khép lại. Đây là sự kiện hiến máu lớn nhất trong năm xuất phát từ tình trạng khan hiếm máu thường xảy ra sau dịp Tết Nguyên đán. Khác với hàng nghìn lễ hội đầu xuân đang diễn ra, Xuân hồng là lễ hội duy nhất người tham dự không cầu xin điều gì cho bản thân mà đến để 'trao đi' những giọt máu hồng, trao niềm hy vọng cho người bệnh.

Mỗi giọt máu, một tấm lòng

Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết, mặc dù lượng máu dự trữ cho dịp Tết năm nay được chuẩn bị tốt, nhưng nhu cầu sử dụng máu của các bệnh viện quá cao nên vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm máu sau Tết. Vì vậy, lễ hội Xuân hồng là giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này. Khác với những lần tổ chức trước, lễ hội năm nay diễn ra trong thời gian dài (từ ngày 3 đến 11-3) tại nhiều địa điểm để tạo điều kiện cho người dân có thêm lựa chọn hiến máu.

Đông đảo thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện tại lễ hội Xuân hồng.

Sau sự kiện khởi động tại huyện Thanh Oai (ngày 3-3), 17 điểm hiến máu hưởng ứng lễ hội Xuân hồng đã được tổ chức. Chỉ trong gần một tuần đã tiếp nhận hơn 3.400 đơn vị máu hiến tặng (gấp gần 2 lần so với dự kiến). Riêng ngày khai mạc chính thức lễ hội (10-3) đã tiếp nhận gần 3.300 đơn vị máu. Nhiều đơn vị tham gia tích cực như các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, huyện Thanh Oai, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội...

Thậm chí, nhiều người ở rất xa Thủ đô đã không quản ngại tìm đến các điểm hiến máu. Anh Nguyễn Văn Huỳnh, dân tộc Mường (ở thôn Đồng Táu, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) chia sẻ: "Đã 3 năm nay, cứ mỗi dịp lễ hội Xuân hồng được tổ chức tại Hà Nội, tôi lại cùng nhóm bạn của mình bắt xe khách từ Hòa Bình về để tham gia hiến máu tình nguyện. Tôi đã có 20 lần hiến máu, trong đó có nhiều lần hiến tại lễ hội Xuân hồng. Mỗi lần như vậy đều để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp".

Qua 25 lần hiến máu tình nguyện, anh Nguyễn Tiến Ủy (sinh năm 1991 ở Quảng Ninh) bộc bạch: "Em trai tôi bị mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) cấp, đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong khi em rất cần nguồn máu hiến thì tôi lại không thể giúp được vì hai người mang hai nhóm máu khác nhau là A và B". Nhưng Ủy luôn tâm niệm, mình hiến máu cứu người khác thì sẽ có những tấm lòng nhân ái giúp em trai mình và nhiều bệnh nhân khác.

Trong số hàng nghìn người đến hiến máu tại lễ hội Xuân hồng, vợ chồng anh Lưu Việt Hoàng và chị Phan Thúy Bích (ở quận Hà Đông) đặc biệt gây sự chú ý khi mang theo cô con gái nhỏ 6 tuổi. Đây là lần thứ 2 gia đình anh Hoàng tham gia lễ hội Xuân hồng và anh cho rằng, tham gia lễ hội này là cách giáo dục con về tình yêu thương con người, lòng nhân ái, biết sẻ chia khó khăn giữa người với người trong cuộc sống.

Xóa bỏ nhận thức chưa đúng

Hằng ngày, hằng giờ tại các cơ sở y tế trên cả nước vẫn luôn có hàng nghìn người bệnh đang cần truyền máu. Nếu không có những tấm lòng nhân ái sẵn sàng chia sẻ giọt máu của mình tới người kém may mắn thì có lẽ sự sống của họ không được hồi sinh.

Bắt đầu điều trị bệnh tan máu bẩm sinh từ lúc 5 tuổi, chị Nông Thị Gấm (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) năm nay đã 37 tuổi. Hơn 30 năm phải coi bệnh viện là ngôi nhà thứ hai của mình, chị Gấm đã được truyền gần 1.000 đơn vị máu. Chị Gấm đã nhập viện gần 1 tuần nhưng do nguồn máu phải truyền là nhóm máu O - nhóm máu thường bị thiếu, nên chị cũng như nhiều người bệnh khác rất mong chờ sự kiện lễ hội Xuân hồng.

Chị Nông Thị Gấm chia sẻ: "Tôi rất xúc động và biết ơn khi thấy hàng nghìn người đến hiến máu và sau lễ hội Xuân hồng, những người bệnh lại có thêm nguồn máu để không phải chờ đợi. Lễ hội Xuân hồng thực sự đã đem đến màu “hồng” hạnh phúc cho người bệnh suốt cuộc đời phải gắn với truyền máu như tôi".

Với việc duy trì thường niên, lễ hội Xuân hồng đã khẳng định là điểm nhấn trong phong trào hiến máu tình nguyện, thu hút sự quan tâm hiến máu của đông đảo người dân Thủ đô. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá, trải qua 11 năm tổ chức, lễ hội đã dần xóa bỏ nhận thức chưa đúng cho rằng, hiến máu đầu năm sẽ mất đi may mắn mà thay vào đó là tinh thần tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam. Mặt khác, đây là dịp để huấn luyện cán bộ y tế trong việc tổ chức một buổi hiến máu lớn, đề phòng các thảm họa xảy ra.

Chiều 11-3, lễ hội Xuân hồng lần thứ XI - năm 2018 đã bế mạc tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương. Với thông điệp “Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống”, lễ hội Xuân hồng lần này (từ ngày 3-3 đến 17h30 ngày 11-3) đã tiếp nhận hơn 10.000 đơn vị máu, vượt con số dự kiến ban đầu là 8.000 đơn vị máu. Riêng trong 3 ngày chính hội (ngày 9 đến 11-3) tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đã có 11.000 người tham dự, 8.500 người đăng ký hiến máu tình nguyện và tiếp nhận 6.800 đơn vị máu. Theo Ban tổ chức, sau chương trình bế mạc, Viện vẫn tiếp nhận rất nhiều người đến tham gia hiến máu.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/895267/le-hoi-cua-long-nhan-ai