Lễ hội cổ truyền làng Văn Nội (Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội): Nghi thức rước lửa thiêng lấy may độc nhất vô nhị

Đình làng Văn Nội (phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội) thờ Đức Thành hoàng làng 'Cừ Súy Dực Bảo Tướng Quân Chu Bá', là một vị tướng tài giỏi, văn võ song toàn thời Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa (năm 40 – 43 sau Công nguyên).

Hiện nay, hàng năm, vào các ngày 11, 12 tháng Giêng nơi đây lại diễn ra các nghi thức truyền thống có giá trị như: Lễ phụng nghênh nhà thánh, lễ rước kiệu, lễ giã đám và hóa mã tại lăng mộ tướng quân Chu Bá…

Nghi lễ truyền thống

Đức Thượng Đẳng thờ tại đình Văn Nội trong sử có ghi quê ở Phú Thịnh Trang, quận Cửu Chân. Ngài là một võ tướng tài ba xuất chúng, đã cùng ba quân tướng sĩ đánh giặc Đông Hán thu nhiều thắng lợi. Trên đường về hội quân và tham gia hội thề ở Hát Môn, Ngài đã nghỉ chân ở khu làng Văn Nội. Do có tài thao lược, Ngài đã cùng Hai Bà Trưng giải phóng 65 tòa thành trì, thu giang sơn quy về một mối.

Sau chiến thắng Ngài đã được Hai Bà phong tước “Cừ Súy Dực Bảo Tướng Quân”. Khi Mã Viện thua trận, nhà Đông Hán đã dùng nhiều quỷ kế, tăng viện binh, điều lương thảo vây đánh quân ta ở Lãng Bạc, Cấm Khê. Hai Bà đã thất thủ. Ngài đã rút quân lui về hạ trại tại Văn Nội Trang trong ít ngày để mai táng thi hài các tướng sĩ tử trận tại đây, rồi tiếp tục hành quân ra trận.

Đến tháng 10 năm Kiến Vũ thứ 19, Hán Mã Viện lại đem quân vây căn cứ Dư Phát và một trận quyết chiến đã xảy ra ở khu vực núi Trịnh (Thiệu Hóa). Do quân địch quá đông, quân ta mỏng nên Ngài đã cho quân rút về ngàn rừng phía Tây và đóng đồn ở Thắng Lãm Trang, Văn Nội Khu, tiếp tục chiến đấu đến cùng.

Nghi thức rước mã, hóa vàng lấy lửa thiêng cầu may diễn ra tại khu mộ Chu Bá, đêm 12 tháng Giêng năm Kỷ Hợi. Ảnh: Lại Tấn

Nghi thức rước mã, hóa vàng lấy lửa thiêng cầu may diễn ra tại khu mộ Chu Bá, đêm 12 tháng Giêng năm Kỷ Hợi. Ảnh: Lại Tấn

Đến ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch, lực lượng còn lại quá mỏng không thể chống cự được. Ngài đã tạ thế tại khu làng Văn Nội (nay vẫn còn giữ nguyên vết tích mộ) từ đó Nhân dân làng Văn Nội tôn thờ Ngài làm Thành hoàng làng.

Hàng năm đình là nơi diễn ra các ngày lễ hội lớn của làng với nghi thức tôn nghiêm, long trọng, tiêu biểu cho cả một vùng quê trong và ngoài xã. Ngày 11 tháng Giêng âm lịch hàng năm làng mở hội, có tổ chức tế lễ ở đình, chùa và ở lăng mộ“Cừ Súy Dực Bảo Tướng Quân Chu Bá” thu hút hàng vạn lượt người trong và ngoài xã, các nơi xa gần về hành lễ, dự hội.

Những năm phong đăng hòa cốc, thường tổ chức rước Kiệu Bát Cống, Kiệu Hoa, Kiệu Long Đình, Hương án và các đồ khí tự, đón Quan anh Thanh Lãm - phường Phú Lãm từ Đình xuống Lăng mộ “Cừ Súy Dực Bảo Tướng Quân Chu Bá” tế Hội đồng và Phụng Nghênh Đức Thượng Đẳng từ Lăng mộ “Cừ Súy Dực Bảo Tướng Quân Chu Bá” về đình. Biểu hiện lễ xuất quân của tướng sĩ đi đánh giặc.

Sau buổi lễ giã, vào cuối ngày hội miếng trầu, ly rượu khao quân để dân làng và du khách thập phương cùng hưởng phúc lộc và cầu tài, cầu lộc cho một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, thịnh vượng, an khang. Cuối ngày lễ hội 12 tháng Giêng hàng năm kết thúc, có tục lệ Rước mã thờ và Lửa thiêng từ đình xuống Lăng mộ “Cừ Súy Dực Bảo Tướng Quân Chu Bá” để hóa mã với sự tham gia lên đến hàng vạn người dân, du khách thập phương.

Đây là một thủ tục truyền thống đặc thù, một nét văn hóa tín ngưỡng, tâm linh được lưu truyền từ xa xưa của lễ hội làng Văn Nội. Nét văn hóa này có lẽ là độc nhất vô nhị trong tất cả các lễ hội trên đất nước Việt Nam. Công việc này được chuẩn bị trong suốt cả một năm, từ kỳ lễ hội năm trước đến kỳ lễ hội năm sau.

Lễ rước bằng Di tích cấp quốc gia đối với Lăng mộ Cừ Súy Dực Bảo Tướng Quân Chu Bá.

Cùng với ngọn lửa hóa vàng, không khí sôi nổi được bùng lên trước khi kết thúc lễ hội. Làm lay động lòng người trong tinh thần sảng khoái, vui tươi, khí thế, trang nghiêm của mọi người dân và du khách thập phương. Dân làng và du khách thập phương tìm mọi cách (như dùng mồi lửa, đèn dầu, hương, nến...) để đem ngọn lửa thiêng về thắp lên ban thờ tổ tiên, với tinh thần hộ quốc vì dân của Thành Hoàng làng sẽ muôn đời quang sáng về với nhà mình. Với hy vọng có được sự phù hộ, độ trì, sự che chở của Đức Thánh, để có được sức khỏe, may mắn, có được cuộc sống an lành, thịnh vượng hơn. Trong các ngày diễn ra lễ hội, có tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các trò chơi dân gian...

Ngày 20 - 22/2 âm lịch hàng năm là ngày sinh nhật của Ngài. Tuy lễ vật chỉ là trai bàn, oản quả, xôi gà, hương đăng, phù tửu. Nhưng nghi lễ trong 3 ngày rất long trọng và trang nghiêm. Ngày 10/5/ âm lịch là “ngày hiện Thần”.

Theo Ngọc phả để lại: Ngài đã phù Vua Lê Đại Hành phạt Tống bình Chiêm thắng lợi năm 981. Sau thắng giặc Tống, Vua Lê Đại Hành đã thưởng 10 hốt vàng kim để Nhân dân Văn Nội xây dựng Đình làng làm Ức niên hương hỏa và Ban phong “Vĩ Tự”, “Tá Thánh Hộ quốc”, “Bảo Cảnh Khang Dân Tối Linh Thần”.

Ngày 10/10 âm lịch là “ngày hóa Thần”, về lễ nghi vẫn long trọng nhưng không được tổ chức vui chơi, ca hát. Từ xa xưa các Triều đại Vua đã phong tặng Thành hoàng làng 33 đạo sắc, hiện còn nguyên vẹn nét chữ, dấu ấn trên nền giấy gió để ghi nhớ công đức của Ngài. Năm 1986 Đình, Chùa Văn Nội đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Cuối năm 1983, đầu năm 1984 Nhân dân làng Văn Nội đã phát hiện dưới lòng đất ở xứ đồng Ao Phủ Thờ của địa phương có nhiều cổ vật quý hiếm. Khi đó, Nhà nước đã tổ chức đoàn khảo cổ khai quật thu được 33 ngôi mộ cổ. Trong đó có một số ngôi mộ thuyền và các cổ vật như binh khí bằng đồng, bằng đá, đất nung…

Khu di tích cấp quốc gia lăng mộ Chu Bá.

Ngoài những cuộc khảo cổ trên còn có các đoàn khảo cổ trong nước và các chuyên viên nghiên cứu về khảo cổ nước ngoài cũng tham gia. Những cổ vật thu đều được ngành khảo cổ lưu giữ để nghiên cứu về các di chỉ văn hóa của các triều đại Việt Nam xưa. Đặc biệt ngày 04/01/2001 lại phát hiện ở xứ đồng Ma Chằm làng Văn Nội (cách Đình khoảng 200m một Trống Đồng Cổ loại I “Thời Hêgơ”, có niên đại từ 2000 - 2500 năm). Sở văn hóa Hà Tây đã làm thủ tục pháp lý thu về bảo tàng Hà Tây (nay là Hà Nội) lưu giữ bảo quản, nghiên cứu). Qua đó có thể giúp các nhà khảo cổ xác minh rằng tại cánh đồng làng Văn Nội xưa kia đã có những trận quyết chiến chống quân xâm lược nhà Đông Hán để bảo vệ nền độc lập chủ quyền của dân tộc Việt Cổ. Cũng từ đây lại càng khẳng định một phần của Đế Vương. Trống Đồng cổ một di sản văn hóa có quan hệ mật thiết với Đức Thành Hoàng thờ tại Đình.

Những sự kiện kể trên cũng như các ngày lễ hội trong năm, tại Đình từ xưa tới nay đã để lại một dấu ấn sâu sắc, niềm tự hào trong tâm khảm của mọi người dân Văn Nội. Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc. Không những ở các thế hệ trước, thế hệ ngày nay và mãi mãi cho muôn đời sau.

Danh hiệu quốc gia xứng tầm di sản
Tại Miếu làng Văn Nội có diện tích tự nhiên như sau: Khu Mộ có diện tích là: 1.620m2; khu vườn và nhà đón tiếp khách có diện tích là: 1.568m2; khu ao có diện tích là: 1.968m2; khu vườn cây xanh có diện tích là: 1.080m2; Tổng diện tích khu Lăng mộ Đức thánh Cừ Súy Dực bảo Tướng Quân Chu Bá là 6.236m2.

Trong nhiều năm qua Nhân dân đã góp công, góp của ra sức tôn tạo để bảo tồn địa linh. Nơi gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử đối với khuôn viên di tích Đình, Chùa và Lăng mộ Tướng Chu Bá của địa phương.

Năm 2014, lãnh đạo địa phương và Ban quản lý di tích lịch sử Làng Văn Nội đã lập tờ trình gửi lên UBND phường Phú Lương, UBND quận Hà Đông, Sở VH&TT Hà Nội, Cục Di sản, Bộ VHTT&DL đề nghị xếp hạng Miếu Làng Văn Nội là di tích lịch sử văn hóa nằm trong quần thể khu di tích Đình Văn Nội với tên gọi mới là “Lăng Mộ Chu Bá”.

Ngày 29/1/2019, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký Quyết định số 417/QĐ-BVHTTDL công nhận và xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đối với Lăng Mộ “Cừ Súy Dực Bảo Tướng Quân Chu Bá”.

Lan Ngọc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/le-hoi-co-truyen-lang-van-noi-phu-luong-ha-dong-ha-noi-nghi-thuc-ruoc-lua-thieng-lay-may-doc-nhat-vo-nhi-336842.html