Lễ hội chùa Thầy 2018 kéo dài suốt 3 tháng

Lễ hội chùa Thầy sẽ kéo dài từ mùng 1 tháng Giêng tới hết tháng Ba âm lịch thay vì tổ chức chỉ vỏn vẹn 3 ngày (mùng 5,6,7 tháng Ba âm lịch) như mọi năm.

UBND huyện Quốc Oai vừa tổ chức họp báo thông tin về những nét mới trong Lễ hội chùa Thầy 2018. BTC cho biết, từ năm 2018 sẽ xây dựng Lễ hội chùa Thầy thành "đặc sản" du lịch của địa phương.

Ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết từ năm nay, Lễ hội chùa Thầy sẽ được “nâng cấp” kéo dài trong 3 tháng, trong đó trọng tâm của lễ hội vẫn vào các ngày mùng 5, 6, 7 tháng Ba âm lịch. Lý giải về việc kéo dài lễ hội này, ông Phương cho hay, từ đầu năm 2018, khách thập phương về với chùa Thầy tăng vọt. Vì thế, để phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của chùa Thầy, lãnh đạo địa phương đã quyết định đầu tư, nâng tầm lễ hội.

Lễ hội chùa Thầy sẽ kéo dài trong 3 tháng để phục vụ nhu cầu thăm quan của khách thập phương

"Từ khi chùa Thầy cùng dãy núi đá Sài Sơn, thôn Hoàng Xá, xã Phượng Cách được công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2014, 3 pho tượng Di đà tam tôn được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015, di tích này đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ngay từ Tết Nguyên đán, lượng khách đến chùa Thầy đã tăng cao so với các năm trước. Nếu năm 2017, chùa Thầy thu hút 125 nghìn lượt khách thì riêng từ đầu năm đến nay chùa Thầy đã thu hút tới 75 nghìn lượt khách", lãnh đạo huyện Quốc Oai cho biết.

Theo BTC, mùa lễ hội năm nay sẽ chú trọng phục dựng nguyên bản theo sử sách, dân gian các nghi thức tế, rước trong ngày lễ Mục dục (mùng 5 tháng Ba âm lịch) và lễ Tạ Thánh (mùng 7 tháng Ba âm lịch). Huyện Quốc Oai cũng lấy ý kiến các nhà khoa học khôi phục trang phục lễ tế truyền thống mang dấu ấn đặc trưng của mỗi thôn làng trong quá trình thực hiện các nghi lễ. Bên cạnh phần lễ, BTC cũng quan tâm khôi phục yếu tố truyền thống về vui chơi, lao động sản xuất của người dân bản xứ như: hát Dô xã Liệp Tuyết, hát Ví Hàm Rồng của xã Tuyết Nghĩa, múa rối nước của Sài Sơn, hát chèo của xã Đại Thành, Tuồng của xã Dương Cốc...

Ông Nguyễn Vũ Hán, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quốc Oai, Trưởng Ban quản lý di tích khẳng định lễ hội chùa Thầy sẽ không tổ chức lai căng, không hành chính hóa lễ hội, bảo đảm giữ đúng giá trị của văn hóa xứ Đoài, khôi phục các trò chơi dân gian cổ theo đúng chuẩn mực. Trong các ngày diễn ra lễ hội, BTC không thu vé thắng cảnh.

Ngoài ra, nhằm loại bỏ tình trạng nâng, ép giá, BTC lễ hội cũng yêu cầu các chủ cửa hàng lưu niệm niêm yết giá công khai, không để xảy ra hiện tượng bán hàng rong trên lòng đường.

Quần thể di tích và danh thắng chùa Thầy nổi tiếng với nhiều điểm tham quan nhưng giá trị kiến trúc nổi bật nhất nằm ở ba tòa của chùa Cả với những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII. Đặc biệt, tại gian giữa của tòa Điện Thánh (chùa Thượng) còn lưu giữ được 3 pho tượng Di đà tam tôn bằng gỗ mít, được coi là ba pho tượng đẹp vào bậc nhất nước ta vào thời nhà Lê (thế kỷ 16 để lại).

Chùa Thầy được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2015, 3 pho tượng Di đà tam tôn được công nhận là bảo vật quốc gia. Từ xưa đến nay, chùa Thầy là điểm thu hút du khách thập phương về chiêm bái, là điểm hẹn của giới nghiên cứu khoa học, cũng như những ai đam mê tìm hiểu nghệ thuật kiến trúc các triều đại lịch sử. Lễ hội chùa Thầy mùng 7/3 âm lịch hàng năm đã đi vào dân gian với nhiều câu ca: "Nhất vui là hội chùa Thầy", "Nhớ ngày mùng 7 tháng 3/ Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy"…

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/le-hoi-chua-thay-2018-keo-dai-suot-3-thang-444296.html