Lễ hội Bà Phường Chào đón Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vừa tổ chức lễ công bố quyết định và đón Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Bà Phường Chào. Dịp này, huyện Đại Lộc cũng tổ chức lễ hội theo truyền thống với các hoạt động tri ân công đức Bà, hoạt động văn hóa - thểthao thu hút sự tham gia của hàng trăm người dân địa phương cùng các vùng lân cận.

Các bô lão địa phương thực hiện nghi thức cúng tế Bà tại lễ hội

Lễ hội Bà Phường Chào là hình thái lễ hội văn hóa tâm linh mang tín ngưỡng thờ Mẫu ở Quảng Nam, được hình thành từ khi người Việt ở phía Bắc di cư đến khai phá vùng đất mới vào thế kỷ XV, có sự giao thoa, đan xen và tiếp biến với văn hóa Chămpa, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi phía tây Quảng Nam. Lễ hội mang giá trị nhân văn, xuất phát từ khát vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an cho cộng đồng làng xã.

Tháng 9.2020, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định 2730, theo đó, Lễ hội Bà Phường Chào (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) đã được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Lễ hội Bà Phường Chào có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Vào ngày 25.2 âm lịch hằng năm, người dân ở đây đều tổ chức lễ hội cầu quốc thái dân an và rước kiệu Bà Phường Chào. Bà Phường Chào tên thật là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25.2 năm Cảnh Thịnh bát niên (1800) tại làng Phường Chào (thuộc châu Phiếm Ái, nay là thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, Đại Lộc). Bà được triều đình nhà Nguyễn phong sắc thần 2 lần. Năm Thành Thái thứ 6 (1894), Bà được triều đình sắc phong thần với mỹ hiệu “Trai thục Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần nữ Nguyễn thị linh ứng tôn thần”. Đến năm Khải Định thứ 4, Bà được thăng từ “Trung đẳng thần” lên “Thượng đẳng thần”.

Theo truyền thuyết, Bà Phường Chào là vị thiên tiên giáng trần, lớn lên hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Nhờ Bà mà xóm vạn ghe ở Phiếm Ái châu bên dòng Vu Gia trở nên sầm uất, hưng thịnh. Dân làng ngưỡng vọng oai linh, lập dinh thờ Bà, gọi là Dinh Bà Phường Chào. Tương truyền, ở trần gian được 17 năm, Bà tạ thế, hồn chu du khắp bốn phương trời, hiển linh để giúp dân. Năm Tự Đức thứ 5, Bà qua thôn Phước Ấm (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) giúp dân lập chợ làm ăn phát đạt và gọi là chợ Được.

KHÁNH CHI

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/di-san/artmid/488/articleid/39165/le-hoi-ba-phuong-chao-don-bang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia