Lễ đón giao thừa ở khắp nơi trên thế giới

Lễ hội đón giao thừa năm mới là ngày lễ duy nhất được tổ chức cùng một thời điểm trên khắp thế giới, vì vậy có thể nói rằng, đây là ngày lễ lớn nhất trong năm. Năm mới là dịp để người dân trên toàn thế giới cùng nhìn lại năm cũ và chào đón những điều tốt lành trong năm tới. Mọi người cùng cảm nhận tinh thần tốt đẹp và lạc quan về tương lai. Ở khắp nơi trên thế giới, đây là lúc người dân dành thời gian với gia đình, bạn bè và những người thân yêu.

Pháo hoa trong đêm giao thừa tại Thủ đô London, Anh. Ảnh: UK

Pháo hoa trong đêm giao thừa tại Thủ đô London, Anh. Ảnh: UK

Thủ đô Berlin, Đức là nơi tổ chức một trong những lễ đón giao thừa lớn nhất tại châu Âu với hàng triệu người tham gia mỗi năm. Lễ đón có tên gọi là “Silberster” bao gồm các hoạt động bắn pháo hoa và uống rượu vang. Tại nhiều gia đình, người dân có tục lệ đun chì trên một cái thìa rồi đổ vào chậu nước lạnh để xem hình dáng của chì trong nước. Dựa vào hình dáng, người ta sẽ dự đoán tương lai năm mới. Nếu là hình trái tim hoặc chiếc nhẫn có nghĩa là một đám cưới sắp diễn ra, hình quả bóng có nghĩa là năm mới suôn sẻ, hình con lợn có nghĩa là một năm sung túc đủ đầy.

Tại Tây Ban Nha, theo truyền thống, người dân sẽ ăn 12 quả nho cùng một lúc vào nửa đêm giao thừa. Mỗi quả nho đại diện cho một trong những mong muốn trong năm mới. Còn tại Anh, tất cả các hoạt động đón giao thừa đều diễn ra bên bờ sông Thames. Pháo hoa được bắn gần tháp đồng hồ Big Ben và vòng đu quay khổng lồ London Eye.

Trước khi đón năm mới, người dân Ireland đều dọn dẹp nhà cửa gọn dàng và rửa xe, vườn tược. Khi gần đến thời khắc giao thừa, người dân Ireland ném một miếng bánh mỳ qua tường để xua đuổi tà ma. Sau đó, để hồi tưởng về những người thân yêu, người dân Ireland sẽ ăn một bữa tối đặc biệt khi để cửa mở và đặt một khoảng trống trên bàn cho người thân đã khuất.

Người dân Đan Mạch thường tập trung tại phía trước Cung điện hoàng gia ở Thủ đô Copenhagen để lắng nghe bài phát biểu chào mừng năm mới của Nữ hoàng Đan Mạch và đợi tiếng chuông đồng hồ điểm giao thừa. Theo phong tục truyền thống, vào đêm giao thừa, người dân Đan Mạch sẽ đập vỡ các bát đĩa không dùng tới và nhảy từ trên ghế thấp xuống nhằm mang lại may mắn cho năm mới.

Mừng năm mới trong không khí ấm áp, tại Australia, pháo hoa sẽ được trình diễn tại cảng Sydney trong đêm giao thừa. Trong dịp này, người dân Australia thường tham dự lễ hội đua ngựa, diễu hành và hội chợ. Tại Canada, người dân thường nhảy vũ điệu “gấu Bắc cực” bằng cách nhảy trên nước đóng băng nhằm quyên góp tiền từ thiện.

Giống như tại một số nước châu Á, năm mới tại Trung Quốc diễn ra theo lịch âm từ khoảng cuối tháng 1 đến tuần thứ 3 của tháng 2. Trong những ngày lễ mừng năm mới, người dân Trung Quốc thường tổ chức múa rồng và sư tử trên đường phố để cầu sức khỏe và tài lộc. Bên cạnh đó, các gia đình còn có tục lệ tặng tiền mừng tuổi cho người thân. Còn tại Hàn Quốc, nhiều người dân sống bên bờ biển thường tổ chức lễ hội ngắm mặt trời mọc nhân dịp năm mới để cầu nguyện. Tại Nhật Bản, đúng vào đêm giao thừa, tất cả chuông ở các ngôi chùa trong cả nước sẽ được đánh vang 108 tiếng để báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới đang tới.

Ở các nước Mỹ Latinh, như tại Puerto Rico, người dân thường đổ các thùng nước ra ngoài cửa sổ vào đêm giao thừa để xua đuổi tà ma. Đề cầu may mắn, các gia đình còn rắc đường bên ngoài nhà. Các bữa tiệc mừng năm mới thường gồm món lợn nướng và các loại bánh làm từ gạo. Tại Mexico, các gia đình ném đồng xu xuống đất và quét chúng trở lại nhà để cầu tương lai may mắn.

Tại các nước châu Phi, người dân thường ăn mừng năm mới trong các lễ hội hóa trang và diễu hành đầy màu sắc. Các hoạt động trong lễ hội được coi là sẽ tạo nên sự may mắn, vui vẻ, xua đi năng lượng tiêu cực trong năm mới.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/le-don-giao-thua-o-khap-noi-tren-the-gioi/