Lê Diệp Kiều Trang rời Facebook, sếp Hòa Phát ra vào Forbes

Bà Lê Diệp Kiều Trang rời Facebook, ông Trần Đình Long trở lại danh sách tỷ phú của Fobers chỉ trong vài ngày... là tin tức nổi bật trong tuần.

Bà Lê Diệp Kiều Trang rời Facebook

Giám đốc Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang vừa bất ngờ tuyên bố mình rút khỏi Facebook sau một thời gian ngắn làm việc cho mạng xã hội lớn nhất thế giới và đang phát triển bùng nổ tại Việt Nam.

Theo chia sẻ của kiều nữ nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, cô sẽ rời vị trí tại Facebook vào cuối năm nay do không thu xếp được công việc gia đình.

Bà Lê Diệp Kiều Trang

Trước đó, hồi tháng 3/2018, Lê Diệp Kiều Trang, thường được gọi với cái tên Christy Le đã gia nhập Facebook với vị trí Giám đốc quốc gia với mong muốn trải nghiệm ở một vị trí cực kỳ thách thức tại Facebook.

Lê Diệp Kiều Trang sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm kinh doanh - bố là ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su miền Nam (Casumina), anh trai Lê Trí Thông là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á và gần đây thay bà Cao Thị Ngọc Dung làm CEO của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Theo chia sẻ, thời gian sắp tới Lê Diệp Kiều Trang sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, và cho một vài ý tưởng mới.

Tỷ phú Trần Đình Long ra vào Forbes

Vài ngày sau khi không còn trong danh sách tỷ phú USD của Forbes, tên ông chủ Tập đoàn Hòa Phát đã xuất hiện trở lại trong cập nhật mới nhất của tạp chí này.

Theo đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, đã trở lại danh sách tỷ phú USD với khối tài sản 1 tỷ USD.

Ông chủ Tập đoàn Hòa Phát xếp ở vị trí thứ 1.996 trong bảng xếp hạng những tỷ phú giàu có nhất hành tinh do tạp chí này thống kê.

Nếu so với danh sách công bố hồi đầu năm, khối tài sản ròng của ông Long đã giảm hơn 300 triệu USD, và ông cũng đã giảm 240 bậc trong xếp hạng.

Nắm giữ tới 534,2 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 25,15% vốn doanh nghiệp, ông Long chính là cổ đông lớn nhất tại đây. Lượng cổ phiếu ông nắm giữ hiện có giá trị lên tới gần 19.000 tỷ đồng.

Việc ông Long không xuất hiện trong danh sách tỷ phú USD do Forbes thống kê xuất phát từ sụt giảm thị giá của cổ phiếu HPG khiến tài sản ròng của ông sụt giảm tương ứng xuống dưới 1 tỷ USD. Ngay khi cổ phiếu tăng giá trở lại, tên của đại gia này đã trở lại danh sách.

Tạp chí này từng cho biết phương pháp thống kê tài sản ròng của các tỷ phú có bao gồm tài sản trên giá trị cổ phiếu của họ trên các sàn chứng khoán. Vì vậy khối tài sản này có thể biến động. Bên cạnh đó là các bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của các tỷ phú để tìm ra tài sản ròng sở hữu.

Forbes cũng đồng thời lấy ý kiến hàng loạt chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau để ước tính tài sản của các tỷ phú.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo tăng thêm 11 bậc quyền lực

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2018. Như mọi năm, các tiêu chí đánh giá của họ là: tiền bạc (tài sản, doanh thu công ty hoặc GDP quốc gia), độ hiện diện truyền thông, tầm ảnh hưởng và tác động của họ lên cả lĩnh vực của mình (truyền thông, kinh doanh, công nghệ,..) lẫn lĩnh vực bên ngoài. Năm nay, Forbes tích hợp thêm đánh giá về ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Đại diện duy nhất của Việt Nam – CEO hãng hàng không Vietjet – Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục nằm trong danh sách năm nay. Bà xếp thứ 44, tăng 11 bậc so với năm ngoái. Forbes ước tính bà Thảo hiện sở hữu khối tài sản trị giá 2,6 tỷ USD.

Đứng đầu danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm nay vẫn là Thủ tướng Đức - Angela Merkel. Đây là năm thứ tám liên tiếp bà giữ vị trí số một. Theo sau là Thủ tướng Anh – Theresa May, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - Janet Yellen và CEO General Motors - Mary Barra.

Vợ Phó Chủ tịch Nghệ An bỏ ghế sếp lớn

Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa thông báo chấp thuận cho CTCP Tập đoàn Cienco4 (Cienco4) được chấp thuận đăng ký giao dịch 100 triệu cổ phiếu trên Upcom với mã chứng khoán C4G với ngày giao dịch đầu tiên 10/12/2018.

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 14.000 đồng/cổ phiếu.

Với 100 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch, Cienco4 được định giá 1.400 tỷ đồng.

Cienco4 là một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông khá nổi tiếng và trở thành một cái tên thu hút sự chú ý của giới đầu tư với những vụ thâu tóm đổi chủ khá bí ẩn trong vài năm qua.

Vài năm trước đây, giới đầu tư xôn xao về một doanh nghiệp xây lắp ít tên tuổi là Tuấn Lộc thâu tóm Cienco4. Doanh nhân trẻ 8x Trần Tuấn Lộc, quê ở Nam Đàn, Nghệ An trở thành ông chủ Cienco4.

Một thời gian dài sau đó, đại gia thực sự của Cienco4 mới lộ diện: vợ Phó Chủ tịch Nghệ An. Trong báo cáo quản trị 2016 của Cienco4, bà Trương Thị Tâm giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT và là cổ đông lớn của doanh nghiệp này. Trong khi đó, ông Trần Tuấn Lộc không còn là thành viên HĐQT.

Ngay trước thềm lên sàn, hồi đầu tháng 10/2018, vợ phó Chủ tịch Nghệ An bất ngờ bỏ ghế sếp lớn Cienco 4.

HĐQT Cienco4 đã có nghị quyết về việc miễn nhiệm đối với bà Trương Thị Tâm kể từ ngày 2/10/2018, dựa trên kết quả xem xét Đơn xin thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT và từ nhiệm Thành viên HĐQT Cienco4 của bà Tâm trước đó.

Bà Trương Thị Tâm là vợ của ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Nghệ An - người từng làm TGĐ Cienco4 sau một thời gian dài năm giữ vị trí giám đốc CTCP 482 (thành viên của Cienco4).

Tới cuối 2014, ông Hoa bị bãi nhiệm chức danh TGĐ Cienco4 trước khi được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trong một cuộc họp bất thường của HĐND tỉnh này.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/le-diep-kieu-trang-roi-facebook-sep-hoa-phat-ra-vao-forbes-3370683/