Lễ cưới... trực tuyến

Reng…reng…reng! Thầy cúng báo hiệu buổi lễ thành hôn bắt đầu. Chú rể Sushen Dang trong trang phục khăn xếp đội đầu và áo dài Sherwani, còn cô dâu Keerti Narang mặc váy cưới Sari truyền thống tiến về phía trước. Người làm lễ thực hiện các nghi thức, tuyên bố Dang và Narang là vợ chồng. Gia đình, họ hàng hai bên và khách mời chúc phúc cho đôi bạn trẻ. Nhạc công nổi trống rồi cất lời hát, mọi người cùng nhau nhảy múa vui vẻ.

Những hình ảnh như trên có thể đã quá quen thuộc trong bất cứ hôn lễ truyền thống nào của người Ấn Độ. Duy chỉ có một điều khác là Dang và Narang lựa chọn tổ chức ngày trọng đại của cuộc đời mình bằng hình thức trực tuyến do lệnh phong tỏa và cấm tụ tập đông người bởi dịch Covid-19 đang lây lan mạnh tại quốc gia Nam Á. Trước đó, cặp đôi này từng lên lịch cho đám cưới tại một khu nghỉ dưỡng gần Vườn quốc gia Jim Corbett thuộc bang Uttarakhand ở miền bắc Ấn Độ.

 Chú rể Sushen Dang và cô dâu Keerti Narang. Ảnh: Business Insider.

Chú rể Sushen Dang và cô dâu Keerti Narang. Ảnh: Business Insider.

Đúng vậy! Chú rể lên mạng từ thành phố Mumbai, thủ phủ của bang Maharashtra ở phía tây Ấn Độ và được bao quanh bởi biển Arab, trong khi đó, cô dâu đăng nhập từ thành phố Bareilly của bang Uttar Pradesh nằm ở phía bắc nước này và có biên giới giáp với Nepal. Hai người đang ở cách xa nhau 1.400km. Thầy cúng làm lễ trong lúc ngồi trước lò lửa tại nhà riêng ở thành phố Raipur thuộc bang Chhattisgarh ở miền trung Ấn Độ. Hơn 100 khách mời từ Delhi, Guargaon cho đến Bangalore đều “có mặt” đông đủ.

Không chỉ thực hiện trên nền tảng hội họp trực tuyến đa điểm Zoom, lễ thành hôn của Dang và Narang còn được phát trực tiếp qua mạng xã hội Facebook, thu hút gần 16.000 người theo dõi. Đến nay, đám cưới đã có khoảng 260.000 lượt xem và vẫn không ngừng tăng lên. Dang, một nhà phân tích dữ liệu 26 tuổi, chia sẻ rằng con số trên là một điều hoàn toàn bất ngờ đối với vợ chồng anh. Họ không nghĩ đám cưới trực tuyến của mình lại “nổi tiếng và hoành tráng” đến thế.

Lâu nay, Ấn Độ được biết đến là một trong những đất nước có phong tục tổ chức đám cưới truyền thống tốn kém và nhiều nghi lễ nhất trên thế giới. Một đám cưới thường kéo dài ít nhất 3 ngày, hay có khi 5 hoặc thậm chí là 7 ngày. Theo thống kê, hằng năm có khoảng 10 triệu đám cưới được tổ chức ở Ấn Độ. Dù vậy, dưới tác động của dịch Covid-19, ngành "công nghiệp cưới hỏi" ở quốc gia 1,3 tỷ dân với ước tính trị giá đến 50 tỷ USD cũng chịu tổn thất nặng nề. Chỉ riêng bang Rajasthan ở miền tây Ấn Độ, khoảng 23.000 đám cưới trùng với lễ hội Akshaya Tritiya-sự kiện liên quan đến hoạt động mua bán vàng trang sức tại nước này-đã phải hủy bỏ vì dịch bệnh.

Trước tình hình trên, công ty mai mối Shaadi đưa ra ý tưởng về một hình thức tổ chức đám cưới để các đôi lứa “xây dựng tổ ấm” vừa không cần ra khỏi nhà nhưng vẫn giữ được ý nghĩa thiêng liêng và cảm xúc đặc biệt. Anh Adhish Zaveri, Giám đốc Tiếp thị của Shaadi cho biết, đám cưới trực tuyến ngắn gọn hơn, ít tốn kém hơn rất nhiều so với bình thường. Dang và Narang chính là khách hàng đầu tiên của Zaveri. Hai người đã chi 1.300 USD cho dịch vụ này. Cô dâu được thợ hướng dẫn trang điểm và mặc váy qua mạng. Mọi người tham gia đều được gửi thông tin đăng nhập và mật khẩu để vào. “Mô hình” của Dang và Narang, theo Zaveri, đã tạo nên một hiệu ứng rộng khắp. Nhiều cặp đôi khác cũng dự định sẽ tổ chức như vậy. Công ty Shaadi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng.

Khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa biết sẽ kéo dài bao lâu, việc thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa trở thành xu thế tất yếu. Không chỉ có đám cưới mà nhiều hoạt động khác như hội họp, học tập hay thậm chí là liên hoan cũng được tổ chức trực tuyến. Đó hoàn toàn là giải pháp hợp lý vì sức khỏe của chính bản thân mỗi người cũng như cả cộng đồng.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/le-cuoi-truc-tuyen-618059