Lê Công Vinh thành danh vì nghị lực

Dù đã giải nghệ được 3 năm nhưng người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể quên được Lê Công Vinh - người được ghi nhận là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội tuyển Quốc gia Việt Nam.

Được nhớ đến không bởi tài năng của anh mà người ta nhớ đến anh bởi anh là cầu thủ giàu nghị lực thuộc hạng nhất của Việt Nam.

Công Vinh là cầu thủ chuẩn mực trong sự nghiệp và luôn cháy hết mình mỗi khi được thi đấu. Do đó, người ta đánh giá anh là mẫu cầu thủ tiêu biểu nhất về sự chăm chỉ, kiên trì.

Anh từng 3 lần nhận danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam vào các năm 2004, 2006, 2007 và chỉ có cựu tuyển thủ Quốc gia và hiện nay là HLV SHB Đà Nẵng Lê Huỳnh Đức, Phạm Thành Lương cùng có 3 lần giành được giải thưởng này. Vinh cũng được xem là một trong số những cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam.

Lê Công Vinh cùng các danh thủ thời còn đá đội trẻ

Lê Công Vinh cùng các danh thủ thời còn đá đội trẻ

Nhưng để có được thành công đó, ít ai biết được rằng lúc Vinh còn nhỏ, vì gia cảnh khó khăn, mẹ anh phải đi làm ăn xa nhà nên chủ yếu nhờ bàn tay bố chăm sóc cả gia đình. Nhưng tai họa đột ngột ập tới, một lần đi trên đường, bố của Vinh bị xe khách đâm làm bị thương nặng, tiền thuốc thang, viện phí cho ông khiến gia đình gần như khánh kiệt. Sau khi bình phục, cũng vì muốn cho các con bớt đói khổ, bố Vinh đã có quyết định liều lĩnh và sai lầm là đi buôn ma túy với khát vọng "đổi đời". Nhưng ngay từ lần đầu tiên đi, ông đã bị bắt và phải chịu án 12 năm tù.

Cha vướng lao lý, lúc này người mẹ dứt khỏi vòng xoáy của cuộc mưu sinh để về chăm các con. Tuy nhiên, chị em Vinh lại phải đối mặt với một nỗi buồn hơn nữa khi bố mẹ chia tay nhau. Sau 8 năm cải tạo tốt, cha của Vinh được tự do trước thời hạn.

Ngay từ thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời, Công Vinh hiểu bóng đá là phương tiện để đổi đời cũng như nuôi sống gia đình. Song chỉ mỗi đam mê và tài năng thôi thì chưa đủ để đưa Công Vinh đến đỉnh vinh quang như sau này, năm 14 tuổi, Lê Công Vinh bắt đầu tập luyện bóng đá. So với những cầu thủ cùng lứa, sự khởi đầu của Vinh khá muộn và cũng không suôn sẻ. Thậm chí, còn bị đánh giá là không có nhiều triển vọng, cả kỹ thuật và tâm lý đều chưa vững.

Công Vinh hiểu bóng đá là phương tiện để đổi đời cũng như nuôi sống gia đình

Những giọt mồ hôi, những sự nỗ lực của anh cuối cùng cũng được ghi nhận trong giai đoạn ăn tập tại đội trẻ của Nghệ An. Năm 18 tuổi, Vinh được gọi vào đội chính của Sông Lam Nghệ An. Công Vinh bắt đầu chứng tỏ được khả năng ở giải JVC Cup 2003. Đến năm 2004, các thành công dồn dập đến với Vinh. Lê Công Vinh nhận giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm của bóng đá Việt Nam, nhận luôn giải Cầu thủ xuất sắc nhất năm.

Thế nhưng lúc đó, trong sự nghiệp của Vinh lại luôn phải đối mặt với những lời đồn ác ý khi bị so sánh với thần đồng Việt Nam lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Quyến.

Cuộc đời bóng đá chuyên nghiệp của Công Vinh cũng trải qua rất nhiều CLB, những mỗi chuyến chuyển nhượng của anh cũng tốn không ít giấy mực từ giới báo chí và đương nhiên là cũng tốn không hề ít tiền của các ông chủ đội bóng muốn có anh.

Tháng 10/2008 T&T Hà Nội phải trả cho Sông Lam Nghệ An 8 tỷ đồng cùng mức lương trên 40 triệu đồng/tháng để có Công Vinh. Mùa giải năm đó Công Vinh kết thúc mùa giải với 14 bàn thắng cho T&T, trở thành chân sút nội xuất sắc nhất V-League 2009.

Bóng đá đã cho Công vinh những gì anh muốn

Anh hoàn tất thủ tục ký hợp đồng ngắn hạn với câu lạc bộ Leixoẽs SC. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm từ truyền thông quốc tế.

Tháng 9/2011, Công Vinh gây sốc khi cho biết anh đã chính thức từ chối tái ký hợp đồng với Hà Nội T&T và sẽ về đầu quân cho câu lạc bộ Hà Nội theo lời mời của bầu Kiên, mức phí lót tay không được tiết lộ.

Vào năm 2013, Công vinh trở lại sông Lam Nghệ An sau 4 năm rời xa quê hương, ở mùa giải này anh đã có tổng 14 bàn thắng tại V-League 2013 qua đó trở thành chân sút nội tốt nhất giải.

Ngày 22/7/2013, anh chính thức chuyển sang chơi cho câu lạc bộ hạng nhì Nhật Bản Consadole Sapporo theo một bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 5 tháng.

Tháng 10/2014, Lê Công Vinh chính thức đặt bút ký hợp đồng với Becamex Bình Dương với khoản lót tay khoảng 5 tỷ đồng và tiền lương trên 40 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dưới thời HLV Lê Thụy Hải, tiền đạo Lê Công Vinh thường xuyên phải ngồi dự bị ở Bình Dương, mặc dù sức khỏe và phong độ rất tốt.

Lê Công Vinh đã gặt hái không ít thành công

Ở cấp độ đôi tuyển, Vinh đã gặt hái không ít thành công, điển hình là AFF Suzuki Cup 2008 khi chính anh là người thực hiện cú đánh đầu ngược đem về bàn thắng gỡ hòa 1-1 ở phút thứ 90+4 trong trận chung kết lượt về với đội tuyển Thái Lan trên SVĐ Mỹ Đình (lượt đi Việt Nam thắng Thái Lan 2-0) qua đó đem về chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên cho Việt Nam.

Trong suốt sự nghiệp bóng đá của mình, Lê Công Vinh đã cố gắng nỗ lực hết mình, anh đã cho người hâm mộ Việt Nam thấy được sự nghị lực đi lên từ hoàn cảnh khó khăn. Những sự cố gắng của anh phần nào cũng được ghi nhận một cách xứng đáng dù bên cạnh đó vẫn còn có những điều tiếng không hay bên ngoài sân cỏ.

Một số thành tích tập thể và cá nhân của Lê Công Vinh

• Cầu thủ xuất sắc nhất của Liên đoàn bóng đá Việt Nam 2004
• Vua phá lưới Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh 2004
• Vua phá lưới Cúp bóng đá Việt Nam 2004
• Vô địch Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh 2005; hạng nhì 2004; hạng ba 2006
• Quả bóng vàng Việt Nam năm 2004, 2006, 2007
• Quả bóng bạc Việt Nam năm 2005
• Hạng ba giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2007
• Hạng nhì Cúp Nhà vua (Thái Lan) 2007
• Vô địch giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2008
• Quả bóng đồng Việt Nam năm 2008
• Cầu thủ khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam nhiều nhất
• Cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam
• Cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử giải vô địch quốc gia Việt Nam (V-League)
• Top 10 cầu thủ ghi bàn nhiều nhất giải vô địch bóng đá Đông Nam Á

Thái Linh

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/le-cong-vinh-thanh-danh-vi-nghi-luc-67507.htm