Lê Công Thành và niềm khao khát sự toàn vẹn

Triển lãm '3 . 3 . 3' của Lê Công Thành đặc biệt không chỉ ở danh tiếng của nhà điêu khắc. Đây là một triển lãm không trưng bày tác phẩm sẵn có từ xưởng nghệ sỹ mà Ban tổ chức đã lựa chọn ba phác thảo từ loạt sáng tác điêu khắc tấm kim loại lát mỏng (kích thước nhỏ) của Lê Công Thành, thể hiện chúng thành chín 'thực thể điêu khắc' theo các kích thước trung bình đến lớn, với sự đồng ý của nghệ sỹ và gia đình.

Không gian triển lãm ‘3 . 3 . 3’ của Lê Công Thành.

Theo Giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Anh Tuấn, đây là một “diễn giải điêu khắc từ tinh thần nghệ thuật của Lê Công Thành”. Triển lãm kéo dài từ nay đến 19/8/2018, tại Heritage Space, Dolphin Plaza, số 6 đường Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Mỗi phác thảo là một đại diện có tính khái quát về hình tượng điêu khắc mà Lê Công Thành theo đuổi: cơ thể phụ nữ, vật thể tô-tem, cột vô tận, với đầy đủ tinh thần kỳ bí, nhục cảm, khao khát và bề thế trong đặc tính nghệ thuật của ông.

‘3 . 3 . 3’, tên gọi của triển lãm được xuất phát từ con số 9. Số 9 (Chín), đối với Lê Công Thành, là một mệnh đề tuyệt đối của sự tồn tại, một con số biểu đạt sự toàn vẹn cao nhất của các ý niệm tinh thần. Từ ý nghĩa này, chín bức tượng được phóng lớn và biến thiên từ 3 mẫu phác thảo, sắp đặt trong không gian triển lãm theo cung tròn với trung tâm là tác phẩm cao nhất (4.5m), cao độ lần lượt được giảm xuống 3m6, 2m7 và 1m8. Số lượng 9 vật thể điêu khắc trong triển lãm, chính là sự diễn giải về số học (3 lần 3), là một ý đồ được chọn lựa từ đầu. Từ đó, kích thước các chiều của điêu khắc có mặt trong triển lãm này đều nằm trong bội số của 3 và 9. Theo nhà điêu khắc Lê Công Thành, nó biểu đạt sự chưa toàn vẹn, và khao khát sự toàn vẹn nằm trong con người nghệ sỹ.

Là một người sùng bái sự duy mỹ, cảm thức sâu xa với các nhịp điệu tự nhiên và cơ thể phụ nữ, cũng như tôn sùng sự hoàn hảo, cả cuộc đời Lê Công Thành tìm kiếm hình thức và ngôn ngữ thị giác tối ưu cho để biểu hiện cảm quan vật chất và không gian của ông.

Điêu khắc tấm kim loại lát mỏng, được Lê Công Thành phát triển từ những năm cuối của thập niên 1980s, là một bước chuyển lớn trong tư duy và ngôn ngữ tạo hình của nghệ sỹ. Ông liên tục làm việc với phương cách này trong nhiều năm, ở những phác thảo nhỏ và các tượng cỡ vừa, âm thầm thể nghiệm và nung nấu những cơ hội được biểu đạt chúng trong những không gian lớn. Nó là một phần không nhỏ trong sưu tập nghệ thuật đồ sộ của nghệ sỹ hơn nửa thế kỷ lao động nghệ thuật, cũng là phần thú vị nhất, đương đại nhất nhưng lại ít được biết đến nhất.

Việc thể hiện tác phẩm ở kích thước lớn được giám sát kỹ thuật chặt chẽ bởi nhà điêu khắc Nguyễn Lập Phương và xưởng cơ khí Việt Hoàng tại Gia Lâm, Hà Nội. Phương án trưng bày tác phẩm và tổ chức không gian được đưa ra bởi nhà truyền thông thị giác Phạm Đam Ca và các trợ lý. Các tư liệu trong triển lãm được thu thập bởi Phạm Út Quyên.

“Khi biết rằng tất cả chỉ là những phác thảo nhỏ và vừa, được sáng tác trong một không gian khiêm tốn và khép kín, người xem sẽ phải ngạc nhiên trước khả năng phóng lớn của các tác phẩm để phù hợp với những hình thái, chức năng đa dạng của các dạng thức không gian kiến trúc đô thị hay môi cảnh tự nhiên. Điều này đòi hỏi ở nghệ sĩ sức sáng tạo, khả năng tưởng tượng, tính toán và kiểm soát phi thường đối với chất liệu, kết cấu tác phẩm và không gian. Từ đó, triển lãm mong muốn tái khẳng định vị trí của Lê Công Thành như một nghệ sĩ đương thời, vẫn đang hít thở bầu không khí điêu khắc thời đại và vẫn đang say mê sáng tạo” - Giám đốc nghệ thuật Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Nhà điêu khắc Lê Công Thành năm nay 86 tuổi, nhưng những sáng tạo của ông dường như không có tuổi.

Lâm Tuấn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/le-cong-thanh-va-niem-khao-khat-su-toan-ven-1309331.tpo