Lễ công bố trực tuyến cuộc thi 'Thử thách sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trong khu vực ASEAN'

Ngày 24/6, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (MONRE), Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI), Bộ Ngoại giao Na Uy và Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad) đã công bố cuộc thi 'Thử thách sáng tạo nhằm giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa trong khu vực ASEAN' ở các thành phố ven biển Vịnh Hạ Long (Việt Nam) và đảo Samui (Thái Lan) vào năm 2020, sau đó là Indonesia và Philippines vào năm 2021.

Toàn cảnh buổi Lễ công bố trực tuyến cuộc thi.

Toàn cảnh buổi Lễ công bố trực tuyến cuộc thi.

Rất nhiều ý tưởng sáng tạo nhằm giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã được phát triển, nhưng những giải pháp này thường thiếu sự hỗ trợ hoặc gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô. Thử thách sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (EPPIC) mang đến cơ hội thú vị cho các nhà sáng tạo để nhận được nguồn tài trợ vốn mồi và đào tạo ươm mầm giúp họ tối đa hóa cơ hội thành công. Cuộc thi sáng tạo chào đón tất cả các nhà sáng tạo đến từ khu vực ASEAN – bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức học thuật, các cơ quan nhà nước và các cá nhân – tới chia sẻ những ý tưởng sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở vịnh Hạ Long hoặc Koh Samui.

Các nhà sáng tạo quan tâm được mời đăng ký trên trang web của EPPIC từ ngày 25/6/2020 đến 23h59 đêm ngày 06/8/2020. 10 đến 15 người lọt vào vòng chung kết sẽ được công bố vào ngày 16/8 và họ sẽ được đăng ký tham gia khóa đào tạo ươm mầm trong 03 tháng do UNDP Impact Aim, là cơ quan thúc đẩy tác động tích cực của các Công ty khởi nghiệp địa phương, thực hiện. Sau khi kết thúc khóa đào tạo ươm mầm, các thí sinh lọt vào vòng chung kết sẽ trình bày các giải pháp của họ trong Cuộc thi Khởi nghiệp vòng Chung kết của EPPIC và từ 02 đến 04 thí sinh sẽ được Ban Giám khảo lựa chọn là người chiến thắng chung cuộc của Cuộc thi EPPIC 2020. Mỗi người chiến thắng sẽ được nhận khoản vốn mồi lên tới 18.000 USD mà không phải góp vốn cổ phần, cũng như được tham gia thêm chương trình tăng tốc tác động trong 9 tháng, và có cơ hội kết nối với các doanh nghiệp đầu tư tác động và các doanh nghiệp phát triển chủ chốt khác trong khu vực ASEAN.

Trong cuộc thi sáng tạo năm 2020, một hội đồng giám khảo sẽ được thành lập, bao gồm các giám khảo: Kari Synnøve Johansen (Norad), Sara Wingstrand (Quỹ Ellen MacArthur), Regula Schegg (Circulate Capital), Giulio Quaggiotto (Trung tâm Sáng tạo khu vực châu Á Thái Bình Dương của UBDP), Supinya Srithongkul (Koh Samui), Nguyễn Lê Tuấn (VASI) và một đại diện đến từ Vịnh Hạ Long.

Mỗi năm, khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ vào đại dương. Khi bị phân hủy thành các mảnh nhựa siêu nhỏ, chúng sẽ đe dọa cuộc sống thủy sinh, xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người và ảnh hưởng đến sinh kế của các cộng đồng ven biển. Chỉ riêng Việt Nam đã tạo ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, và con số này ngày càng tăng: chỉ riêng năm 2019 mức tăng đã là 16%. Cũng cần lưu ý rằng chỉ có 9% lượng rác thải nhựa phát sinh được tái chế và 40% là đồ nhựa sử dụng một lần, đây là một vấn đề trở nên ngày càng cấp bách và phức tạp khó giải quyết.

“Hành tinh của chúng ta đang bị đe dọa hơn bao giờ hết với những thách thức tồn tại từ lâu trước khi có đại dịch Covid-19, đặc biệt là biến đổi khí hậu và rác thải nhựa đại dương. Chúng tôi tin rằng các quốc gia ASEAN có tiềm năng sáng tạo lớn có thể được nhân rộng nhằm đem lại những tác động đáng kể. Chúng tôi cũng thấy những nỗ lực từ các quốc gia thành viên trong việc cấm đồ nhựa sử dụng một lần, áp dụng khái niệm Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), thúc đẩy các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi, giới thiệu các phương án thay thế thân thiện với môi trường hoặc hỗ trợ các sáng kiến tái chế”, bà Kanni Wignaraja - Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Giám đốc Văn phòng Khu vực Châu Á Thái Bình Dương UNDP cho biết.

“Norad tự hào được tài trợ cho Thử thách sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa của UNDP Việt Nam, đây là một phần trong chương trình phát triển của Na Uy nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương. Với sự phối hợp liên ngành, giữa các quốc gia, chúng ta có thể cùng nhau dừng và chấm dứt ô nhiễm rác nhựa tại các đại dương của chúng ta. Để thực hiện được điều này, chúng ta cần phải suy nghĩ một cách sáng tạo. Việc công bố cuộc thi EPPIC mang đến những cơ hội như vậy. Những cơ hội này sẽ tạo ra các môi trường lành mạnh hơn và tạo ra việc làm trong nền kinh tế tuần hoàn. Norad chúng tôi hy vọng rằng cuộc thi này sẽ dẫn tới những ý tưởng dự án có tiềm năng chuyển đổi”, ông Bård Vegar Solhjell - Tổng Giám đốc của Norad cho biết.

“Rác thải nhựa đại dương là một cuộc khủng hoảng toàn cầu cần phải được giải quyết ở cấp địa phương. Việc nhân rộng các giải pháp sáng tạo nhằm ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa và xây dựng các chuỗi giá trị tuần hoàn ở Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines sẽ là một chặng đường dài để đạt được mục tiêu này. Đây là lý do tại sao Circulate Capital đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực Nam và Đông Nam Á hiện đang chia sẻ tầm nhìn này và chúng tôi rất vui được hỗ trợ cho EPPIC”, ông Regula Schegg - Giám đốc điều hành châu Á, Circulation Capital cho biết.

“Tôi rất vui khi UNDP quyết định công bố Cuộc thi Thử thách sáng tạo EPPIC để tìm ra các giải pháp cho nền kinh tế tuần hoàn, nhằm ngăn chặn vấn đề rác thải và ô nhiễm ngay từ đầu. Đây là những giải pháp chúng ta cần để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa”, Tiến sĩ Sara Wingstrand - Giám đốc chương trình, Quỹ Ellen MacArthur Foundation cho biết thêm.

Khánh Diệp

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/le-cong-bo-truc-tuyen-cuoc-thi-thu-thach-sang-tao-nham-giam-thieu-o-nhiem-rac-thai-nhua-trong-khu-vuc-asean-282662.html