Lễ công bố cấp Chứng thư xuất khẩu qua Internet cho hàng dệt may xuất khẩu đi Mê-hi-cô theo Hiệp định CPTPP

Ngày 20 tháng 6 năm 2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Lễ công bố cấp Chứng thư xuất khẩu qua Internet cho hàng dệt may xuất khẩu đi Mê-hi-cô, chính thức vận hành hệ thống điện tử cấp Chứng thư xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang Mê-hi-cô theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, bà Sara Valdes Bolano - Đại sứ Mê-hi-cô tại Việt Nam, đại diện các đơn vị trong Bộ Công Thương, đại diện các Bộ, ngành liên quan, các Sở Công Thương, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và các doanh nghiệp dệt may.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, ngày 19 tháng 4 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BCT quy định về xuất khẩu hàng dệt may sang Mê-hi-cô theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20 tháng 6 năm 2019.

Theo đó, vệc ban hành Thông tư nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong CPTPP và 2 Thư song phương giữa Bộ trưởng Bộ Kinh tế Mê-hi-cô và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam về xuất khẩu hàng dệt may sang Mê-hi-cô theo CPTPP. Thông tư bao gồm 5 Chương với 12 Điều, quy định ưu đãi thuế theo hạn ngạch thuế quan đối với hàng dệt may xuất khẩu sang Mê-hi-cô theo CPTPP, nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan và giám sát hàng dệt may xuất khẩu sang Mê-hi-cô theo CPTPP.

Để thực việc cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất khẩu hàng dệt may theo CPTPP, việc cấp Chứng thư xuất khẩu theo hạn ngạch thuế quan cho hàng dệt may xuất khẩu sang Mê-hi-cô theo CPTPP được thực hiện qua Internet như sau:

- Thương nhân nộp hồ sơ cấp Chứng thư xuất khẩu hoàn toàn qua Internet, không phải nộp hồ sơ bản giấy và được trả Chứng thư xuất khẩu trực tiếp hoặc qua bưu điện tùy thuộc vào đăng ký của thương nhân.

- Việc cấp Chứng thư xuất khẩu tự động cho thương nhân theo phương thức trừ lùi lượng hạn ngạch thuế quan trên hệ thống điện tử và theo nguyên tắc thương nhân nộp hồ sơ trước được cấp trước, thương nhân nộp hồ sơ sau được cấp sau, cho đến khi hạn ngạch thuế quan được cấp hết.

- Cấp Chứng thư xuất khẩu khi thương nhân đã xuất khẩu lô hàng. Theo cơ chế này thương nhân phải thường xuyên theo dõi cấp hạn ngạch thuế quan trên hệ thống điện tử để nộp hồ sơ đăng ký cấp Chứng thư xuất khẩu.

Ngoài ra, Thông tư quy định thương nhân xuất khẩu hàng dệt may sang Mê-hi-cô theo CPTPP (bao gồm cả thương nhân xuất khẩu theo hạn ngạch thuế quan và cả thương nhân xuất khẩu không theo hạn ngạch thuế quan) phải đăng ký thông tin với Bộ Công Thương để thực hiện cơ chế giám sát hàng dệt may xuất khẩu sang Mê-hi-cô theo CPTPP.

Việc ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BCT và triển khai các thủ tục cấp Chứng thư xuất khẩu, đăng ký thông tin doanh nghiệp thông qua Internet một lần nữa khẳng định sự hỗ trợ mạnh mẽ của Bộ Công Thương đối với các doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giúp các nhân dân khai thác tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, đồng thời cải cách hành chính để các thủ tục thực hiện theo yêu cầu cam kết quốc tế không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục liên quan đến việc sử dụng tài khoản trên hệ thống điện tử cũng như thao tác khai báo chứng thư xuất khẩu (C/E) và thông tin thương nhân xuất khẩu đi Mê-hi-cô... tại đường dẫn ecosys.gov.vn

Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ 14/01/2019. Đây là một Hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao, có mức độ cam kết rất rộng và sâu. Toàn bộ Hiệp định là một bộ quy tắc mới điều chỉnh mạnh mẽ các lĩnh vực đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và phúc lợi xã hội...

Hiệp định đem lại nhiều cơ hội xuất khẩu (đặc biệt là dệt may) cho các nước thành viên. Theo Thứ trưởng, dệt may có vị trí đặc biệt trong CPTPP. Hiệp định dành riêng một chương cho mặt hàng dệt may và đây là một nội dung đàm phán khó khăn nhất.

Thứ trưởng cho biết thêm, Việt Nam chưa có ngành dệt phát triển và dựa khá nhiều vào xuất khẩu, nhưng Việt Nam đồng ý quy tắc xuất xứ nhằm mục tiêu lâu dài hơn và Hiệp định là chất xúc tác rất tốt để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu.

Hiệp định có hiệu lực có thể giúp doanh nghiệp tận dụng ngay những lợi ích. Tuy vậy, để việc cấp ra đúng đối tượng và đúng sản phẩm, không bị lợi dụng Bộ Công Thương đã phối hợp với Mê-hi-cô để xây dựng cơ chế chung việc kiểm soát này lên Internet.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, việc đưa online cơ chế theo dõi sẽ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong việc tận dụng các ưu đãi của Hiệp định cho ngành dệt may và gắn chặt hơn nữa chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Mê-hi-cô.

Bà Sara Valdés Bolano, Đại sứ Mê-hi-cô tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam đã và luôn là đối tác thương mại quan trọng của Mê-hi-cô.

Đại diện phía Mê-hi-cô đánh giá cao phản hồi của Việt Nam về những cam kết trong lĩnh vực dệt may và quan tâm đến việc tăng cường hợp tác cũng như tạo thuận lợi cho thương mại giữa hai nước.

Nguồn Bộ Công thương: http://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/le-cong-bo-cap-chung-thu-xuat-khau-qua-internet-cho-hang-det-may-xuat-khau-%C4%91i-me-hi-co-theo-hiep-%C4%91inh-cptpp-15631-16.html