Lễ Cấp sắc của người Dao Tiền

Đối với đồng bào dân tộc Dao, lễ Lập tĩnh - Cấp sắc là một nghi lễ truyền thống thể hiện nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc và là nghi lễ bắt buộc đánh dấu một đàn ông người Dao trưởng thành.

Lễ cấp sắc là sự kiện đánh dấu một người đàn ông Dao trưởng thành

Lễ cấp sắc là sự kiện đánh dấu một người đàn ông Dao trưởng thành

Giống như người Dao trên khắp cả nước, bà con người dân tộc Dao Tiền, sống tại Bản Hồ - xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ mang những nét độc đáo, đặc biệt riêng của dân tộc mình. Trong đó, lễ hội Lập tĩnh - Cấp sắc là một nghi lễ truyền thống thể hiện nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc Dao. Đây là một tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Dao, là nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông đến tuổi thành đinh và trở thành một con người xã hội.

Hơn thế, qua nghi lễ đặc biệt này, người Dao răn dạy con cháu hướng về nguồn cội, kính trọng người trên, tránh xa cái xấu, không làm điều ác, không tham lam, sống chân thật, biết quan tâm, giúp đỡ mọi người…

Một số nghi lễ trong lễ cấp sắc

Đối với đồng bào Dao, người con trai nào không được cấp sắc thì khi sống không được thờ cúng cha mẹ, khi chết không được về với tổ tiên, không được công nhận là con cháu của Bàn Vương (tổ tiên của người Dao).

Theo Già làng Đặng Văn Sông (bản Hồ - Thanh Sơn) cho biết: "Lập tĩnh được coi là một nghi lễ riêng biệt của người Dao có từ ngàn đời nay; coi như lễ khai sinh ra một dân tộc, một con người" . Cũng theo già làng Sông, khi một người đàn ông được đặt tên sẽ gặp nhiều thuận lợi trong công việc cũng như cuộc sống.

Đặc biệt đối với mỗi người đàn ông phải được làm lễ đặt tên mới được coi là người trưởng thành, còn nếu chưa làm lễ đặt tên dù có 30 tuổi vẫn chỉ là một đứa trẻ và không được phép làm lễ cầu thành hoàng, thổ địa các vị thánh thần của dân tộc" .

Người Dao quan niệm rằng, người con trai phải trải qua lễ cấp sắc từ 3 đèn trở lên mới có tâm, có đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là đã trưởng thành và là con cháu của “Bàn Vương” - tổ tiên của người Dao.

Lễ cấp sắc được thực hiện rất trang trọng và linh thiêng

Lễ Cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên được cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc 2 được cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc 3 được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Bất cứ người đàn ông Dao nào muốn được công nhận là “Người lớn” thì phải làm lễ cấp sắc. Các nghi thức trên được tiến hành đúng theo thứ tự, các thầy sẽ đánh trống, chiêng, thổi kèn trong mỗi nghi thức.

Sau đó, thầy cúng cùng với mọi người ra ngoài sân và thổi tù và, gọi và thông báo cho Ngọc Hoàng biết đã vào nghi lễ chính thức của lễ cấp sắc 12 đèn và mời Ngọc Hoàng đến chứng giám. Tiếp đó, thầy cúng sẽ làm lễ truyền dạy đạo làm thầy cho các trò, dặn dò các trò sau lễ cấp sắc, đã trưởng thành, được làm thầy thì phải có tâm, có đức thì mới đem lại may mắn, phúc, lộc cho gia đình, dòng họ, mới phải đạo lý làm người, làm con cháu của Bàn Vương.

Thông thường, lễ hội Cấp sắc sẽ diễn ra 2 ngày 2 đêm trước sự chứng kiến của bà con trong bản, cùng với những nghi thức mang đậm nét truyền thông riêng biệt của người Dao Tiền. Sau khi hoàn thành mọi nghi lễ, thủ tục "cậu bé" ấy đã trưởng thành và có mọi quyền hành như một người đàn ông lớn tuổi tại đây.

Ông Nguyễn Bắc Thủy – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết: "Lễ hội Lập tĩnh hay còn gọi là "Cấp sắc" của đồng bào dân tộc người Dao trên địa bàn tỉnh giống như mọi phong tục của người Việt. Mang nét riêng biệt đối với đồng bào các dân tộc khác, nó ăn vào tiềm thức của người Dao và một nghi lễ bắt buộc đối với họ. Do đó, chúng tôi đang nghiên cứu, sưu tầm và hoàn tất thủ tục trình lên Bộ xin được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” .

Một trong những nghi lễ quan trọng trong lễ Cấp sắc là nghi thức cấp bằng, đây là bằng ghi tên công nhận người được cấp sắc. Bằng do thầy cúng phát cho là một bản sắc bằng chữ Nôm, trong đó ghi lai lịch cá nhân, lý do cấp sắc, điều giáo huấn và tên tuổi những thầy cúng đã làm lễ cấp sắc cho người thụ lễ đó. Thầy cúng sẽ cấp cho người thụ lễ hai bản sắc, một bản sẽ được đốt sau khi thầy cúng đã trình báo với các thần linh, tổ tiên, còn một bản giao cho người thụ lễ.

Người được cấp sắc sẽ phải giữ bản sắc này suốt cuộc đời, khi qua đời sẽ được đốt trong đám tang để thánh trời nhận ra và thu nạp họ. Lễ Cấp sắc kết thúc, bà con dân bản cúng nhau mở tiệc chúc mừng những người được cấp sắc. Các thầy và những người đến dự cùng nhau ăn uống chúc mừng thành công của đại lễ cấp sắc 12 đèn.

Thu Hường

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chuyen-dong/le-cap-sac-cua-nguoi-dao-tien-489804.html