Lệ bắt tay và lệ vỗ tay

Bạn đọc: Thưa học giả An Chi, xin ông cho biết tại sao người ta lại bắt tay nhau khi gặp nhau hay bày tỏ thái độ. 'Bắt tay' có lịch sử từ bao giờ? – Vỗ tay để hoan nghênh hay phản đối cũng có từ bao giờ? Ai là người nghĩ ra? Xin cảm ơn ông! (Dương Văn Bình, TP Vũng Tàu)

Học giả An Chi: Phải nói rằng nhiều tác giả đã dè dặt cho là khó mà tìm ra cho đích xác lai lịch của lệ bắt tay cũng như lệ vỗ tay.

Nhưng cũng có người cho rằng, lệ bắt tay khởi đầu từ thời trung đại, là thời đại mà trong xã hội, nhất là trong giới quý tộc, người ta rất ít tin nhau. Khi bạn gặp một người nào đó ngoài đường, biết đâu bạn sẽ chẳng bị hắn ta cho một nhát dao vào bụng! Vì vậy nên, khi hai người gặp nhau thì người nào cũng chìa bàn tay phải của mình ra để chứng tỏ bàn tay này không cầm vũ khí. Và sở dĩ phải là tay phải là vì tuyệt đại đa số thuận tay phải. Tội nghiệp cho những người thuận tay trái!

CEO của Ngân hàng ANZ bắt tay nhân viên (ảnh Mạnh Thắng)

Nhưng hướng đạo sinh thì lại bắt tay nhau bằng tay trái vì Baden Powell, cha đẻ của phong trào Hướng đạo, lại là nhà binh. Trong quân đội thời ấy, người ta lên đạn súng bằng tay trái. Vì vậy nên, theo lý thuyết thì khi bạn chìa tay ra để bắt tay người đối diện thì bạn không thể lên đạn và sát hại anh ta.

Nhưng cũng có ý kiến nói rằng, thời trung đại thì đàn ông, nhất là chiến binh và nhà binh lại không bắt tay nhau, mà người này chỉ nắm cổ tay của người kia để xem trong tay áo của anh ta có dao hoặc đoản kiếm hay không.

Thời cổ đại, người La Mã cũng làm như thế. Người Hy Lạp thời đó cũng chào nhau bằng cách nắm cổ tay mặt của nhau, nhưng còn “dò” suốt cánh tay. Tất nhiên là về thực chất thì cử chỉ này chẳng có gì là hữu hảo vì mục đích của nó chỉ là đề phòng và đối phó.

Còn về lệ vỗ tay, thì thực ra lịch sử cũng không sáng sủa hơn mấy. Ý kiến “thô sơ” nhất thì cho rằng, khi vỗ tay thật to, người ta có thể xua đuổi bầy quạ ở gần nhà. Đây là cách hữu hiệu để có thể ngủ nướng (ngủ thêm) vào buổi sáng mà không bị tiếng động quấy rầy. Tiếng vỗ tay làm cho cuộc “trò chuyện” của bầy quạ bị quấy rầy nên thường thì chúng bay đi và không quay trở lại nữa

Cũng không nghiêm túc gì hơn là ý kiến cho rằng, người mông muội thời tiền sử không có thuốc diệt trùng để xua đuổi những con ruồi tsé-tsé thật to nên đã đập bẹp chúng bằng lòng bàn tay một cách loạn xạ. Thấy có hiệu quả, họ đã đồng loạt làm như thế nên càng diệt được nhiều hơn và từ đó mới phát hiện ra hành động này đã đem đến cho họ sự thỏa mãn. Thế là để thể hiện sự thỏa mãn, thay vì đập ruồi, họ đã tự mình đập vào tay kia rồi “sáng chế” lệ vỗ tay cho hậu thế.

Hai cách lý giải trên hiển nhiên chẳng lấy gì làm thuyết phục. Có ý kiến nghiêm túc hơn cho rằng, trong chữ tượng hình của Ai Cập, người ta đã thấy có nhiều hình người vỗ tay. Vậy thì lệ này đã có từ nhiều ngàn năm nay. Người ta cũng nhận thấy rằng, các em bé cũng vỗ tay khi chúng phấn khích nhưng chưa biết rõ đó là do bắt chước hay là một phản ứng tự nhiên. Một vài loài khỉ cũng có những động tác như thế.

Có tác giả cho rằng lệ vỗ tay là do người La Mã truyền lại cho chúng ta. Đó là thái độ của họ khi xem các môn thi ở đấu trường La Mã. Khi dân chúng hài lòng thì họ thường bày tỏ sự tán thưởng của mình bằng những tiếng reo hò nhưng hét nhiều thì mỏi miệng nên cuối cùng họ phải dùng đến… tay. Ngày xưa, chủ nô cũng vỗ tay để gọi nô lệ.

Ngày nay, động tác vỗ tay dùng để thể hiện sự thỏa mãn, sự thích thú cũng như một cách cám ơn nghệ sĩ hoặc diễn giả về món ăn tinh thần hoặc bài học xã hội mà họ mang đến cho khán giả và thính giả. Và khi mà sự phấn khởi lên đến đỉnh điểm thì mọi người đều đứng dậy vỗ tay. Đây là trường hợp mà tiếng Anh gọi là “Standing ovation” (Vỗ tay đứng).

Cuối cùng, là ý kiến cho rằng lệ vỗ tay là một cử chỉ tượng trưng, thừa hưởng từ một cử chỉ xa xưa trong quan hệ của con người với nhau. Từ thuở còn sống trong hang động, để cám ơn hay khen ngợi đồng loại của mình, người ta thường ôm người đó mà đập tay vào lưng anh ta. Động vật linh trưởng cũng thường làm như vậy. Khi nhu cầu thể hiện cảm xúc đó không thể thực hiện trực tiếp trên người của đối tượng vì khoảng cách không cho phép thì người ta lại dùng tay của mình thay cho lưng anh ta rồi dùng tay kia mà vỗ vào, dĩ nhiên là mắt thì vẫn nhìn về phía đối tượng được tán dương.

Xin tạm trả lời bạn như trên trong khi chờ đợi những câu trả lời xác đáng hơn.

{lang: 'vi'}

A.C

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/le-bat-tay-va-le-vo-tay-49871.html