Lê Bá Thự và nỗi nhớ làng khôn nguôi

Dịch giả Lê Bá Thự từ lâu đã nổi tiếng với công lao dịch gần 30 tác phẩm văn học cổ điển và hiện đại Ba Lan.

Hơn 70 tuổi, dịch giả Lê Bá Thự bất ngờ trình làng cuốn sách ghi lại hồi ức tuổi thơ có nhan đề “Tôi và làng tôi” (NXB Hội Nhà văn, 2018) kể về những kỷ niệm cách đây hơn nửa thế kỷ sống ở làng quê Nguyệt Lãng, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1963, chàng trai xứ Thanh Lê Bá Thự ra Hà Nội học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó được cử sang Ba Lan học Trường Đại học Bách khoa Warszawa. Quãng đời sau đó của ông gắn bó với Hà Nội và Warszawa làm giảng viên địa chất và công chức ngành ngoại giao. Xa quê đằng đẵng, tâm trí dịch giả Lê Bá Thự nhớ khôn nguôi hình bóng người thân ở quê nhà, cảnh vật và nếp sống thôn quê êm đềm, đầm ấm. Nỗi nhớ dường như trở thành một ám ảnh, nhiều đêm ông chiêm bao thấy mình đang ở làng, đang chơi bời nhảy múa với các bạn cùng trang lứa, đang làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp, đang gánh phân, nhổ mạ, bắt cua, bắt ốc, kiếm cá, chăn bò trên cánh đồng làng, hoặc đang cắp sách cuốc bộ đến trường, đang xem phim “Bạch mao nữ” tại bãi chiếu bóng ngoài trời…

 Cuốn sách “Tôi và làng tôi”.

Cuốn sách “Tôi và làng tôi”.

Với trên 300 trang sách, nội dung phong phú không khác gì một "từ điển" về làng quê, dịch giả Lê Bá Thự ngược thời gian trở về quá khứ những năm 1950 và đầu 1960, khi hòa bình lập lại tại làng Nguyệt Lãng. Bằng ngòi bút chân thực, sinh động, đôi khi dí dỏm và trào lộng, tác giả kể lại cuộc sống nghèo khổ và lam lũ song cũng rất hồn nhiên, lạc quan của dân làng Nguyệt Lãng và bản thân ông. Ăn khoai độn, trồng lúa đồng sâu, mò cua bắt ốc, chăn thả gia súc,… gian khổ là vậy nhưng người dân làng Nguyệt Lãng vẫn lạc quan yêu đời. Hình ảnh dịch giả Lê Bá Thự tự khắc họa là một đứa trẻ chăn bò tinh ranh, biết nhiều trò, thành thạo mọi công việc nhà nông.

Điểm nhấn của cuốn sách là đã dựng lại cảnh quê, nếp quê điển hình ở nông thôn Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỷ. Cảnh quê, nếp quê cũng đã khác, thế nên cuốn sách quý giá ở mặt tư liệu. Người lớn tuổi hoài niệm nhận ra hình ảnh chính mình, người ít tuổi, nhất là lớp trẻ ở phố biết thêm nhiều kiến thức về những chuyện “lạ” như: Úp nơm, cắm câu bắt cá quả, kéo te bắt tôm tép, soi ếch, đồng sâu đồng cạn…

Tâm huyết và tài năng nên dịch giả Lê Bá Thự đã dựng lại được không khí của một thời đại, cảnh quan, nếp sống đã lui vào dĩ vãng. Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà thơ Trần Đăng Khoa gọi nhà văn Lê Bá Thự là người “gọi hồn” làng. Những vẻ đẹp của làng quê, những hồn vía của làng quê xưa đã thấp thoáng trở về rồi lồng lộng hiện lên nguyên vẹn, sắc nét trong cuốn sách.

Sự tản mạn của cuốn sách, thiếu tính liên kết khiến cuốn sách không thể vươn lên trở thành một tác phẩm lớn, nhưng điều trân quý của tác phẩm này của dịch giả Lê Bá Thự là lưu giữ những vẻ đẹp của người quê, cảnh quê.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/le-ba-thu-va-noi-nho-lang-khon-nguoi-546350