Lazada tăng trưởng 100%/năm tại thị trường Việt Nam

Thông tin trên được ông Pierre Cahuzac, Giám đốc Lazada Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 (VOBF 2018) được tổ chức bởi Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) tại TP.HCM ngày 16/3.

VOBF 2018 thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp với hơn 2.000 người tham dự. Ảnh:N.Hiền

Theo ông Pierre Cahuzac, thương mại điện tử tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong tổng số 6 thị trường mà Lazada hiện đang có mặt, bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Theo đó, trong những năm qua, Lazada luôn đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 100%/năm tại Việt Nam. Đại diện Lazada cũng dự đoán, tốc độ này sẽ còn tiếp tục được duy trì trong năm 2018.

Trong khi đó, ông Fabian Wandt, Giám đốc điều hành Công ty giao nhận Lazada cũng đưa ra nhận định, thương mại điện tử sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2018. “Năm 2018 sẽ không phải là một năm nghỉ ngơi cho các đơn vị giao nhận mà sẽ là năm phải làm việc tích cực hơn nhiều so với năm 2017” – ông Fabian Wandt phát biểu.

Tương tự Lazada, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VnPost) cũng đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong mảng giao nhận hàng hóa cho thương mại điện tử. Ông Phan Trọng Lê, Phó Trưởng ban Kế hoạch đầu tư – VnPost, chia sẻ, năm 2017 VnPost đạt doanh số 17.500 tỷ đồng, trong đó mảng hậu cần cho thương mại điện tử chiếm khoảng 35%, đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. So với năm 2016, VnPost đã tăng trưởng 50% về doanh số và 65% về sản lượng. Ông Lê kỳ vọng, trong năm 2018, doanh thu của VnPost sẽ đạt khoảng 22.000 – 23.000 tỷ đồng, trong đó riêng mảng thương mại điện tử sẽ đạt khoảng 8.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương đánh giá, hiện đang là thời điểm vàng cho sự phát triển của thương mại điện tử. Các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết đều có chương về thương mại điện tử. Điều này mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường khu vực và thế giới. Tuy nhiên, song song đó các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức về việc ứng dụng khoa học công nghệ để bắt kịp thị trường.

Theo khảo sát của VECOM, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong ba năm tiếp theo. Trong đó, đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 là 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200% trong năm 2017. Đối với lĩnh vực thanh toán, cập nhập số liệu từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%.

Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100 - 200% so với năm trước.

Trong lĩnh vực du lịch, theo khảo sát của Grant Thornton, năm 2016 đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến (OTA) chiếm tỷ lệ 20% doanh thu đặt phòng. Khảo sát năm 2017 của VECOM cho thấy tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh và đạt mức trên 30%. Nếu kết hợp với đà tăng hai chữ số của doanh thu du lịch thì có thể ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch trực tuyến trên 50%.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Nguyễn Phương Thảo, Quản lý cấp cao bộ phận các giải pháp kinh doanh hiệu quả, Công ty Nielsel Việt Nam, cho hay, năm 2017, Vietnam có 53.86 triệu người sử dụng internet. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 59,48 triệu người sử dụng internet vào năm 2022, chiếm gần 60% dân số.

Cùng với đó, người tiêu dùng, các giao dịch thương mại đang dịch chuyển sang các hình thức thanh toán trực tuyến không cần tiền mặt. Theo dự đoán của Nielsel, đến năm 2020, 30% doanh thu bán lẻ toàn cầu sẽ được thực hiện qua các ứng dụng hoặc phần mềm trên máy. Riêng tại Việt Nam, vào năm 2020, 33% người tiêu dùng sẽ dùng phương thức chuyển khoản khi mua sắm trực tuyến. Cùng với đó, 36% người tiêu dùng sẽ dùng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ khi mua sắm trực tuyến.

Cùng với sự bùng nổ về công nghệ và các giải pháp thanh toán trực tuyến, bà Thảo cho rằng, các chính sách kinh tế vĩ mô và đầu tư của Chính phủ đóng vai trò đòn bẩy cho thương mại điện tử.

Tuy nhiên, vẫn có một số rào cản đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử như chất lượng sản phẩm dịch vụ, mức độ thuận tiện khi tiếp cận thông tin trên website thương mại điện tử hay niềm tin đối với thương hiệu. Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, những rào cản này cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp vượt qua và đạt được sự tăng trưởng cao hơn trong tương lai.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lazada-tang-truong-100-nam-tai-thi-truong-viet-nam.aspx