Lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về đề xuất cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

Chưa đến 50% số đại biểu đồng ý với Quy định tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, quy định tại Dự thảo luật thi hành án hình sự (sửa đổi).

Sáng 29/5, Quốc hội lấy ý kiến các đại biểu bằng hệ thống điện tử về 2 nội dung của Dự thảo Luật thi hành án hình sự (sửa đổi), trong đó có Quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, quy định tại Điều 33 Dự thảo Luật.

Điều 33 dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) có quy định: “3. Trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng phải bảo đảm chế độ giam giữ, các chế độ, chính sách đối với phạm nhân theo quy định của Luật này và thực hiện theo các quy định tại Điều 32 của Luật này. Trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm về an ninh, trật tự và giám sát việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam.

Không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước trong việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam; không tổ chức khu sản xuất, điểm lao động trong khu vực dân cư và tại những địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự hoặc có thể ảnh hưởng xấu tới công tác quản lý phạm nhân.”

Biểu quyết bằng hệ thống điện tử đối với quy định này, 234/424 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 48,35% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 180/424 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết không tán thành với quy định này (chiếm 37,19% tổng số đại biểu Quốc hội).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, kết quả biểu quyết cho thấy quy định này chưa được quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

 Kết quả biểu quyết chống đề xuất đưa phạm nhân ra ngoài lao động.

Kết quả biểu quyết chống đề xuất đưa phạm nhân ra ngoài lao động.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam theo đề nghị của Chính phủ, tạo điều kiện để phạm nhân có thể tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các trại giam là cần thiết.

UBTVQH chỉ đạo Bộ Công an có báo cáo đầy đủ về công tác tổ chức lao động tại các trại giam và việc thí điểm đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu kiên quyết phản đối đề xuất này. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu gay gắt ở Quốc hội, rằng "Phạm nhân lao động cải tạo là chính đáng nhưng bắt buộc họ đi kiếm tiền là không chính đáng, phạm nhân không thể từ chối nếu quản giáo yêu cầu đi lao động bên ngoài.

Buộc phạm nhân lao động bên ngoài là hình phạt ngoài luồng. Đưa phạm nhân đi làm việc vô cùng phức tạp, đã xảy ra những trường hợp đáng tiếc rồi. Việt Nam cũng là thành viên của tổ chức Lao động quốc tế, phải tuân thủ các quy chuẩn quốc tế. Nếu để phạm nhân lao động, hàng hóa của chúng ta có thể sẽ bị tẩy chay".

Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại tính an toàn, an ninh cho cộng đồng khi cho phạm nhân ra ngoài lao động.

Nhạc Dương

Nguồn VTC: https://vtc.vn/https--vtcvn-quoc-hoi-bac-de-xuat-cho-pham-nhan-lao-dong-ngoai-trai-giam-d477544html-d477544.html