Lấy ý kiến chuyên gia cho việc xây dựng hồ sơ 'Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm' đệ trình UNESCO

Trong 02 ngày 8-9/12, tại Ninh Thuận, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về 'Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm'.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Ảnh Báo Ninh Thuận

Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Bangladesh cùng các đại biểu đến từ các Cục, Vụ, Viện trong nước và các tỉnh có đồng bào Chăm sinh sống.

Hội thảo được tổ chức nhằm tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế và trong nước về bảo tồn di sản văn hóa, thu thập thông tin, tài liệu để củng cố luận cứ khoa học cho việc xây dựng hồ sơ "Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm" đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Ban Tổ chức hội thảo nhận được 65 tham luận của các nhà khoa học trong, ngoài nước về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm. Trong đó có trên 20 nhà khoa học trình bày tham luận tại hội thảo gồm các chuyên đề: Quá trình phát triển và giá trị tiêu biểu của nghệ thuật làm gốm thủ công truyền thống của người Chăm; Mối quan hệ của gốm Chăm với các trung tâm gốm ở Việt Nam và thế giới; Hiện trạng di sản gốm Chăm - sự cần thiết và biện pháp bảo vệ khẩn cấp, kinh nghiệm từ một số làng nghề trên thế giới…

Tại hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu, các nhà khoa học quốc tế và trong nước tập trung thảo luận, cùng nhận diện và làm sáng tỏ những giá trị tiêu biểu về nghệ thuật làm gốm của người Chăm; công bố kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa gốm Chăm với các trung tâm gốm ở Việt Nam và các nước ở châu Á, trong đó có so sánh những điểm giống và khác về tri thức và kỹ thuật, hình thức biểu đạt, tập quán liên quan, phương pháp truyền nghề, sự tương đồng, dị biệt cũng như vai trò và vị thế của gốm Chăm trong mạng lưới thương mại hàng hải cũng như trong bối cảnh trao đổi kinh tế và văn hóa với các nước...

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn và phát triển làng gốm truyền thống; xây dựng chính sách đối với nghệ nhân và quyền lợi hợp pháp của nghệ nhân; kinh nghiệm quy hoạch, bảo tồn và phát triển làng nghề gốm; việc phát triển du lịch làng nghề nói chung và nghề gốm nói riêng; kinh nghiệm và giải pháp truyền dạy; cách quảng bá, giới thiệu giá trị di sản và sản phẩm; kinh nghiệm marketing gắn với phát triển bền vững để duy trì sức sống của di sản…

Ban tổ chức cho biết, từ ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học tại hội thảo quốc tế này sẽ được Ban xây dựng hồ sơ (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh) tổng hợp, bổ sung để hoàn chỉnh hồ sơ gửi đến Cục Di sản văn hóa-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trình Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Việt Nam thẩm định, cho ý kiến góp ý bổ sung, hoàn thiện trước khi nộp hồ sơ tại Ủy ban UNESCO vào tháng 3/2019.

Minh Huyền (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/lay-y-kien-chuyen-gia-cho-viec-xay-dung-ho-so-nghe-thuat-lam-gom-truyen-thong-cua-nguoi-cham-de-trinh-unesco-20181210085240757.htm