Lấy vợ đãi khách bằng trà sữa trân châu

Ra đời ở Đài Loan hồi những năm 1980 từ một cuộc tranh tài, thức uống trân châu nãi trà -tức trà sữa trân châu đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, lan đến châu Á gồm cả Việt Nam, thậm chí phổ biến khắp vùng Bắc Mỹ.

Nhà báo Christopher Cheung 26 tuổi ở Vancouver (Canada) tự nhận là “fan ruột” của trà sữa trân châu. Anh uống món này từ lúc 9 tuổi, và nghiện nên đã uống ở tất cả các tiệm trà của thành phố, mỗi tuần uống ít nhất một lần, thậm chí đãi món này trong ngày anh lấy vợ.

Nhà báo Christopher Cheung đãi trà sữa trong ngày lấy vợ. Ảnh : SCMP.

Cheung có cha mẹ người Hồng Kông, kể bạn bè đều lớn lên ở Bắc Mỹ nhưng đều thừa hưởng di sản Đông Á. Anh nói sự phổ biến của trà sữa trân châu đã buộc các thương hiệu phải tích cực sáng tạo sản phẩm mới, và các tiệm trà sữa nở rộ ở Bắc Mỹ là các tiệm nhượng quyền, điều hành bởi các nhà thầu trẻ, trình độ học vấn cao và ưa thích sử dụng mạng xã hội để tìm các cơ hội làm ăn.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 23/2, trà sữa trân châu là món giải khát ngọt pha hương vị trái cây nhiệt đới, nhiều chất cà phê (caffein), được tạo thành từ trà, sữa, si-rô cùng những viên bột bán tapioca đủ màu sắc.

Món trà sữa trân châu ở khu Đài Trung. Ảnh : SCMP.

“Người Miệng Vàng” tạo nên trân châu nãi trà

Trân châu nãi trà ra đời từ tiệm trà Xuân Thủy Đường ở Đài Trung (Đài Loan), nơi người chủ Lưu Hán Giới bán loại trà ô-long. Chuyện kể rằng ông muốn thay đổi cách thưởng thức trà của người mua, nên ông thử chế biến món trà sữa truyền thống thành một hỗn hợp thức uống với đá. Nó được gọi là “trà bong bóng”, vì có một lớp bọt dày phía trên, sau khi được quậy lên.

“Ông tổ” trà sữa trân châu Lưu Hán Giới - Ảnh : SCMP.

Việc sử dụng các viên bột bán bắt đầu từ năm 1987, lúc ông Lưu tổ chức một cuộc thi chế biến cho các nhân viên của tiệm tham gia thể hiện khả năng sáng tạo. Người thủ kho Lâm Tú Huệ thích ăn sắn bột (hạt trân châu) nên đã đưa loại củ này vào ly trà sữa dự thi của mình. Từ đó ra đời món trân châu nãi trà.

Con gái ông Lưu, bà Angela Lưu Ngạn Linh mới đây đến Hồng Kông để khánh thành tiệm trà sữa Xuân Thủy Đường ở khu Quan Đường thuộc vùng Cửu Long, kể lại: “ Ban đầu, chị Lâm không trao tác phẩm cho cha tôi, vì chị ấy muốn để khách hàng dùng thử, và khách rất thích. Chị ấy bán món này suốt một tuần rồi cho cha tôi hay rằng khách rất thích”.

Bà Lưu Ngạn Linh. Ảnh : SCMP.

Tiếp đó là một nỗ lực đặt tên cho thật kêu - vì không lẽ gọi là trà sắn bột - và rồi được ấn định là “trà hắc trân châu”.

Bà Lưu còn giải thích với SCMP: “Tôi cho rằng đó là một dạng cách mạng trong lịch sử trà Trung Hoa, vì lúc đó không có ai dọn món trà đá. Mọi người nghĩ chúng tôi bị điên, nhưng giới trẻ rất thích”.

Bà Lưu khẳng định món trà sữa trân châu nhanh chóng nổi tiếng, đến độ trở thành thức uống bán chạy nhất trong tiệm Xuân Thủy Đường của cha bà.

Bà Lâm hiện vẫn làm việc cho tiệm Xuân Thủy Đường, ở vị trí tổng giám đốc mảng phát triển sản phẩm. Bà Lưu nói: “Lúc đó chị ấy rất thích chứng tỏ tài năng, có vị giác rất đỉnh, có thể nếm được sự khác nhau rất nhỏ từ những nguyên liệu khác nhau. Chúng tôi gọi chị ấy là Người Miệng Vàng”.

Dân Mỹ gốc Á đổ xô kinh doanh trà sữa trân châu

Tiếp đó, trà sữa trân châu lan sang các nước châu Á, rồi đột ngột bùng nổ ở Bắc Mỹ hồi khoảng năm 2014. Cuộc cạnh tranh quyết liệt đã giúp nâng chất lượng loại thức uống này, với các vị hoa nhài, khoai sọ, xoài, lê.

Bên trong một quán Boba Guys. Ảnh : SCMP.

Món sữa trân châu hiện thu hút thế hệ Millenial Mỹ (người sinh từ những năm 1980 đến 2000). Vì thế, các nhà thầu đang nỗ lực giành thị trường. Theo Hiệp hội trà Mỹ, một tổ chức thương mại, có 87 % thế hệ Millenial Mỹ uống trà.

Tại thành phố New York, nỗ lực tiếp thị của cô Anchal Lamba là nhắm vào nhóm khách này. Cô gái 27 tuổi tài trợ nhiều sự kiện ở đại học New York và cung cấp món trà sữa cho người tham dự. Cô cũng làm chủ 8 tiệm trà sữa trân châu Gong Cha, cùng nhiều cửa hàng nhượng quyền ở các bang New York, Massachusetts, New Jersey và Texas.

Lamba cho biết kho hàng của cô ở vùng Queens (New York) cạn kho ngay từ ngày đầu mở tiệm, vì ở đó có nhiều khách uống gốc châu Á ưng thích món trà sữa trân châu.

Lamba còn nói phải mất một thời gian, người Mỹ mới ưng món bột bán trong cốc trà: “Đôi khi họ sợ nhai chúng, nhưng sau khi nhấp một ngụm, họ cảm thấy thú vị, nhấp thêm ngụm nữa thì nghĩ có thể mình sẽ lại uống nữa”.

Nhiều công ty trà sữa trân châu mở cửa tiệm ở gần các ký túc xá đại học. Derrick Fang của tiệm Ten Ren Tea nói: “Ý tưởng của các công ty là để sinh viên châu Á giới thiệu văn hóa uống trân châu nãi trà với bạn bè không phải người châu Á, và đó là một cách nghĩ hiệu quả”.

Cũng có một nỗ lực phối hợp để hướng dẫn khách mới. Fang nói: “Chúng tôi giải thích cách đặt món, giới thiệu những hương vị khác nhau, và chúng tôi có những chỉnh sửa để thích ứng với thị trường Mỹ. Người Mỹ thường thích trà ngọt hơn người châu Á”.

Bin Chen và Andrew Chau (phải) của Boba Guys- Ảnh : SCMP

Một liên doanh thành công là Các Chàng Bột Bán (Boba Guys) do Andrew Chau và Bin Chen lập tiệm đầu tiên ở San Francisco từ một góc nhỏ trong một tiệm bán mì, hồi năm 2011. Đây là một trong những dây chuyền trà sữa trân châu lớn ở Mỹ, với 15 tiệm, mỗi tiệm trung bình một ngày bán được 1.000 cốc trà sữa.

Năm 2013, họ mở cửa tiệm riêng đầu tiên, cung ứng các món trà sữa đậu nành, trà sữa đen và trà sữa hoa nhài, để đáp ứng khách hiếu kỳ và người Mỹ gốc châu Á đã quen uống trà sữa.

Cả hai “chàng” gốc Đài Loan này đều 36 tuổi, đã được gia đình cho uống trà sữa từ lúc còn nhỏ, khi họ sống ở hai bang New Jersey và Texas. Họ khoe đã biết sẽ thắng lớn sau khi bán tiệm đầu tiên hồi năm 2011 cho người khác.

Chau kể: “Người ta hỏi khi nào chúng tôi có lời, và câu đáp là “thực ra chúng tôi đã lời ngay từ ngày đầu”. Họ xác định sự thành công là nhờ mạng xã hội, luôn cập nhật thị hiếu của khách mua, và vị trí mở tiệm: không mở ở khu Phố Tàu hoặc khu đông người châu Á tại San Francisco, vì họ là dân di cư thế hệ thứ ba, không thật sự cảm thấy mình hoàn toàn là người châu Á hoặc người Mỹ.

Một sản phẩm của Boba Guys. Ảnh : SCMP.

Trà sữa trân châu sẽ “thọ lâu” ở Mỹ

Sự tiến hóa của văn hóa ẩm thực của người nhập cư là lĩnh vực nghiên cứu của nhóm các nhà sử học và dinh dưỡng cùng làm việc với ông Krishnendu Ray, một giáo sư trợ giảng về nghiên cứu thức ăn thuộc đại học New York.

Ông Ray giải thích trà sữa trân châu phổ biến, vì đó là một loại thức uống tương đối quen thuộc, rẻ tiền nên mọi người đều thử uống một lần cho biết, rồi thích, thậm chí nghiện.

Ông Ray cho rằng với vô số tiệm trà sữa ở New York, Hồng Kông... loại thức uống này sẽ tiếp tục “thọ lâu”.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/lay-vo-dai-khach-bang-tra-sua-tran-chau-158430.html