Lấy văn hóa ứng xử làm gốc, gia đình mới bền vững:Bài 2: Hạnh phúc - thước đo của gia đình

Gia đình hiện đại là nơi sẽ gìn giữ, phát triển những vốn quý đã trở thành nền tảng được các thế hệ người Việt xây đắp qua nhiều đời nay và tiếp thu những cái mới để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thay đổi. Trong hành trình loại bỏ cái xấu, phát huy cái tốt, tiếp thu cái mới, cách ứng xử với những vấn đề trong xã hội thể hiện 'chất' và văn hóa của chính gia đình đó.

Đám cưới là khởi đầu của một hạnh phúc gia đình nhưng hiện nay ứng xử của mọi người với đám cưới cũng rất đáng bàn.

Những “cuộc đua” không có đích

Tục ngữ Việt Nam có câu “ma chê cưới trách”. Đó cũng là câu cửa miệng của những gia đình khi có việc liên quan đến hiếu, hỉ. Đám ma nếu tổ chức không được chu đáo thì sẽ bị người đời chê cười. Đám cưới mà nhỏ gọn, úi xùi thì người này trách không mời, người kia trách “ăn tham, chả nhớ đến ai”, người khác lại thì thào sau lưng rằng bố mẹ không lo được cho con cho bằng bạn bằng bè.

Vì thế, chính những người trong cuộc luôn sợ kém cạnh người khác. Thế là “con gà tức nhau tiếng gáy”, người có điều kiện, giàu có tổ chức đám cưới xa hoa đã đành, người nghèo, tài chính eo hẹp cũng phải cố.

Vào quãng tháng năm, tháng sáu Âm lịch thời tiết nắng nóng, thi thoảng có mưa bão, không phải là mùa thích hợp cho cưới xin nhưng sợ để tháng sau là tháng bảy Âm lịch phải kiêng kị, bà Hòa (ở Ba Vì, Hà Nội) vẫn phải đội nón tất tả đi mời cưới con. Con trai cả nhà bà lấy được cô gái sống tại phố Lê Văn Thiêm (ở Thanh Xuân, Hà Nội), gia đình khá giả.

Hai ông bà đều làm nông nghiệp, sức khỏe không tốt, tiền của chả có là bao, họ định làm 30 mâm cỗ, mời anh em họ mạc và hàng xóm thật gần. Thế rồi sau một hồi bàn tính, ông chú, bà bác mỗi người một tiếng, lại thêm cậu cả dằn dỗi, bà Hòa đành phải mời đến 60 mâm cỗ cho hoành tráng.

Lý do mọi người đưa ra rất thuyết phục. Nào là lần đầu cưới con, họ mạc thì đông, cũng phải nhìn trước ngó sau. Mời ông A chả nhẽ không mời ông B. Mời bà C chả nhẽ không mời bà D. Mà bà E, ông F lại là anh em ruột với các ông bà này. Cậu cả thì bảo đón dâu về, nhà gái nhìn thấy cái rạp bé toen hoẻn, cỗ bàn lèo tèo, con còn mặt mũi nào mà nhìn bên đằng vợ.

Ai cũng có lý, chỉ mỗi… hầu bao nhà bà là yếu thế chả dám lên tiếng. Cũng may thời buổi hiện đại, cỗ bàn cứ đặt trước trả tiền sau. Tiền mua vàng tặng con làm vốn “ra ở riêng” thì bà đi vay. Bà tự an ủi là con vẫn được tiếng với nhà vợ.

Chỉ riêng tiền hoa, tiền trang trí rạp, tiền loa đài… lên đến mấy chục triệu thì tàn theo cuộc vui. Đám cưới to, đẹp, cỗ ngon, họ hàng mát mặt, con trai mãn nguyện, bà Hòa cũng đành bấm bụng làm vui. Những ngày tháng tiếp theo, bà Hòa còng lưng bòn mót từng mớ lá chuối, rổ rau sống trong vườn mang ra chợ bán được đồng nào hay đồng nấy, tích vào được món lại đi trả nợ.

Ở các làng quê ngoại thành Hà Nội bây giờ rất may hầu như không còn tình trạng phân biệt đám cưới con trai thì mừng nhiều, con gái thì mừng ít hoặc không mừng nữa. Như vậy bớt gánh nặng cho gia chủ, đó cũng là một tiến bộ đáng ghi nhận và biểu dương, song chính vì thế mà nhiều khi đám cưới là là “cuộc đua” chẳng có đích.

Những nhà cưới sau không những vượt mà còn tiến xa hơn nhà cưới trước. Điều này tạo nên tâm lý ganh đua, khó thực hiện nếp sống văn minh cưới xin giản dị mà Thành phố Hà Nội khuyến khích. Đám cưới tổ chức hoành tráng cũng khiến khi vào “mùa” người được mời cũng phải “chạy sô”, cân nhắc phong bì mừng sao cho xứng đáng, tránh lâm vào tình thế khó xử.

Cá biệt, có những trường hợp cô dâu, chú rể cũng vì thích xa hoa mà mang nợ nần, có khi nợ chưa kịp trả đã vội chia tay. Vì thế, cuộc vui trở thành cuộc lo.

Đừng vì một cuốn album

Đã có những đám cưới tổ chức tiệc ngọt nhẹ nhàng nhưng chưa nhân rộng được có lẽ bởi tâm lý mỗi người còn chưa thông. Họ vẫn có quyền tổ chức một đám cưới trang trọng, đúng nghi lễ cổ truyền nhưng nên chăng giảm bớt những “hạng mục” rườm rà, không cần thiết, thu gọn lại để tránh lãng phí sức người và của cải.

Thuộc thế hệ 8X, công việc ổn định, thu nhập tốt, chị Thu Hiên và anh Tuấn Thanh (ở Đông Anh, Hà Nội) dường như… đi ngược xu thế. Năm 2010, họ tổ chức đám cưới, “mốt” chụp ảnh vẫn rầm rộ và khá đắt đỏ. Bây giờ, dịch vụ nở rộ và nhiều xu hướng nên có nhiều phân khúc, cũng đã có nhiều người đi trước trải nghiệm cho lời khuyên, còn hồi đó mới mẻ nên cả các đôi uyên ương và người thân đều háo hức lắm.

Thế mà bạn bè, họ hàng chưng hửng vì vào rạp chẳng thấy bức ảnh cô dâu, chú rể treo to đẹp hoành tráng như thường lệ. Tìm khắp nơi cũng chẳng thấy album cưới ở đâu để xem. Như các đám khác thì cô dâu chú rể khoe ảnh cưới, khoe album hoành tránh với vẻ đầy tự hào mãn nguyện. Còn chị Thu Hiên, anh Tuấn Thanh chỉ mỉm cười bẽn lẽn: “Mình không chụp!”.

Bạn bè tắc lưỡi khó hiểu nhưng sợ nhạy cảm không dám hỏi thêm. Mấy cô dì, chú bác nhà chị Hiên kéo cháu ra thì thào: “Tưởng cháu Thanh làm ăn cũng khá lắm cơ mà. Chúng mày thiếu thốn thế sao không bảo dì cho vay tiền mà chụp lấy bộ ảnh cho bằng bạn, bằng bè. Ai lại để đám cưới úi xùi thế, ngại quá”.

Chị Hiên định giải thích nhưng rồi lại thôi, chỉ nhỏ nhẹ cảm ơn họ hàng đã quan tâm và hứa khi nào cần thật sự sẽ… đi vay. Thêm một lần nữa, chị lại nhận được những cái nhìn khó hiểu nhưng vẫn cảm thấy thoải mái, vui vẻ.

Không phải họ xấu đến mức… không dám chụp ảnh, càng không phải họ thiếu tiền hay tiết kiệm. Bằng chứng là sau đám cưới, cả hai anh chị dọn ra ở riêng, xây nhà, đầu tư đồ đạc nội thất rất đẹp. Bạn bè lúc này mới xuýt xoa. Người hiểu ra thì thấy cặp vợ chồng này thật tinh tế. Hầu hết những bộ ảnh cưới chụp đắt tiền, tốn thời gian, mệt nhọc mấy ngày trời giờ đều đã cất kho, mốc hoặc chẳng lúc nào ngó đến.

Lúc này chị Thu Hiên mới tâm sự rằng đám cưới với họ là khoảnh khắc thiêng liêng. Công việc chuẩn bị cho đám cưới đã quá vất vả trong khi hai người vẫn phải đi làm ở nội thành Hà Nội. Bớt được “công đoạn” nào, họ có thêm thời gian để tận hưởng cảm giác khó có lại lần thứ hai trong đời. Còn nếu cứ tất bật, cuống quýt hết việc này đến việc kia thì làm sao còn thời gian mà lắng đọng cảm xúc nữa.

Cho đến bây giờ, sau gần 10 năm về cùng một nhà, đã có với nhau ba mặt con, thi thoảng chị Hiên, anh Thanh vẫn cùng các con chụp ảnh nhưng không tốn quá nhiều tiền in hay đóng khung. “Thước đo của gia đình là hạnh phúc. Hạnh phúc ấy có thể ở bất cứ đâu, bằng những khoảnh khắc giúp đỡ sẻ chia để hình ảnh người kia mãi ở trong tim mình chứ không phải chỉ trong một bức ảnh đóng khung treo tường”, chị Hiên tâm sự.

(Còn nữa)

Hương Thị

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/lay-van-hoa-ung-xu-lam-goc-gia-dinh-moi-ben-vung--bai-2-hanh-phuc--thuoc-do-cua-gia-dinh-d2069619.html