Lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm!

Trong chương trình phiên họp 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hà Nội không tổ chức bầu cử đại biểu HĐND phường

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải bảo đảm việc giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; có kế thừa và đổi mới; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Việc xác định số lượng đại biểu HĐND được bầu ở mỗi đơn vị hành chính căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, dân số để xác định tổng số đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị hành chính tính đến ngày 31-12- 2020 theo số liệu do Tổng cục Thống kê và cơ quan thống kê ở địa phương công bố.

Tại TP HCM và TP Đà Nẵng không tổ chức bầu cử đại biểu HĐND quận, phường nhiệm kỳ 2021 - 2026; tại TP Hà Nội không tổ chức bầu cử đại biểu HĐND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại quận, phường của TP HCM, TP Đà Nẵng và việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương tại phường của TP Hà Nội trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Căn cứ vào số lượng đại biểu được bầu, nguyên tắc về việc bảo đảm số dư khi lập danh sách người ứng cử, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND cùng cấp dự kiến cụ thể cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị hành chính cấp mình.

Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử phải bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; coi trọng chất lượng, lựa chọn đại biểu là những người tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, đạo đức, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh. Đồng thời bảo đảm cơ cấu hợp lý, có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ trúng cử khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND; bảo đảm tỷ lệ hợp lý người trong danh sách chính thức những người được giới thiệu ứng cử là người dân tộc thiểu số.

Đồng thời, phấn đấu đạt các tỷ lệ: Người được giới thiệu ứng cử là người ngoài Đảng không dưới 10% tổng số người được giới thiệu ứng cử; người được giới thiệu ứng cử là đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) không dưới 15% tổng số người được giới thiệu ứng cử; không dưới 30% đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 tái cử ở từng cấp.

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh tư liệu

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh tư liệu

Không hiệp thương với người ứng cử không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực trình bày Tờ trình về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết đề xuất trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc không đạt trên 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị cử tri thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu lại người khác.

Đồng thời, đối với những trường hợp người ứng cử không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi công tác, nơi cư trú thì sẽ không đưa vào danh sách để hiệp thương.

Qua các kỳ bầu cử, nhiều địa phương đã kiến nghị nên có quy định đối với người ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm tại hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác hoặc nơi cử trú mà không đạt trên 50% số cử tri tham dự hội nghị thì không đưa vào danh sách hiệp thương vì một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của người đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là phải được nhân dân tín nhiệm.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng đồng tình với đề xuất này, cho rằng với người ứng cử mà có tỷ lệ tín nhiệm không đạt trên 50% số cử tri tham dự hội nghị thì không đưa vào danh sách hiệp thương. Như vậy sẽ đảm bảo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng ý kiến của cử tri cũng như bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lay-tieu-chuan-chat-luong-dai-bieu-lam-trong-tam-220412.html