Lấy tiến độ công trình làm thành tích thi đua

TP. Hồ Chí Minh là địa phương 'tải' hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công đầu tư vào các công trình. Nếu chậm tiến độ thì chi phí đầu tư sẽ tăng lên, dự án sẽ đội vốn, gây thất thu ngân sách.

Cầu Thủ Thiêm dự kiến sẽ hợp long và thông xe kỹ thuật cuối năm 2020.

Cầu Thủ Thiêm dự kiến sẽ hợp long và thông xe kỹ thuật cuối năm 2020.

Đáng mừng là đến nay, đây là một trong những địa phương dẫn đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi. Tìm hiểu về “bí quyết” này, chúng có cuộc trao đổi ngắn với bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh.

Giao trách nhiệm người đứng đầu

* PV: Được biết, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh 6 tháng qua đã đạt đến 49% kế hoạch năm – một tỷ lệ khá cao trong tình hình dịch bệnh. Xin bà điểm qua hoạt động này của năm 2020?

- Bà Lê Thị Huỳnh Mai: Ngay từ khi ban hành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, TP. Hồ Chí Minh đã xác định nguyên tắc bố trí có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung nguồn lực cho các chương trình đột phá của thành phố.

UBND thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, với tổng vốn là 41.691 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố là 33.940 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương là 7.751 tỷ đồng.

* PV: Khi vừa triển khai thì cả nước rơi vào dịch bệnh, tất cả dự án đều đóng băng, vậy TP. Hồ Chí Minh có bí quyết gì để giải ngân được lượng lớn vốn đầu tư công trong tình hình khó khăn như thế, thưa bà?

- Bà Lê Thị Huỳnh Mai: Trước tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thành phố đã xác định một trong những giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội là tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Từ đó, thành phố đã tạo nguồn lực cho các công trình, dự án trọng điểm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết về ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giáo dục - y tế, tạo hiệu ứng lan tỏa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

* PV: Có nghĩa thành phố chọn giải pháp tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm rồi lan tỏa dần ra. Nhưng vấn đề là bằng cách nào lãnh đạo thành phố làm chuyển động được bộ máy khi mà các địa phương khác bị ách tắc, thưa bà?

- Bà Lê Thị Huỳnh Mai: Thành phố chọn giải pháp trao quyền và giao trách nhiệm cho người đứng đầu, đi kèm với cơ chế bám sát tiến độ từng dự án. Cụ thể:

Thứ nhất, trực tiếp Thường trực UBND thành phố tổ chức giao ban định kỳ 2 tuần/lần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án đầu tư, tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai

Thứ hai, giao cơ quan chủ quản, chủ đầu tư phân loại dự án, nắm vững tiến trình từng dự án để có giải pháp thích hợp trong từng giai đoạn thực hiện; hàng tháng kiểm tra tiến độ thực địa, nghe báo cáo và tháo gỡ khó khăn ngay tại công trường; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất, thông qua việc triển khai Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất.

Thứ ba, thành phố ban hành quy trình quản lý kế hoạch vốn đầu tư công theo kế hoạch trong năm. Các dự án đầu tư công có 4 bước gồm: đăng ký vốn, bố trí kế hoạch vốn, giải ngân vốn và quyết toán vốn nhằm quản lý chặt chẽ từng công đoạn.

Thứ tư, phát động phong trào thi đua gắn với nội dung giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020: đến cuối tháng 6 phải giải ngân đạt 50%; đến cuối tháng 7 phải đạt 60% - 70%; đến giữa tháng 10 giải ngân đạt từ 80%. Kết quả giải ngân là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, chủ đầu tư.

Thứ năm, ban hành danh mục các công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp để tập trung hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác quyết toán các dự án. Tối đa là 30 ngày kể từ ngày ký biên bản nghiệm thu giữa chủ đầu tư và nhà thầu, chủ đầu tư phải lập thủ tục thanh toán tại Kho bạc Nhà nước.

Thứ bảy, tổ chức hội nghị chuyên đề để hướng dẫn các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công, thủ tục quyết toán dự án tại Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Tạo chủ động cho UBND thực hiện, HĐND đẩy mạnh giám sát

* PV: Thưa bà, hẳn thành phố cũng gặp không ít khó khăn, vậy khó khăn hiện nay là gì?

- Bà Lê Thị Huỳnh Mai: Tuy kết quả giải ngân đạt tỷ lệ khá cao so với các tỉnh, thành, nhưng so với yêu cầu thì kết quả giải ngân vẫn chưa đạt như mong muốn trong điều kiện bình thường mới, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trong đó, thành phố có một số khó khăn, vướng mắc cần sự hỗ trợ tháo gỡ, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành như: vướng mắc trong thực hiện một số các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; các dự án đầu tư đang thực hiện theo phương thức đối tác công tư; một số quy định liên quan đến thực hiện Luật Đầu tư công 2019 chưa có hướng dẫn chi tiết…

* PV: Vậy thành phố có kiến nghị gì với Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, cũng như nâng cao chất lượng dự án không, thưa bà?

- Bà Lê Thị Huỳnh Mai: Vừa qua, được sự quan tâm của Thủ tướng, thường trực Chính phủ và các bộ, ngành đã tổ chức hội nghị hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh. Tại đây, thành phố cũng đã kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành xem xét, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc nêu trên.

* PV: Hiện TP. Hồ Chí Minh có đặc thù gì trong việc thực hiện các dự án công không, thưa bà?

- Bà Lê Thị Huỳnh Mai: Hiện nay, trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư công đang được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 và Nghị quyết 54, có mới hơn so với quy định cũ. Nếu trước đây mọi dự án đầu tư công bất kể nguồn vốn nào cũng do Chính phủ quyết định thì theo luật mới, đã tạo điều kiện cho các địa phương được chủ động xác định danh mục, mức vốn bố trí vốn cho từng dự án để phù hợp với tiến độ triển khai thực tế. Cụ thể, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố thuộc HĐND thành phố. Như vậy, sẽ rút gắn thời gian trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A.

Ngoài ra, tại khoản 7 Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019 cũng có quy định, trong trường hợp cần thiết, HĐND quyết định giao cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách thành phố phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Sở Tư pháp rà soát cơ sở pháp lý, sự cần thiết để tham mưu UBND trình HĐND thành phố quyết định việc giao cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách thành phố. Nếu HĐND thành phố chấp thuận cơ chế nêu trên sẽ tạo quyền chủ động cho UBND quyết định danh mục dự án đầu tư trên địa bàn. Đồng thời, HĐND sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền giám sát các dự án sử dụng vốn đầu tư công được giao cho địa phương quản lý theo quy định tại khoản 4 Điều 83 Luật Đầu tư công 2019, đặc biệt là các dự án do UBND thành phố quyết định chủ trương đầu tư.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Đầu tư công là một điểm sáng đáng ghi nhận, đóng góp lớn trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh hậu Covid-19. Nếu tính luôn khối lượng hoàn thành chưa quyết toán và số vốn đã chi cho các dự án (nhưng chưa hoàn trả tạm ứng), tỷ lệ giải ngân của thành phố đến giữa tháng 7 đạt gần 49% tổng kế hoạch giao năm 2020, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với 7 tháng năm 2019 (chỉ đạt 23%).

Hàn Ni (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-07-23/lay-tien-do-cong-trinh-lam-thanh-tich-thi-dua-89913.aspx