Lấy tiền dành dụm mua nhà của bố mẹ tặng thần tượng

Trong lúc xem phát sóng trực tiếp, cô bé 11 tuổi ở Seoul (Hàn Quốc) tặng tiền cho thần tượng trên mạng thông qua hệ thống thanh toán trên điện thoại của mẹ mình.

Vào tháng 8, người đàn ông họ Kim (48 tuổi) sống ở Seoul (Hàn Quốc) sốc khi phát hiện 130 triệu won (114.000 USD), số tiền vợ chồng anh dành dụm để mua nhà, đã biến mất khỏi tài khoản.

Hóa ra số tiền này bị cô con gái 11 tuổi của anh dùng cho Hakuna, ứng dụng phát trực tiếp trên smartphone, theo Korea Times.

Hakuna là một nền tảng truyền thông của Nhật Bản, nơi bất kỳ ai trên 14 tuổi đều có thể trở thành BJ (broadcasting jockey - người phát sóng trực tiếp), sản xuất nội dung video phát trực tiếp và tương tác với người xem.

Người hâm mộ còn có thể ủng hộ các BJ bằng cách gửi không giới hạn số lượng tiền ảo gọi là "kim cương", được mua bằng tiền thật.

Con gái Kim đã gửi tổng số kim cương trị giá 130 triệu won cho 35 người phát trực tiếp từ ngày 3/8 đến 12/8, thông qua hệ thống thanh toán trên điện thoại của mẹ mình.

"Vợ tôi không cài mật khẩu điện thoại vì cô ấy khiếm thị và bị tổn thương não. Vì vậy, con bé có thể dễ dàng truy cập hệ thống ngân hàng trực tuyến", Kim nói với đài CBS ngày 4/11.

 Bé gái gửi hơn 100.000 USD cho BJ trên mạng. Ảnh minh họa: AP.

Bé gái gửi hơn 100.000 USD cho BJ trên mạng. Ảnh minh họa: AP.

Ông bố 48 tuổi đã phải liên hệ với tất cả 35 BJ để xin lại số tiền con gái đã gửi. Một số người đồng ý hoàn lại tiền. Tuy nhiên, gia đình sẽ không thể lấy lại khoảng 46 triệu won (40.500 USD).

Một sự cố tương tự xảy ra vào 2/11, khi nữ sinh cấp hai ở Boryeong, tỉnh Chungcheong Nam gửi 17 triệu won (gần 15.000 USD) thông qua khoảng 60 giao dịch cho một BJ bằng thẻ tín dụng của bố mình.

Tại Hàn Quốc, hàng nghìn trường hợp cha mẹ nhận được hóa đơn bất ngờ cho các khoản thanh toán trái phép do con cái thực hiện. Tình trạng này gia tăng khi những đứa trẻ có nhiều thời gian ở nhà và lên mạng hơn do đại dịch Covid-19.

Từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, có 1.587 báo cáo về các giao dịch mua hàng trực tuyến trái phép do trẻ vị thành niên thực hiện, cao hơn gấp đôi so với 813 báo cáo vào năm 2019, theo dữ liệu từ Ủy ban Giải quyết Tranh chấp Nội dung Hàn Quốc (KCDRC).

Ứng dụng Hakuna cho phép người xem tặng tiền ảo cho BJ.

Tuy nhiên, theo luật hiện hành, nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc yêu cầu hoàn lại tiền hoặc nhờ đến các biện pháp pháp lý.

“Trong trường hợp của Kim, chúng tôi thấy rằng vợ anh ấy đã cho phép con gái sử dụng điện thoại di động của mình”, một quan chức tại Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) nhận định.

Người này cũng cho biết không thể thực hiện hành động pháp lý vì không có gì bất hợp pháp xảy ra.

Bên cạnh đó, nhà khai thác nền tảng cũng không thể buộc BJ hoàn lại tiền và các công ty thẻ không bắt buộc phải hủy các khoản thanh toán do thành viên gia đình của chủ thẻ thực hiện.

"Có thể các nhà khai thác nền tảng không chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc chấp nhận thanh toán từ trẻ vị thành niên, nhưng họ không thể trốn tránh trách nhiệm hay không có bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn việc đó, như giới hạn độ tuổi để không cho trẻ thực hiện các giao dịch lớn", Hwang Yong-suk, giáo sư truyền thông tại Đại học Konkuk, nhận xét.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lay-tien-danh-dum-mua-nha-cua-bo-me-tang-than-tuong-post1149716.html