Lấy thị trường nội địa để tái cơ cấu tiêu thụ xi măng

Trong năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Xi măng đã đề xuất với Bộ Xây dựng tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) gắn với cổ phần hóa, trong đó tập trung phát triển tiêu thụ tại thị trường nội địa, đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất, nhằm đảm bảo sản lượng, doanh thu và tiết kiểm tài nguyên đất nước.

Đặt mục tiêu doanh thu tăng 10% từ thị trường nội địa

Theo Tổng giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh, ngay từ đầu năm 2019, ngành Xi măng đã đối mặt với nguồn cung than, điện khan hiếm và nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm, sẽ ảnh hưởng tới sản xuất xi măng và Clinker. Bên cạnh đó, không ít dây chuyền sản xuất và chuỗi tiêu thụ tại các nhà máy thành viên không đáp ứng được yêu cầu sản lượng, với 29/82 dây chuyền đã đầu tư trên 15 năm, khiến tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu, dẫn đến giá thành tăng, sức cạnh tranh thấp.

Dây chuyền sản xuất xi măng hiện đại của Vicem Hải Phòng.

Dây chuyền sản xuất xi măng hiện đại của Vicem Hải Phòng.

Những khó khăn này được dự báo sẽ kéo dài trong năm 2019, cộng với những thách thức mới như chi phí năng lượng tiếp tục tăng cao, thị trường xi măng nội địa bị quốc tế cạnh tranh khốc liệt, trong khi đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất xi măng đòi hỏi phải hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn 4.0, mà vẫn phải tăng năng suất lao động... Nếu không gỡ các “nút thắt” này, đầu tư vào tái cơ cấu thị trường tiêu thụ miền Trung – Tây Nguyên, miền Nam, Vicem khó có thể duy trì tăng trưởng và lợi nhuận.

Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ Xây dựng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi năm 2019 được Chính phủ quan tâm, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhu cầu xây dựng của người dân còn nhiều, sẽ là những điều kiện thuận lợi để xi măng “có cửa” khai thác thị trường trong nước và tăng trưởng.

Còn theo nhận định của các chuyên gia xây dựng, để hiện thực hóa mục tiêu, Vicem ngoài chú trọng thị trường tiêu thụ nội địa, phải theo sát diễn biến của thị trường xi măng Trung Quốc và thế giới để có kế hoạch xuất khẩu hợp lý, điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để tránh bị ép giá, giữ giá bán ổn định.

Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu, VICEM sẽ nâng thị phần trong nước bằng cách hạ giá thành sản phẩm, tái cơ cấu lại sản phẩm theo mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, phát huy các thương hiệu mạnh, giảm các thương hiệu yếu, tối ưu hóa logistic, thực hiện điều chuyển xi măng từ miền Bắc đi miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý giá bán, kênh phân phối, hóa đơn điện tử…

Bên cạnh đó là câu chuyện Vicem phải đảm bảo tái cấu trúc hiệu quả lại các doanh nghiệp thành viên đang thua lỗ là VICEM Hạ Long và VICEM Sông Thao, với những khoản nợ trước mắt gần 10.000 tỷ đồng của hai đơn vị, chưa kể lỗ. Gánh 2 nhà máy thua lỗ, nếu không được VICEM tái cấu trúc mạnh mẽ sẽ khó hoàn thành mục tiêu.

Về vấn đề này, ông Minh cho hay, Vicem sẽ tập trung rà soát lại các nhà máy khó khăn để tái cấu trúc. Những đơn vị thành viên không nằm trong chuỗi giá trị gia tăng sản xuất xi măng thì sẽ thoái toàn bộ vốn đầu tư sản xuất bao bì, dịch vụ thương mại, sáp nhập hoặc tinh giản lao động, để hoạt động hiệu quả hơn.

Tận dụng tối đa nhiệt thừa, rác thải để cung cấp điện sản xuất

Đây là một trong những giải pháp trọng tâm của Vicem năm 2019 để hoàn thành mục tiêu. Lãnh đạo các Vicem thành viên đều có chung ý kiến, từ năm 2018 về trước, khi giá điện “mềm” hơn, thì các nhà máy chưa sử dụng triệt để lượng nhiệt thừa hay đốt rác thải chưa được các doanh nghiệp quan tâm. Nếu tính đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, thì hệ thống tận dụng nhiệt thừa trong các dây chuyền sản xuất hiện nay chưa thực sự hiệu quả cao. Từ năm 2019, đối mặt với giá điện gia tăng, thì buộc các doanh nghiệp phải tính toán sử dụng nguồn năng lượng dư thừa này cho sản xuất để tiết giảm đầu tư.

Dây chuyền sản xuất bao bì của các doanh nghiệp không hiệu quả sẽ bị đào thải

Qua tìm hiểu, nhiều nước có ngành công nghiệp xi măng phát triển hiện nay đều sử dụng từ 10 - 17% lượng khí đốt rác thải làm nhiên liệu thay thế phục vụ sản xuất. Vì vậy, các nhà máy Viecm thành viên sẽ nghiên cứu triển khai dự án thu hồi nhiệt khí thải và thử nghiệm đốt rác để bảo vệ môi trường, từng bước khai thác nguồn nhiên liệu này ổn định.

Theo Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), giá than sẽ tăng nên trong thời gian tới, thay vì sử dụng 100% nhiên liệu than, các doanh nghiệp xi măng Việt Nam cần sớm chuyển sang sử dụng nguồn nhiên liệu thay thế để giảm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ môi trường, vừa giải bài toán kinh tế năng lượng cho sản xuất.

Thống kê của Vicem cho biết, cả nước hiện có 29 dây chuyền công suất từ 250.000 – 600.000 tấn/năm, với tổng công suất 11,49 triệu tấn, chiếm 11,76% tổng công suất thiết kế và 13 dây chuyền công suất 910.000 tấn/năm, với tổng công suất 11,83 triệu tấn, chiếm 12,12% tổng công suất thiết kế. Đây là những dây chuyền đã đầu tư từ 10 - 15 năm, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu, dẫn đến giá thành tăng và đã đến giai đoạn đào thải, thay vào đó là những dây chuyền công suất lướn từ 2 triệu tấn/năm trở lên, có tận dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện, tiết kiệm được 20 - 30% tổng lượng điện sử dụng.

Năm 2018, Vicem tiêu thụ 30 triệu tấn xi măng, với giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, thuộc nhóm hàng xuất khẩu hàng tỷ USD. Năm 2019, VICEM đặt mục tiêu tổng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ là 31 triệu tấn xi măng, tăng 6% so với năm 2018; doanh thu thuần đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018; lợi nhuận trước thuế đạt trên 3.200 tỷ đồng…

Đăng Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/lay-thi-truong-noi-dia-de-tai-co-cau-tieu-thu-xi-mang-20190108150437481.htm