Lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh – cuộc 'sát hạch' toàn diện

Ngày 24 - 25/10, đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Hình ảnh tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Cơ hội để đánh giá xác thực

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhân sự Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông sẽ không lấy phiếu tín nhiệm do mới được bầu, phê chuẩn. Các chức danh còn lại dự kiến sẽ được lấy phiếu gồm: Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước, các thành viên Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ...

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, nội dung lấy phiếu tín nhiệm diễn ra vào đầu kỳ họp, trước khi có hoạt động chất vấn tại Quốc hội "để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm”. Việc lấy phiếu tín nhiệm sau chất vấn sẽ “không công bằng”, bởi chỉ có một số bộ trưởng trả lời chất vấn trong khi lấy phiếu tín nhiệm thì với tất cả thành viên Chính phủ. “Nếu chất vấn trước khi lấy phiếu tín nhiệm thì ai có nội dung chưa hoàn thành, còn hạn chế có thể tác động trực tiếp đến việc lấy phiếu, đánh giá sẽ không khách quan” - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, bên cạnh hoạt động giám sát truyền thống như chất vấn tại nghị trường, lấy phiếu tín nhiệm là một cơ chế tiên tiến, tạo ra bước đột phá nhằm phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội.

Đại biểu Vũ Trọng Kim, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm không phải là việt làm đột xuất, công việc này đã được các đại biểu theo dõi, giám sát từ đầu nhiệm kỳ, khi Quốc hội bầu vào các vị trí. Trong đó, trước hết là các chức danh này phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thứ hai là trách nhiệm làm đại biểu của dân. Thứ 3 là đạo đức lối sống; thu nhập, tài sản có vượt quá mức xứng đáng được nhận không? Việc này nhân dân cũng theo dõi, do đó việc giải trình rất quan trọng. “Mỗi người đã được các đại biểu nhận diện đầy đủ, thận trọng, đánh giá đa chiều, để việc quyết định không ân hận. Việc chấm điểm dựa trên có hoàn thành nhiệm vụ không, quyền hạn có sử dụng đúng không? Bên cạnh đó là trách nhiệm phục vụ nhân dân như thế nào trong điều kiện Chính phủ kiến tạo, liêm chính. Quan trọng hơn nữa là lối sống, đạo đức, mức độ nhiệt tình của người đó trong công việc, làm hết sức mình không?” - Đại biểu Vũ Trọng Kim bày tỏ.

Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Trước vấn đề này, bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho hay, việc lấy phiếu tín nhiệm căn cứ trên cả quá trình người đó quản lý, điều hành, tổng thể từ những năm trước đây tới nay. Dựa vào đó đánh giá những ưu điểm, hạn chế thì chúng ta sẽ có cách nhìn tổng quan để đánh giá. Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là quá trình giám sát các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, để các cá nhân đó nhìn vào kết quả mà phấn đầu nhiều hơn, đề ra các giải pháp để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực điều hành của mình.

Cần tăng cường lấy phiếu tín nhiệm

Đồng tình trước việc lấy phiếu tín nhiệm là một việc rất quan trọng, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre chia sẻ, trên quan điểm của tôi, nếu một nhiệm kỳ lấy một lần chưa đảm bảo. Bởi đánh giá cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải đánh giá thường xuyên. Hàng năm đều cần phải có báo cáo, đánh giá cán bộ.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn đại biểu Quốc hội Bến Tre

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm vào thời điểm này rất quan trọng, bởi vì chúng ta đang đánh giá giữa kỳ. Sẽ có cơ sở để đánh giá các chức danh này không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ, để có điều kiện nhắc nhở thông báo, cảnh báo, thậm chí có thể thay đổi. “Đây là công việc rất bình thường và những người được bầu vào những chiếc ghế đó, họ phải biết rằng, cần cố gắng hơn rất nhiều lần so với những người khác trong cả nói và làm, trong cả tư duy và những vấn đề có liên quan đến công việc, công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, tức là liên quan đến cả công việc và con người” - ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Tiếp tục chia sẻ về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng nói, việc đánh giá của các đại biểu đối với các chức danh này không chỉ dựa trên cơ sở báo cáo cá nhân của các thành viên đó, mà dựa trên toàn bộ những vấn đề giám sát. Chúng tôi có rất nhiều cơ hội và cơ sở để giám sát, nhiều thông tin qua công luận, báo chí, ý kiến cử tri và trực tiếp giám sát ở tất cả các nơi, như cá nhân tôi đi rất nhiều nơi nên tôi sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ thể hiện rất rõ, bản thân những người được lấy phiếu tín nhiệm phải đánh giá lại mình. Đồng thời, dựa trên tỷ lệ lấy phiếu tín nhiệm các đại biểu Quốc hội cũng phải nhìn nhận lại: tại sao mình lại bỏ phiếu, trong khi những nguời khác không đồng ý. Tức là tạo ra một sự phân hóa trong chính các đại biểu. Bên cạnh đó, để nhân dân và cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng biết được người mà Đảng giới thiệu sang làm nhiệm vụ Nhà nước có đảm bảo đầy đủ phẩm chất và năng lực không, có nên tiếp tục giữ trọng trách đó không…

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết thêm, việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu cũng được cử tri rất quan tâm. Các báo cáo của những nhân sự được lấy phiếu đã được gửi đến đại biểu Quốc hội. Tôi thấy phần lớn báo cáo đánh giá rất cụ thể về những việc làm mình đã làm, chưa làm được và không làm được. Tuy nhiên, có một số báo cáo của các Bộ trưởng chỉ nêu thành tích hoạt động của mình chứ không nêu các hạn chế và giải pháp khắc phục các hạn chế đó trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm còn căn cứ vào hoạt động thực tế của các nhân sự trong thời gian qua, nhất là việc thực hiện lời hứa của các đại biểu.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lay-phieu-tin-nhiem-voi-48-chuc-danh-cuoc-sat-hach-toan-dien-110686.html