Lấy phiếu tín nhiệm để có đánh giá xác thực

Theo dự kiến, một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào cuối tháng 10 tới sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đây là hoạt động quan trọng trong công tác giám sát của cơ quan dân cử và nhận được sự đồng tình của cử tri và nhân dân cả nước. Mục tiêu của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm đánh giá một cách xác thực năng lực chuyên môn của các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, nên được cử tri đặc biệt quan tâm và kỳ vọng.

Tại phòng họp Diên hồng này, Kỳ họp thứ 6 sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm

Theo dự kiến tại Kỳ họp thứ 6 tới của Quốc hội sẽ có khoảng 50 chức danh lãnh đạo các cơ quan do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm. Ở địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp cũng tiến hành công việc này vào kỳ họp cuối năm 2018. Như vậy, đây là lần thứ ba Quốc hội, Hội đồng Nhân dân lấy phiếu tín nhiệm nhằm thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do các cơ quan này bầu hoặc phê chuẩn, làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ.

Trao đổi với PV một số cử tri cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là làm sao lá phiếu của các đại biểu Quốc hội, đại diện gián tiếp cho cử tri cả nước phải đánh giá một cách khách quan, công tâm. Lá phiếu của mỗi đại biểu Quốc hội được cử tri gửi gắm rất cao. Các đại biểu thay mặt hàng triệu cử tri bầu ra Chính phủ, phê chuẩn các chức danh Nhà nước, ngành thì qua mỗi giai đoạn phải tiến hành đánh giá xem năng lực của những người được bầu và phê chuẩn đó ra sao.

Ông Mai Hồng, nguyên giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Bỏ phiếu tín nhiệm là một phương pháp sinh hoạt nghị trường rất khoa học. Ai làm tốt, các đại biểu sẽ bỏ phiếu tín nhiệm cao; ai chưa làm tốt sẽ bỏ phiếu tín nhiệm thấp. Những người được tín nhiệm cao sẽ càng thấy trách nhiệm của mình nặng nền hơn với nhân dân và các năm sau phải làm tốt hơn nữa.

Còn những vị nếu bị phiếu tín nhiệm thấp, cần nhìn nhận lại mình và các năm sau cố gắng làm tốt hơn. Ông Hồng ví dụ, cách đây mấy năm, tại lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, một đồng chí tư lệnh ngành ngân hàng được phiếu tín nhiệm không cao. Song không nản chí, lần lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai, với sự cầu thị và cầu tiến trong công việc quản lý nhà nước … đồng chí tư lệnh ngành ngân hàng lại nhận được phiếu tín nhiệm rất cao.

Tuy nhiên, để việc lấy phiếu tín nhiệm đạt kết quả khách quan, một số cử tri cũng đề nghị, trước khi lấy phiếu nên để các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành trình bày quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao để đại biểu có thể tranh luận, nhất là trong các buổi chất vấn.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có thể cung cấp thông tin về người được lấy phiếu tín nhiệm để đại biểu có thêm thông tin tham khảo trước khi lấy phiếu tín nhiệm sao cho khách quan, trung thực. Như vậy lá phiếu do đại biểu bầu sẽ chuẩn xác, khách quan hơn.

Không những thế, một số cử tri cũng lưu ý cần có cơ chế giám sát đặc biệt các vị đại biểu Quốc hội để quá trình bỏ phiếu tín nhiệm thực sự công tâm, đúng luật nhằm tránh những lá phiếu mang tính cảm tình hay có yếu tố khác.

Một số cử tri tin tưởng: Với phương châm “xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Trê nền tảng “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” hy vọng lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn lần này các đại biểu sẽ thực sự làm tròn trọng trách của mình trước cử tri cả nước.

H. P

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lay-phieu-tin-nhiem-de-co-danh-gia-xac-thuc-80494.html