Lạy núi

Trà Leng. Lại là Trà Leng. Thêm một ngôi làng gồm 14 căn nhà ở thôn 2 xã này thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vừa bị xóa sổ bởi lũ quét sau mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 10.

Mất mát tiếp nối đau thương. Hơn 10 ngày trước đó, 22 người ở Trà Leng đã chết và mất tích do bị núi lở chôn vùi.

Tôi đã từng vài lần "lên Trà My" trước khi huyện này chia hai thành Nam Trà My và Bắc Trà My (từ năm 2003). Những năm tháng cơ cực, Trà My quả là cái chốn "chó ăn đá, gà ăn sỏi" và bây giờ cái khó cái nghèo vẫn còn đó, dù điện - đường - trường - trạm đã khá hơn, dù đã có quế Trà My và sâm Ngọc Linh nức tiếng. Thứ mà Nam Trà My đặc hữu, giàu có nhất, đáng quý nhất và lâu đời nhất là rừng. Ngày trước đi đâu cũng chỉ thấy rừng tự nhiên, bạt ngàn xanh. Con người sống hòa thuận với thiên nhiên, nương tựa vào tự nhiên như con nhờ vai mẹ. Do vậy mà đừng nên thắc mắc vì sao người dân vùng cao cứ làm nhà dưới chân núi, gần rừng. Nơi ở và nguồn sống của họ ở đó, không thể khác, muôn đời rồi.

Nhưng bây giờ thì họ chạy. Chạy để giữ mạng sống. Chạy để kịp gùi lương thực, thực phẩm cứu trợ về chia cho dân làng. "Họ chạy. Chạy như một bản năng sinh tồn, chạy để sống. May mắn là thứ không thể chọn, rất nhiều người vĩnh viễn bị chôn vùi, hàng chục căn nhà bị xóa sổ, và nỗi đau cứ thế còn kéo dài theo những triền miên cơ cực..." - đoạn dẫn nhập của bài phóng sự "Trên ngàn, những vết xước khổng lồ…" đăng Báo Quảng Nam tôi vừa đọc được - thật ám ảnh với nhiều thông điệp thời sự.

Hẳn trong bước chân chạy nạn của họ chứa nhiều ấm ức, trong lòng họ mang bao tức tưởi và ánh mắt chắc chắn là giận dữ. Bởi vì thảm họa hôm nay không phải do họ gây ra. Hãy nhìn xuống dòng sông Leng và lòng hồ sông Tranh mấy ngày qua dù mặt nước rộng lớn đến thế mà vẫn đặc kín gỗ đã xẻ thành từng hộp, trong đó gỗ rừng tự nhiên vô số kể, từ thượng nguồn trôi xuống theo nước lũ, thì biết ai là "thủ phạm" đã gây ra tai ương này.

Từ Trà Mai, Trà Cang, Trà Linh... đến Trà Vân, Trà Dơn, Trà Leng..., những nơi ngày trước bước chân tôi qua hiếm khi thấy lở núi, có chăng chỉ là những vụ sạt trượt nhỏ. Còn bây giờ, "đất trống đồi trọc" nhiều quá, tai họa xảy ra tại chính những chỗ ấy. Người dân bản địa mỗi khi gặp thiên tai chỉ biết cúi đầu lạy núi khấn nguyện. Khi gặp nạn, trước lúc kịp bỏ chạy, họ cũng thường cúi đầu lạy núi cầu an. Hình ảnh ấy thật ám ảnh, thổn thức.

Những ngày này, người ta bàn nhiều về chuyện khắp nơi rừng núi bị tàn phá, để đem bán, để làm thủy điện, là nguyên nhân gây thảm họa ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam vừa rồi. Đổ tội và phân bua, dù chưa ngã ngũ nhưng sự thật là rừng tự nhiên ở các vùng liên quan đến những nơi xảy ra đại nạn đó chẳng còn mấy. Các nhà quản lý, các nhà làm chính sách đừng chỉ ngồi nhà nghe báo cáo, mà hãy lên ngàn để tận mắt chứng kiến và thấu cảm với đất và người ở đó. Đến đấy cũng nên cúi đầu lạy núi - như một cách tạ lỗi vì bàn tay con người đã can thiệp quá thô bạo khiến thiên nhiên cuồng nộ!

A.Q

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/lay-nui-20201109221955654.htm