Lấy mẫu nước thải dưới lòng sông làm công cụ truy vết COVID-19

Nepal đang tiến hành thu thập nhiều mẫu nước thải dưới lòng một con sông, gây ra mùi hăng nồng trong không khí vào sáng sớm với mục đích truy vết nguồn lây nhiễm COVID-19.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kathmandu, Nepal. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kathmandu, Nepal. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các nhà khoa học Nepal đang tiến hành thu thập nhiều mẫu nước thải dưới lòng một con sông, gây ra mùi hăng nồng trong không khí vào sáng sớm.

Phương pháp này được xem là một cách vừa hiệu quả lại vừa tiết kiệm chi phí, nhằm theo dõi sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia thiếu thốn trang thiết bị phòng dịch nằm bên dãy Himalaya này.

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng trên toàn cầu, ngày càng có nhiều nước tiến hành phân tích mẫu nước thải với mục đích truy vết nguồn lây nhiễm, từ đó nhanh chóng xác định những khu vực dân cư bùng phát dịch bệnh.

Với quốc gia còn nhiều khó khăn như Nepal, vốn chưa phục hồi hoàn toàn kể từ trận động đất năm 2015 và nền kinh tế đang phải vật lộn do dịch bệnh tác động tới ngành kinh tế trọng điểm du lịch, phương pháp phân tích mẫu nước thải có thể trở thành một công cụ truy vết phù hợp trong cuộc chiến chống COVID-19.

Ông Dibesh Karmacharya, nhà đồng sáng lập Trung tâm Động lực học Phân tử Nepal, tổ chức phi chính phủ đứng đầu dự án nghiên cứu trên, cho biết với điều kiện thiếu các thiết bị xét nghiệm và khám sàng lọc, phương pháp mới là một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm, hỗ trợ phát hiện các ổ dịch.

Sau đó, giới chức có thể điều động nguồn lực tới tiến hành xét nghiệm sàng lọc tại các địa điểm này.

Đối với các ca mắc COVID-19 không có triệu chứng, phương pháp xét nghiệm mang tính cộng đồng này có thể giúp phát hiện dịch bệnh tại những nơi ít có khả năng lây nhiễm, thậm chí còn hiệu quả hơn so với phương pháp xét nghiệm cá nhân.

Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nepal, ông Jos Vandelaer, đã mô tả phương pháp này như một "hệ thống cảnh báo sớm."

Theo ông Vandelaer, ở một số quốc gia khác từng áp dụng phương pháp này, các ca dương tính với virus được phát hiện từ 3-7 ngày trước khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng.

Tổ chức của ông Karmacharya từng rất thành công trong việc sử dụng nguồn nước để truy vết dịch bệnh. Năm 2018, trong một dự án nghiên cứu phối hợp với Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), trung tâm này đã xét nghiệm mẫu nước thải để tìm ra nguồn lây bệnh thương hàn tại những khu vực từng được sử dụng vắcxin.

Tháng Sáu vừa qua, nhóm nghiên cứu tại tổ chức này bắt đầu xét nghiệm các mẫu nước thải nhằm truy vết COVID-19 tại Thung lũng Kathmandu và đã phát hiện nguồn lây bệnh tại hai trong tổng số bốn khu vực được kiểm tra.

Số ca mắc COVID-19 ở Nepal đã tăng vọt kể từ thời điểm lệnh phong tỏa tại nước này được gỡ bỏ hồi tháng Bảy. Tính từ tháng Tám, quốc gia có 28 triệu dân này đã ghi nhận trung bình 1.000 ca mắc mới/ngày, nâng tổng số ca mắc lên hơn 48.000 ca./.

Minh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lay-mau-nuoc-thai-duoi-long-song-lam-cong-cu-truy-vet-covid19/663361.vnp