Lấy lời khai HS vụ 231 cái tát: Hiệu trưởng thể hiện năng lực yếu kém, đổ trách nhiệm

Tối 3-12, tại cuộc họp báo của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Ngày 3-12, Bộ lại nhận thông tin về việc phát phiếu lấy lời khai học sinh. Trong vụ này, cô giáo thiếu nghiệp vụ sư phạm, thiếu chuẩn mực đạo đức, nhưng ban giám hiệu, hiệu trưởng lại rất non kém, năng lực hạn chế khi phát phiếu khảo sát.

Liên quan đến vụ giáo viên ở Quảng Bình phạt học sinh 231 cái tát, ngày 2-12-2018 Báo SGGP đưa tin: Vụ 231 cái tát, nhà trường buộc học sinh lấy lời khai. Theo đó, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên lấy lời khai (bằng phiếu) đối với 23 em học sinh lớp 6.2 tham gia tát em H. L. N..

Như vậy, khi nhận được chỉ đạo xử lý nghiêm giáo viên T. xử phạt 231 cái tát đối với học trò N. lớp 6.2, Ban Giám hiệu Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) thay vì chấp hành nghiêm túc các ý kiến của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và huyện Quảng Ninh thì lại bắt 23 học sinh của lớp này viết lời khai.

Tối 3-12, tại cuộc họp báo của Chính phủ, trả lời câu hỏi quan điểm của Bộ GD-ĐT đối với việc lấy phiếu lời khai này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, vụ việc đã được khởi tố. “Nhưng ngày 3-12, Bộ lại nhận thông tin về việc phát phiếu lấy lời khai học sinh. Trong vụ này, cô giáo thiếu nghiệp vụ sư phạm, thiếu chuẩn mực đạo đức, nhưng ban giám hiệu, hiệu trưởng lại rất non kém, năng lực hạn chế khi phát phiếu khảo sát”, Thứ trưởng bộ GD-ĐT cho hay.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa

Thứ trưởng cho rằng, hiệu trưởng vừa thiếu kinh nghiệm, yếu năng lực, có ý thức bao biện, đổ trách nhiệm. Bộ GD-ĐT đã nắm thông tin và yêu cầu Sở GD-ĐT Quảng Bình xử lý báo cáo, xử lý nghiêm.

Trường THCS Duy Ninh

"Không có học sinh yếu kém, chỉ có học sinh chưa tích cực" - một trong các khẩu hiệu tại khuôn viên Trường THCS Duy Ninh

Trước đó, Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện quan điểm cho rằng, vụ việc cô giáo dùng hình phạt cho học sinh tát học sinh 231 hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo. Bộ GD-ĐT không thể chấp nhận trong đội ngũ những giáo viên như vậy. Ngay sau khi biết sự việc, bộ đã bày tỏ quan điểm trên báo chí và chỉ đạo Sở GD-ĐT địa phương kiểm tra, xử ký và có báo cáo về bộ.

Người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh, đây là vụ việc ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành, niềm tin của xã hội vào đạo đức của nhà giáo. Thực tế, phần lớn các thầy, các cô tận tụy với nghề, yêu thương học sinh, hàng chục ngàn giáo viên vùng sâu vùng xa hy sinh cả tuổi thanh xuân, chấp nhận khó khăn, gửi con mình về quê để bám trụ dạy học vùng khó khăn, coi học sinh như con đẻ, dạy dỗ chăm sóc các con...

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu rõ quan điểm, xã hội càng văn minh càng phải sớm nói không với bạo lực. Nhà trường phải đi đầu trong việc loại bỏ bạo lực. “Nhưng không chỉ riêng vụ này, thời gian qua, dư luận xã hội rất quan tâm và lo ngại về bạo lực học đường. Đó là một thách thức với ngành giáo dục”, Bộ trưởng thừa nhận.

Bộ trưởng chia sẻ thêm, Bộ ý thức rất rõ về vấn đề này, nên từ tháng 5-2018, Bộ GD-ĐT đã có Chỉ thị 1737 tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo. Cùng với đó có Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025 nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 80/2017 quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Nhưng qua sự việc ở Quảng Bình lần này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo trong toàn ngành, đến từng nhà trường và giáo viên. Bên cạnh đó, bộ sẽ khảo sát, đánh giá để tìm căn nguyên thực sự của tình trạng này để có những giải pháp phù hợp, căn cơ hơn.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lay-loi-khai-hs-vu-231-cai-tat-hieu-truong-the-hien-nang-luc-yeu-kem-do-trach-nhiem-563111.html