Lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực

Với suy nghĩ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, có lợi cho dân, đồng chí Phạm Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, huyện Yên Mô (Ninh Bình) không nề hà, lăn lộn ở cơ sở, tích cực cùng nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Ðồng chí Phạm Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (thứ hai từ trái qua) trao đổi kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối tây Thái-lan với người dân.

Từ địa phương khó khăn nhất của huyện Yên Mô, xã Yên Hòa đã sớm trở thành điểm sáng nông thôn mới, và là xã có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Trên diện tích gần 4 ha (cả đất thuê của sáu hộ trong thôn và của xã), gia đình ông Vũ Khắc Vượng ở thôn Trinh Nữ 3 trồng chuối tây Thái-lan, nuôi cá chạch sụn và thả vịt. Năm 2017, trừ chi phí gia đình ông đã thu lãi 400 triệu đồng. Cách đó không xa, hộ ông Nguyễn Văn Ðại nuôi cá chạch sụn, cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Theo ông Vượng và ông Ðại, sự quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành của Ðảng ủy, UBND xã, nhất là vai trò của Chủ tịch UBND xã Yên Hòa Phạm Văn Ngân, đã mở ra hướng làm giàu cho người dân nơi đây.

Là xã miền núi nhưng phần lớn diện tích đất canh tác của Yên Hòa thấp trũng, chỉ cấy được một vụ trong năm. Ðồng ruộng manh mún, hệ thống giao thông, thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng, thu nhập và việc làm của phần đông người dân thấp, không ổn định… Năm 2011, khi biết xã sẽ thực hiện chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền đổi thửa, một số hộ dân có ruộng gần đường, nơi dễ canh tác không nhất trí vì lo quyền lợi bị ảnh hưởng, không muốn di chuyển mồ mả vào nghĩa trang.

Lúc ấy, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Ngân, bằng kinh nghiệm của công chức phụ trách địa chính xã trước đây, đã đề xuất Ðảng ủy xã cho chủ trương thực hiện quy đổi hệ số theo tỷ lệ phù hợp các hạng đất (đất tốt, đất xa, thấp trũng, sản xuất lúa kém hiệu quả); ưu tiên các hộ nhận vùng trũng, xấu để phát triển mô hình lúa - cá hoặc nuôi trồng thủy sản nâng cao thu nhập; khuyến khích cha, con, anh, chị, em thân thích hoặc nhóm gia đình bắt cùng một vé, quy tụ về một vùng tập trung để dễ dàng tích tụ ruộng đất, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tránh lãng phí đất đai. Xã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân di chuyển mồ mả; động viên những hộ có ruộng ở vị trí gần đường chuyển đổi với đất công để xã thực hiện các quy hoạch cấp đất giãn dân và xây dựng công trình phúc lợi, như: sân vận động, nhà văn hóa, công viên...

Cùng với đó, xã triển khai xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng đã được quy hoạch. Cách làm này đã làm tăng diện tích từng thửa ruộng, giảm tỷ lệ bờ bao, gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, tạo thuận lợi để người nông dân và doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ cùng phát triển.

Tháng 9-2015, Yên Hòa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp, việc áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất ở Yên Hòa còn hạn chế. Hoạt động của cả ba hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chưa thật sự là chỗ dựa tin cậy cho thành viên và nông dân. Từ nhận định này, đồng chí Phạm Văn Ngân chủ động tham mưu Ðảng ủy xã ban hành nghị quyết sáp nhập ba HTX thành một HTX kiểu mới; giúp tinh giản bộ máy, giảm được nhiều khoản đóng góp của nhân dân. HTX nông nghiệp kiểu mới thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và bảo đảm tốt các khâu cung ứng dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hiện HTX có 600 thành viên và là một trong những HTX nông nghiệp có diện tích canh tác lớn nhất của tỉnh Ninh Bình (hơn 500 ha).

Theo đồng chí Ðoàn Trung Nam, Bí thư Ðảng ủy xã Yên Hòa, khi xã chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung, đồng chí Phạm Văn Ngân đã trực tiếp đối thoại với hàng trăm hộ dân, tham gia vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi, trồng thủy sản, phát triển các vùng chuyên canh. Ðồng chí tham mưu Ðảng ủy tổ chức nhiều đợt đưa người dân đi tham quan một số mô hình kinh tế nông nghiệp ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và TP Hải Phòng. Cùng với thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân, đến nay, xã Yên Hòa có gần 160 ha diện tích canh tác được chuyển đổi, hình thành nhiều mô hình cây - con có giá trị kinh tế cao, như lúa chất lượng cao, trồng rau rút, rau cần kết hợp ươm nuôi cá giống, trồng chuối tây Thái-lan, nuôi cá chạch sụn,… góp phần nâng bình quân thu nhập toàn xã năm 2017 đạt hơn 41 triệu đồng/người và nâng giá trị canh tác lên 130 triệu đồng/ha.

Ông Hoàng Văn Cảnh, một trong những chủ hộ nuôi cá chạch sụn ở Yên Hòa cho biết, cá chạch sụn dễ nuôi, chu kỳ nuôi ngắn, thịt thơm, ngon, bổ dưỡng, giá xuất bán hiện nay hơn 110 nghìn đồng/kg. Mô hình nuôi cá chạch sụn do đồng chí Phạm Văn Ngân tìm hiểu nghiên cứu qua sách, báo và học hỏi kinh nghiệm thực tế ở nơi khác, rồi về động viên, hướng dẫn người dân thực hiện, nhân rộng.

Nhằm tạo liên kết bao tiêu và quảng bá được thương hiệu hàng hóa nông nghiệp của Yên Hòa, đồng chí Phạm Văn Ngân đã chỉ đạo thành lập HTX Sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn Yên Hòa; vận động được 19 chủ hộ có mô hình kinh tế tham gia. Ông Mai Quang Kìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của HTX này, cho biết, HTX hiện có 54 thành viên với gần 8 ha sản xuất chạch sụn, có website do UBND xã hỗ trợ thành lập. Thời gian qua, xã còn hỗ trợ kinh phí giúp HTX tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại trong tỉnh và ngoài tỉnh. Các sản phẩm nông nghiệp của Yên Hòa, như: rau rút làng Liên Trì, cá chạch sụn sống, cá chạch sụn đông lạnh, cá chạch sụn kho niêu đất,… được ban tổ chức các hội chợ và người tiêu dùng đánh giá cao. Các sản phẩm này của Yên Hòa hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Mới đây, đồng chí Phạm Văn Ngân là một trong tám đại biểu của tỉnh Ninh Bình về Hà Nội dự Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và tuyên dương điển hình tiên tiến. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen tặng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Hòa đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ðược hỏi về những việc làm có tính quyết đoán, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở, đồng chí Phạm Văn Ngân chia sẻ: Là cán bộ, đảng viên, mình phải luôn lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, làm động lực trong mọi công việc. Khi thấy được lợi ích, ý nghĩa hợp tình, hợp lý, người dân sẽ nhất định chung sức đồng lòng, tích cực tham gia làm việc cùng vì sự nghiệp chung phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bài và ảnh: Hoàng Lâm

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38229102-lay-loi-ich-cua-nguoi-dan-lam-muc-tieu-dong-luc.html