Lấy gì để bồi thường khi người bị tuyên án chung thân hoặc tử hình không có tài sản?

Trong nhiều vụ án giết người, khi phải thi hành án, bị cáo không có tài sản, gia cảnh khó khăn, người thân cũng không tình nguyện bồi thường thay nên phần thiệt thòi luôn ở phía người bị hại.

Nhiều vụ án mạng thương tâm đã được tòa án đưa ra xét xử công khai. Có những hung thủ gây ra cái chết cho nạn nhân phải trả giá bằng cả tính mạng.

Cuối mỗi bản án, ngoài hình phạt án chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với bị cáo, tòa còn tuyên buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân một khoản tiền bao gồm các khoản chi thực tế như mai táng phí, tiền bù đắp tổn thất tinh thần, tiền cấp dưỡng…

Nhưng để thực hiện được nghĩa vụ này, không phải bị cáo nào cũng có tài sản để khắc phục hậu quả. Ghi nhận qua rất nhiều phiên tòa hình sự mà tôi từng tham dự có không ít bị cáo là kẻ không nghề nghiệp, không gia đình, lang thang nay đây mai đó, khi túng quẫn không có tiền tiêu, đành liều lĩnh đi trộm cắp; khi bị gia chủ phát hiện, lúc cuống lên ra tay giết người, cướp của…Nhiều người vẫn gọi những đối tượng này là “đầu trộm, đuôi cướp”.

Vậy những kẻ “không có gì để mất này” lấy đâu ra tài sản để bồi thường cho gia đình nạn nhân? Đó cũng là băn khoăn của nhiều gia đình nạn nhân sau những phiên tòa.

Với những bị cáo vẫn còn người thân, ngày tòa xét xử, người nhà nạn nhân đề nghị gia đình bị cáo phải bồi thường vì nghĩ đơn giản “quýt làm cam chịu”.

Song vị chủ tọa phải giải thích pháp luật “Người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải tự bồi thường,…”.

Như vậy, nghĩa vụ này thuộc về người có hành vi phạm tội từ đủ 18 tuổi trở lên, người thân của bị can, bị cáo không có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ đó thay bị cáo, trừ trường hợp họ tự nguyện.

Thực tế trong nhiều vụ án hình sự, dù bị cáo bị tuyên phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại nhưng việc bồi thường này thường không dễ thực hiện khi bị cáo phải thi hành án không có tài sản, gia cảnh khó khăn, người thân cũng không tình nguyện bồi thường thay.

Biết quy định của pháp luật như vậy, nhiều gia đình bị hại cũng chỉ biết tặc lưỡi nói với nhau: “Bị cáo bị tử hình, đến người nhà còn chẳng nhận nó thì còn mong chờ gì bồi thường; thôi, nhà mình mất người là nhà mình thiệt…”!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Tư Viễn

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/da-chieu/lay-gi-de-boi-thuong-khi-nguoi-bi-tuyen-an-chung-than-hoac-tu-hinh-khong-co-tai-san-53023.html