Lấy đất của dân không có quyết định thu hồi đất là trái pháp luật?

Mặc dù không có quyết định thu hồi đất của Nhà Nước nhưng chính quyền phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vẫn tiến hành thu hồi đất và cưỡng chế tháo dỡ vật kiến trúc của người dân.

Vừa qua, tiếp xúc với báo chí, bà Nguyễn Ngọc Thảo, sinh năm 1975, ngụ tại 161, hẻm 4, tổ 39 C, KP 11A, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bức xúc nói rằng: “Nếu Nhà nước lấy đất thực hiện vào mục đích an ninh, quốc phòng, mục đích công cộng thì chúng tôi sẵn sàng giao đất cho Nhà nước để thực hiện dự án, nhưng phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Ở đây chính quyền bỗng dưng kéo người đến lấy đất của chúng tôi mà không có quyết định thu hồi đất là trái với quy định của pháp luật”.

Mặc dù không có quyết định thu hồi đất của Nhà Nước nhưng chính quyền phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vẫn tiến hành thu hồi đất và cưỡng chế tháo dỡ vật kiến trúc khiến người dân lâm vào cảnh màm trời chiếu đất.

Hình minh họa.

Theo đơn thư và lời trình bày của bà Nguyễn Ngọc Thảo cùng tài liệu kèm theo: Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, năm 1978 mẹ của bà Thảo là cụ Lý Ngọc Sương, sinh năm 1949 đến khu đất, hiện nay là tổ 39A phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để khai phá đất hoang. Thời điểm lúc bấy giờ tại khu đất rất hoang vắng và rậm rạp, không có người ở, cụ Sương phải tháo gỡ rất nhiều bom, mìn và đạn pháo. Sau khi khai phá được 12ha đất hoang, cụ Sương đã sử dụng đất rồi chia lại cho con cháu và người thân đến nay là 19 hộ đang sử dụng đất.

Bà Nguyễn Ngọc Thảo nói: “Chúng tôi đã sử dụng đất ổn định 39 năm qua không ai có ý kiến gì, nay bỗng dưng chính quyền ra quyết định và đến cưỡng chế tháo dỡ vật kiến trúc và thu hồi đất đai của chúng tôi, nhưng không có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền. Chúng tôi thấy tình hình rất bất thường, nên đã lên UBND phường hỏi thì được cán bộ địa chính nói rằng đây là đất quốc phòng, nhưng chúng tôi hỏi lại "đất quốc phòng như thế nào và quyền lợi của người bị thu hồi đất ra sao?" thì không được trả lời.

Sau khi chúng tôi thắc mắc thì chính quyền có hứa là sẽ có văn bản trả lời cho gia đình sớm, nhưng chưa có văn bản của Bộ Quốc phòng, ngày 21/11/2017 UBND phường đã cho lực lượng đến phá dỡ nhà ở và vật kiến trúc trên đất của chúng tôi, làm cho gia đình chúng tôi đang lâm vào hoàn cảnh màn trời chiếu đất”.

Theo Báo cáo số 78/BC-TNMT ngày 19/01/2009 của Phòng tài nguyên & Môi trường thành phố Biên Hòa về việc 32 hộ dân xin được xem xét cấp GCNQSDĐ tại khu vực 30 ha và khu 74 ha thuộc khu phố 9 và khu phố 11, phường Tân Phong, TP. Biên Hòa, gửi UBND thành phố Biên Hòa và Thanh tra thành phố Biên Hòa đã nêu rõ: “Khu đất 30ha giáp ranh giữa sân bay Biên Hòa và Trung đoàn 26 Tăng thiết giáp) dự kiến giao Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh. Ngày 29/12/2008, tại cuộc họp về việc xử lý khu đất của các đơn vị Trung đoàn E26, Trung đoàn 935 và Lữ đoàn pháo binh 75, thuộc phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa do Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì, đại diện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh khẳng định không có nhu cầu sử dụng đất trên nữa, các ngành tham dự họp thống nhất đề xuất UBND tỉnh thu hồi giao cho UBND thành phố Biên Hòa lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hiện UBND thành phố Biên Hòa đang chờ văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh”.

Trên cơ sở như trên, các hộ dân nhận định rằng khu đất của họ đang sử dụng không có liên quan đến đất quốc phòng. Nếu Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án an ninh, quốc phòng thì họ sẵn sàng giao đất cho Nhà nước để thực hiện dự án, nhưng phải thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật. Nếu Nhà nước không sử dụng đất thì làm thủ tục hợp thức hóa về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ để họ ổn định cuộc sống. Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành thì những hộ dân này sẽ được bồi thường và hỗ trợ về đất, vật kiến trúc trên đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Tại khoản 2, Điều 77 Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ: “Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 1 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật này”.

Như vậy là những hộ gia đình này mặc dù không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đã sử dụng đất trước ngày 01/7/2004 thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng. Ở đây các hộ dân đã sử dụng đất ổn định từ năm 1978 cho đến nay thì đương nhiên khi Nhà nước thu hồi đất sẽ được bồi thường về đất theo quy định của pháp luật.

Việc thu hồi đất phải được thực hiện đúng trình tự theo quy định của pháp luật. Tại khoản 2, Điều 69 Luật Đất đai năm 2013 về Trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã nêu rõ:

"a) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền.

b) Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất”.

Tuy nhiên ở đây chính quyền thu hồi đất của dân không có quyết định thu hồi đất và cũng không thực hiện đúng trình tự theo quy định của pháp luật, vì vậy các hộ dân này cho rằng: Việc chính quyền thu hồi đất của dân mà không thực hiện theo trình tự là trái với quy định của pháp luật.

Hùng Nhãn

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhvaphapluat.vn/lay-dat-cua-dan-khong-co-quyet-dinh-thu-hoi-dat-la-trai-phap-luat-p56956.html