'Lấy dân làm gốc' để bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc

Thời gian qua, nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia (BGQG), gặp nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế - xã hội ở một số địa phương khu vực biên giới chậm phát triển, hệ thống chính trị cơ sở còn yếu, hoạt động chưa hiệu quả; mặt bằng trình độ dân trí thấp, đời sống của nhân dân chậm được cải thiện; tình trạng di cư tự do, ô nhiễm môi trường, hoạt động của các loại tội phạm gia tăng... Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: 'Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc'.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ninh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Viết Hà

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ninh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Viết Hà

Nhằm cụ thể hóa quan điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33 ngày 28-9-2018 về Chiến lược bảo vệ BGQG. Nghị quyết đã thể hiện quan điểm xuyên suốt: Quản lý, bảo vệ BGQG là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; “lấy dân làm gốc”, nhân dân là chủ thể; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu bảo vệ và giữ vững BGQG. Trong đó, quản lý, bảo vệ BGQG đặt trong tổng thể hai nhiệm vụ chiến lược: Kết hợp giữa xây dựng, quản lý với bảo vệ BGQG, phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Quan điểm này xác định nhiệm vụ hết sức thiêng liêng, cao cả, nhưng cũng rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, với tinh thần “tất cả hướng về biên giới”, xây dựng biên giới trở thành “phên dậu” vững chắc.

Để cụ thể hóa toàn diện Chiến lược bảo vệ BGQG, Chính phủ, Quốc hội đã giao Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Sau hơn 1 năm soạn thảo, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIV thảo luận tại Kỳ họp thứ 9. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các lực lượng nói chung, BĐBP nói riêng xác định trách nhiệm trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Ngoài ra, với vai trò nòng cốt, chuyên trách của mình, BĐBP đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động của các tổ chức, lực lượng và toàn dân về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, gắn với xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, thực hiện hiệu quả Ngày Biên phòng toàn dân.

Cùng với đó, tập trung nguồn lực đẩy nhanh các chương trình, dự án đầu tư xây dựng khu vực biên giới, đáp ứng yêu cầu củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh và đối ngoại trên địa bàn biên giới. Thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng, đa dạng hóa, đa phương hóa các hình thức hợp tác của các cấp, các ngành; làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân hai bên biên giới, xử lý có hiệu quả các vấn đề phát sinh trên biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Sự nghiệp bảo vệ BGQG là “của dân, do dân, vì dân”, phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, đây vừa là quan điểm, vừa là nguyên tắc, phương châm chỉ đạo của Đảng. Để phát huy sức mạnh của nhân dân, BĐBP đã bám địa bàn, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc thiểu số”, thực tâm, thực lòng với đồng bào biên giới, tích cực tham gia củng cố hệ thống chính trị; phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, quân đội, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Hình, BĐBP Lạng Sơn và Trạm Hội ngộ, hội đàm BĐBP địa khu Bằng Tường, Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc phối hợp tuần tra song phương. Ảnh: Viết Hà

Chiến lược bảo vệ BGQG đã xác định, xây dựng lực lượng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, nền tảng để xây dựng các nhân tố khác. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Đề án “Tổ chức lực lượng BĐBP giai đoạn 2017 - 2021 và những năm tiếp theo” và Đề án “Quy hoạch hệ thống đồn, trạm Biên phòng đến năm 2021 và những năm tiếp theo”. Tham mưu với Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các giải pháp phù hợp để ổn định biên chế, tổ chức và đầu tư phương tiện, trang bị tiên tiến, hiện đại, đảm bảo BĐBP tinh, gọn, mạnh, cơ động, thực hiện nhiệm vụ có hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ BĐBP có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng; ý thức tổ chức kỷ luật cao; trình độ chuyên môn, năng lực tốt.

Bên cạnh đó, BĐBP phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP và người dân biên giới; kịp thời động viên, cổ vũ nhân dân biên giới tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và để người dân trở thành “cột mốc sống” bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG...

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lay-dan-lam-goc-de-bao-ve-vung-chac-bien-cuong-cua-to-quoc-post431425.html