Lấy cớ con lười để bạo hành dã man, cha mẹ phải trả giá đắt

Chỉ vì cho rằng con học kém, lười học mà nhiều bậc cha mẹ tự cho mình quyền đánh đập, bạo hành, đòi hỏi con.

Đánh con dã man chỉ vì lười học, điểm kém

Ngày 5/5, UBND xã Thới Tam Thôn phối hợp với Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM, làm rõ thông tin vụ một bé trai bị cha ruột đánh, ép đi bán vé số. Đại diện UBND xã Thới Tam Thôn cho biết sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, đơn vị này đã cử cán bộ kiểm tra và làm rõ bản chất vụ việc.

Hình ảnh cháu bé bị thương ở tay chảy máu gây xôn xao cộng đồng

Hình ảnh cháu bé bị thương ở tay chảy máu gây xôn xao cộng đồng

Theo đó, vợ chồng ông T.H.L. (37 tuổi, quê Long An) thuê nhà trọ ở ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Cặp vợ chồng có 3 người con, bé trai bị đánh đang học lớp 5. Ông L. làm phụ hồ, nhưng công việc không thường xuyên, còn người vợ thì bán vé số.

"Sắp vào kì thi cuối cấp 1 nhưng cháu trai lơ là học hành, lại mải chơi nên bị cha đánh, chứ không có chuyện ép cháu này đi bán vé số như thông tin lan truyền", đại diện UBND xã Thới Tam Thôn thông tin thêm.

Theo người phát ngôn UBND xã này, sau khi xảy ra vụ việc, cán bộ địa phương đã làm việc với bé trai và gia đình. Hiện, sức khỏe và tâm lý bé trai ổn định, đã đi học.

Cháu bé 10 tuổi bị cha xích vào cột điện ven đường gây bức xúc

Tương tự vụ việc trên, vào ngày 15/4, tại ven đường quốc lộ 4B, đoạn qua tổ 1, khối 5, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, người dân phát hiện một bé trai 10 tuổi ngồi gục, bị xích cổ vào cột điện ven đường.

Nhận tin báo, Công an xã Hợp Thành đã vào cuộc, xác minh và lập biên bản đối với ông Vũ Đức M., 46 tuổi, trú tại khối 5, là bố của cháu bé, để làm rõ hành vi hành hạ con. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ sợi dây xích và một số tang vật người cha dùng để trói con.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu được xác định do người cha quá bức xúc vì con lười học nên đã xích con vào cột điện để răn đe.

Cháu B. bị đánh toác vùng đầu

Vào ngày 7/4, Công an huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết đã bắt tạm giam 3 tháng ông Trần Văn Hợi (37 tuổi; trú xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Trước đó, khi thấy kết quả thi học kỳ I con trai là cháu Trần Việt B. (9 tuổi) thấp nên ông Hợi lấy cây tre đánh vào lưng con trai. Khi cháu B. sợ hãi, bỏ chạy thì Hợi ném cây roi vào gáy, đuổi theo tiếp tục đánh tới tấp ở vùng lưng, mông, mặt và đầu con.

Lấy lý do con lười học để đánh con chỉ là bao biện

Liên quan đến thông tin bé trai bị bạo hành ở Hóc Môn, TP.HCM, Văn phòng Chủ tịch nước đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đề nghị Thành ủy, UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương xác minh thông tin để xử lý nghiêm, kịp thời hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, bảo đảm đầy đủ các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật.

Hiện nay có một số cha mẹ có hình thức phạt con gây chấn động dư luận, tuy nhiên, đây chỉ là một bộ phận phụ huynh chưa nắm được các phương pháp dạy con.

Nhiều người vẫn cho rằng cha mẹ có thể/có quyền đánh mắng con cái. Ông bà, cha mẹ chúng ta quan niệm rằng yêu cho roi cho vọt nên đánh chửi, mà hay gọi là dạy dỗ, con một cách hồn nhiên. Chính tư tưởng cha mẹ luôn luôn đúng và yêu cho roi cho vọt này đã dung dưỡng tệ nạn cha mẹ hành xử bạo lực chính con mình lâu nay.

Nhưng nguyên nhân cha mẹ hành xử bạo lực với con cái chủ yếu là do chúng ta không kiểm soát được cảm giác nóng giận của chính mình. Và nhiều trường hợp đau lòng đã xảy ra, "cả giận mất khôn" bạo hành, đánh đập con chỉ vì giận dữ, kết cục con cái bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần, còn cha mẹ có nguy cơ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Các giải pháp để cha mẹ kiềm chế cơn giận

1. Bạn cần học cách kiềm chế cảm xúc

Khi bạn nổi giận, muốn la mắng hoặc đánh con, hãy hít thở thật sâu đến khi bạn thấy cơn tức giận của mình vơi đi thì hãy bắt đầu dạy dỗ con bằng cách nói chuyện với con, hướng dẫn con tìm ra lỗi sai.

Cách thứ hai là khi cơn giận của bạn đang cuộn trào và bạn như một ngọn núi lửa sắp phun trào thì bạn hãy đi chỗ khác, xa con ra. Đợi đến khi nào bạn bình tĩnh trở lại thì hãy tiếp tục dạy con.

2. Hãy nhớ con là một đứa trẻ, chứ không phải là một người trưởng thành như bạn

Qua một ngày làm việc vất vả hoặc bận rộn chăm sóc con, có thể bạn sẽ khó giữ được bình tĩnh khi con bày bừa đồ chơi khắp nhà, ăn uống rơi vãi, nhà cửa bừa bộn...Điều này khiến bạn muốn điên lên, muốn hét vào mặt con, muốn cho con ăn vài roi cho chừa đúng không?

Nhưng là cha mẹ, bạn cần phải nhớ rằng, con đang còn nhỏ, nên cha mẹ không thể bắt con hành xử như một người lớn được. Thay bằng việc la hét bắt con dọn dẹp, cha mẹ thử thương lượng với con rằng: hôm nay mẹ rất mệt, con có thể giúp mẹ dọn đồ chơi không?"

Hoặc bạn có thể nghĩ đến những khoảnh khắc đáng yêu của con để đỡ căng thẳng hơn.

3. Chia sẻ áp lực công việc, áp lực làm mẹ với chồng hoặc người thân bạn bè

Đôi khi trong cuộc sống, người phụ nữ là người chủ đạo trong việc nuôi dạy con và chăm sóc gia đình. Điều này khiến cho những người làm mẹ phải chịu áp lực rất lớn từ ông bà, gia đình và từ chính bản thân mình, khiến các mẹ hay bực tức, nổi nóng.

Nếu bạn trong trường hợp như vậy thì hãy chia sẻ với người chồng của mình để có được sự trợ giúp từ người đàn ông trong gia đình. Vì thực tế con cái sẽ chịu nghe lời ba hơn là mẹ

Hoặc cách khác là người làm mẹ hãy chia sẻ với bạn bè hoặc người thân trong gia đình để nhận được những lời khuyên tích cực cho cảm xúc và cách dạy con.

4. Cho phép bản thân có thời gian nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy mệt mỏi là một cách để giúp bạn lấy lại tinh thần, giải tỏa năng lượng tiêu cực. Nghỉ ngơi ở đây không có nghĩa chỉ là nằm ngủ, nó còn có nghĩa là hãy vui chơi, du lịch cùng gia đình, đặc biệt là cùng con.

Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy yêu con của mình hơn, vui vẻ hơn để luôn tràn đầy năng lực tích cực và truyền năng lực tích cực cho trẻ.

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/lay-co-con-luoi-de-bao-hanh-da-man-cha-me-phai-tra-gia-dat-20210506115223902.htm