'Lấy báo nuôi văn'

Nhiều nhà văn đã chọn cho mình thêm một nghề đầy sôi động và vất vả để được trải nghiệm chính bản thân mình, đó là làm báo. Và ngược lại, nhiều nhà báo, cũng chọn một chốn'để luôn giữ những cảm xúc, tinh luyện và sáng tạo nên tác phẩm' đó là văn chương.

Hai công việc tưởng chừng mâu thuẫn nhưng lại tương hỗ nhau, đã giúp cho các nhà văn, nhà báo có những tác phẩm báo chí để đời, nhưng cũng có những tác phẩm văn chương đạt nhiều giá trị.

Nhà văn - nhà báo Phong Điệp: Nghề báo cho tôi những chuyến đi để đời

Làm báo cho tôi cơ hội được đi đến nhiều vùng miền, gặp gỡ nhiều người. Mỗi người mang một số phận, với không ít éo le cần được chia sẻ và đồng cảm. Có những người mà nghị lực và tài năng của họ khiến tôi ngưỡng mộ mà thán phục. Những chuyến đi như vậy, những nhân vật như vậy là chất liệu vô cùng quý giá cho văn chương.

Từng có ý kiến cho rằng, nhà văn chỉ cần ngồi một chỗ mà tưởng tượng. Tôi thì không tán đồng điều đó. Mọi sự tưởng tượng của nhà văn chắc chắn không thể phong phú, sinh động bằng thực tiễn cuộc sống. Ngay kể cả những nhà văn chuyên viết tác phẩm giả tưởng, thì họ cũng cần những gợi ý từ hiện thực cuộc sống, chứ không có sáng tác nào bền vững, lâu dài nếu người viết chấp nhận ngồi một chỗ chỉ để “vẽ mây, vẽ gió".

Nhà báo - nhà văn Phong Điệp.

Dù tư cách nhà văn hay nhà báo thì người viết đều cần niềm đam mê, sự tâm huyết, đều cần sắc sảo, hoạt ngôn, có tầm nhìn, và cả sự trầm tĩnh như bạn nhắc đến. Những do đặc thù mỗi loại hình lại đòi hỏi cách tư duy, triển khai khác nhau. Một ví dụ nhỏ: báo chí có cần cảm xúc không? Chắc chắn là có. Cảm xúc của người viết thể hiện trong cách nêu vấn đề, trình bày vấn đề...

Cảm xúc xuất phát từ những câu chuyện “người thực, việc thực”. Không phải vô cớ, tính chính xác, trung thực trong báo chí luôn được đặt lên hàng đầu. Vì đó là đặc thù của loại hình này. Còn đối với văn chương, cảm xúc đương nhiên vô cùng quan trọng. Nhưng đó là cảm xúc của quá trình sáng tạo mà người viết có toàn quyền xây dựng lên một thế giới nghệ thuật của riêng mình với những nhân vật của mình.

Đã từng có những tai nạn nghề nghiệp xảy ra khi một nhà báo bỗng nổi hứng sáng tác một bài bút kí, phóng sự về một nhân vật không có thực, câu chuyện không có thực. Lẽ ra trong trường hợp này, nhà báo ấy đi viết truyện ngắn thì sẽ hiệu quả hơn chăng?

Nói như vậy để thấy rằng, đây chính là điểm khác biệt lớn nhất của báo chí và văn chương. Tôi không thích dùng chữ xung đột, tuy nhiên khi một người viết vừa là nhà báo, vừa là nhà văn cần có sự tách bạch mỗi khi viết, tránh tình trạng báo chí hóa văn chương hay văn chương hóa báo chí.

Từ lúc bước chân vào nghề báo đến nay đã tròn 20 năm, tôi luôn thấm thía một điều rằng chính báo chí đã dạy tôi trưởng thành lên mỗi ngày và biết trân trọng hơn giá trị của cuộc sống.

Tôi nhớ mãi lần đi viết bài về những nạn nhân chất độc da cam, chứng kiến những người cha người mẹ khốn khó, nuôi những đứa con không trọn vẹn hình hài con người, nhìn nụ cười của họ khi con đã ngoài hai mươi tuổi lần đầu biết tự cầm cốc nước để uống, tôi đã ứa nước mắt. Cuộc sống luôn đặt ra những thử thách, đòi hỏi con người phải học cách kiên cường để vượt qua.

Năm 2010, lần đầu tiên tôi được đến Trường Sa. Sau gần 2 ngày nằm bẹp trên tàu, được đặt chân xuống mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc ở nơi giữa muôn trùng sóng gió, tôi đã lặng đi vì xúc động. Cảm xúc đặc biệt ấy có lẽ còn là cảm nhận chung của bất cứ ai lần đầu tiên đến nơi này.

Nhà báo Phong Điệp dẫn chương trình tại Trường Sa.

Chuyến đi chỉ vỏn vẹn 10 ngày nhưng đến giờ đối với tôi vẫn là chuyến đi đáng nhớ nhất của nghề báo. Nhờ vậy, tôi càng thấm thía một điều: Tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, niềm tự hào dân tộc không hề trìu tượng, mơ hồ mà được hình thành bởi những trải nghiệm quý giá từ chính những chuyến đi như vậy.

Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Quang Hưng: Nghề báo đã cho tôi nguồn "Lợi nhuận" tinh thần cho văn chương

Kể từ khi học làm báo và bước vào nghề báo 15 năm trước, đường văn và báo của tôi song hành, nhiều sáng tác của tôi ra đời từ những chuyến đi làm báo. Tôi đi xem vở diễn, đi thực tế làng quan họ, gặp nghệ sĩ, nghệ nhân, chuyên gia... để viết bài, từ đó và từ họ, tôi sáng tác lấy đề tài về văn hóa, nghệ thuật.

Tôi vẫn cảm thấy may mắn khi được lựa chọn nghề báo: đi và viết thường xuyên, nắm bắt và cập nhật thông tin, tìm đề tài, phát hiện đề tài... Những việc đó bồi đắp cho nghề văn thực tế đời sống, ý tưởng mới, thôi thúc ta suy ngẫm. Có nhiều điều sau khi đã "báo hóa" thì những ấn tượng, suy tư và đúc kết từ đó lại được "văn hóa, thơ hóa".

Ở khía cạnh sáng tạo, báo như khai thác, nhặt nhạnh, văn là dành dụm, tinh luyện. Cả hai đều cần thiết, và báo có lợi cho văn ở chỗ đó. Những năm qua, làm báo về mảng văn hóa nghệ thuật, với tôi cũng chính là tìm hiểu, thưởng thức và trải nghiệm với đời sống văn nghệ. Muốn sáng tác cũng vậy, ko thể thoát ly sự thâm nhập, trải nghiệm.

Nhà báo - nhà thơ Nguyễn Quang Hưng.

Vậy nên đi làm báo, trong nhiều trường hợp cũng chính là tạo điều kiện cho việc đi thực tế sáng tác. Và điều không thể thiếu được, là nghề báo đem lại thêm cho việc sáng tác xúc cảm, những nguồn cảm hứng mới mẻ. Tôi hay viết vào những hạn chế, bất cập... trong đời sống văn hóa và muốn đề xuất ý tưởng giải pháp để cùng làm tốt hơn.

Nhiều năm "hô hào" thế, không hiểu thấm đến người khác được gì chăng, nhưng tự mình giúp cho mình một tâm thế nhập cuộc. Điều đó cũng rất cần cho sáng tác và cả văn lẫn báo thì tôi nghĩ đều cần sắc sảo, hoạt ngôn trong trang viết để thể hiện ý tưởng, quan điểm, cần thâm trầm, tích tụ và sáng tạo để viết cho tốt hơn, tránh sự lặp lại, vượt qua mình.

Như thế, hai nghề này lại rất gắn kết, bổ trợ cho nhau. Làm văn, nhiều khi cũng giúp việc làm báo thêm cái nhìn xa, thêm lạc quan và kiên trì hơn. Tôi đã thấy những nhà báo cũng là nhà văn, nhà thơ, dung hòa, đắp đổi, hợp lực hai con đường đó để sống, làm việc và đóng góp. Tôi tự đặt mục tiêu cho bản thân là công việc nào phải có thành quả đó. Việc làm báo do đặc thù nghề nghiệp, cần được ưu tiên hoàn thành trước. Để sau này sẽ mở rộng thêm cảm nhận, suy ngẫm bằng sáng tác. Cũng như, tránh những bài báo từ ngữ đậm tính văn chương, bóng bẩy, nhiều ẩn ý, và tránh những tản văn mà đọc như là... bài báo vậy.

Chẳng hạn như vừa rồi, tôi có chuyến đi về Hòa Bình theo dõi nhiều hoạt động trên Bảo tàng không gian văn hóa Mường, trong đó có việc tuyên truyền phục dựng Nhà Lang, tôi lại viết được một số bài thơ về Hòa Bình, về nhà sàn được anh em thích, có bài còn phổ nhạc, nghe có không khí trầm hùng. Đến Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang... trong những chuyến đi làm báo, tôi đều viết, thơ, tản văn. Chúng cứ dần nhiều lên, nâng lên, và tôi có được những tập thơ, tản văn của mình. Với tôi, đó là một nguồn "lợi nhuận" tinh thần rất lớn! Tôi cũng đã được đi thực tế Trường Sa, một số đơn vị bộ đội trong một số chương trình sáng tác, ngoài những bài thơ về người lính, tôi có thêm bài báo về đời sống, công tác, nhiệm vụ của những người lính.

Cùng với những kết quả nghề nghiệp ấy, tôi có được những mối quen biết, thân thiết nhiều ân nghĩa, những trải nghiệm và cảm hứng cho đời sống của mình. Vậy là báo, văn đã cùng nuôi dưỡng cho tâm hồn, cuộc sống của tôi.

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/21-6-lay-bao-nuoi-van-496131/