Lavifood xây nhà máy nông sản, tuyên bố sẽ thu mua hết củ cải của người dân

Công ty Cổ phần Lavifood, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ và đối tác ILMI Farming & Fisheries (Hàn Quốc) đã đạt được những thỏa thuận quan trọng trong việc hợp tác thu mua, chế biến và xuất khẩu củ cải sang Hàn Quốc sau 2 ngày khảo sát và làm việc tại Hà Nội và Hưng Yên.

Trao đổi với PV, ông Đinh Mạnh Hùng khẳng định, Lavifood đang xây dựng nhà máy nông sản đầu tiên tại miền Bắc và có trụ sở tại Hải Dương. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào tháng 5/2019, với công xuất 15.000 tấn/năm với nhiều sản phẩm nông sản đa dạng.

Ông Dũng tuyên bố, sau khi nhà máy Lavifood Hải Dương đi vào hoạt động vào năm 2019, người dân sản xuất được bao nhiêu, doanh nghiệp sẽ thu mua bằng sạch.Trước mắt củ cải sẽ là sản phẩm trọng tâm của nhà máy Lavifood tại Hải Dương, về lâu dài, các sản phẩm nông sản, đặc sản khác của toàn bộ khu vực miền Bắc cũng sẽ được thu mua và đưa vào sản xuất.

Ông Oh Young Cheol (Chủ tịch Công ty Nông nghiệp và Ngư nghiệp ILMI - Hàn Quốc), ông Phạm Ngô Quốc Thắng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Lavifood) đi khảo sát thu mua củ cải cho bà con và hoạch định vùng nguyên liệu chế biến cho nhà máy sắp xây dựng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ bây giờ cho tới lúc nhà máy chính thức đi vào hoạt động vẫn phải chờ đợi 14 tháng. Trong khoảng thời gian 14 tháng này, Lavifood sẽ phối hợp với một số nhà máy khác để thu mua nông sản cho bà con nông dân ở một mức độ vừa phải.

“Cái khó khăn nhất bây giờ đó chính là vấn đề thời gian, chúng tôi rất mong muốn nhà máy đi vào sản xuất càng nhanh càng tốt để bà con nông dân đỡ khổ, không phải bị phụ thuộc vào HTX hay thương lai Trung Quốc. Chúng tôi cũng cam kết, sẽ thu mua nông sản ở ngưỡng giá cao, ổn định từ đó giải quyết triệt để tình trạng thương lái Trung Quốc ép giá, trả giá thấp”, ông Dũng cho biết.

Theo chia sẻ của ông Hùng, Lavifood mới chỉ được thành lập vào năm 2015, nếu xét trên thương trường, Lavifood mới chỉ là “tân binh”. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm hoạt động, doanh nghiệp đã đạt được rất nhiều thành công. Trong đó, Lavifood đã xuất khẩu thành công tới 7 quốc gia, trong đó có Mỹ; số lượng khách hàng tăng từ 2 lên đến 20 khách hàng.

Thị trường xuất khẩu hiện là thị trường chính của Lavifood với mạng lưới khách hàng rộng lớn bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Algeria... cho các đối tác uy tín hàng đầu thế giới như Trader Joe’s, LotteMart, GS Mart, Emart, Orana, Agrana, Kerry. Sản phẩm chủ lực của Lavifood là rau củ quả nhiệt đới đông lạnh như xoài, khóm, chanh dây, thanh long, khoai môn...

Tổng doanh thu của năm 2015 đạt 4,9 tỷ đồng, sau 1 năm kinh doanh, Lavifood đạt 96,4 tỷ đồng (báo cáo tài chính năm 2016), tăng gần 20 lần. Trong đó, lợi nhuận đang từ âm 2,9 tỷ (năm 2015) tăng mạnh lên 35,9 tỷ đồng (năm 2016). Thu nhập ròng của Lavifood cũng tăng từ âm 10,9 tỷ đồng (năm 2015) lên 8,3 tỷ đồng (năm 2016).

Ông Oh Young Cheol (Chủ tịch Công ty Nông nghiệp và Ngư nghiệp ILMI – Hàn Quốc) sẽ đồng hành cùng nông dân trồng, chế biến và tiêu thụ rau củ quả, trong đó có củ cải.

Với đội ngũ sáng lập và điều hành xuất thân là các chuyên gia công nghệ thông tin, thế mạnh lớn nhất của Lavifood chính là việc sử dụng dây chuyền công nghệ hàng đầu thế giới như dây chuyền cấp đông IQF của OctoFrost, công nghệ đóng chai HPP- RIECKERMANN, Krones (Đức), dây chuyền cô đặc Bertuzzi (Ý), dây chuyền sấy Pigo (Ý), công nghệ xử lý nhiệt Reinetsu (Nhật)...

Với tiềm năng thị trường rộng lớn, năng lực quản trị tiên tiến và thế mạnh về công nghệ, Lavifood đặt mục tiêu giữ vị trí số 1 Việt Nam, Top 5 Đông Nam Á, Top 10 châu Á, Top 20 thế giới trong ngành chế biến rau củ quả trong 10 năm tới.

Với dây chuyền sản xuất hiện đại từ châu Âu, Lavifood đang áp dụng một quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu thu mua, chế biến đến xuất khẩu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Để đảm bảo cho mục tiêu này, từ năm 2016, Lavifood đã triển khai chiến lược dài hạn khi tham gia Chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao hội nhập thị trường quốc tế - Mô hình điểm tại Tây Ninh do Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ sáng lập và điều phối. Trong Chuỗi giá trị này, Lavifood là đơn vị đi đầu, phát triển hệ thống các nhà máy chế biến rau củ quả hiện đại. Lavifood cũng đặt kế hoạch phát triển 20.000 ha vùng trồng quy hoạch, dưới hình thức liên kết và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân trên khắp cả nước.

Với tuyên bố khá tự tin của mình, ông Dũng cho biết, bên cạnh việc xây dựng nhà máy, Lavifood đã tìm ra đầu ra cho củ cải Việt Nam. Một trong những đối tác quan trong bài toàn đầu ra cho củ cải Việt Nam là Công ty tác Ilmi Farming & Fisheries (Hàn Quốc). Doanh nghiệp này chiếm tới 70% tổng sản phẩm củ cải và kim chi trên toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc.

“Hàn Quốc là một quốc gia tiềm năng để phát triển xuất khẩu củ cải, đặc biệt là củ cải ngâm. Bởi lẽ, các món ăn của người Hàn luôn gắn liền với loại nông sản này. Chưa dừng lại tại đó, thị trường củ cải của Hàn Quốc đang ngày càng mở rộng, trong khi, sản lượng sản xuất tại Hàn Quốc đang có xu hướng giảm xuống bởi giá thành cao, đắt đỏ, chính vì vậy, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tìm kiếm đối tác nước ngoài để nhập khẩu”, ông Dũng nói.

Khi đã có nhà máy và đầu ra cho củ cải, giám đốc của Lavifood tự tin: “Chúng tôi cam kết sẽ thu mua dài hạn củ cải, đưa nông sản Việt Nam lên bản đồ thế giới và giúp người nông dân trong nước đỡ vất vả hơn và thu nhập ổn định hơn”.

PV

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/lavifood-xay-nha-may-nong-san-tuyen-bo-se-thu-mua-het-cu-cai-cua-nguoi-dan-100122