'Lâu rồi chưa có gì, nhạt miệng lắm'

Ðó là câu nói của lãnh đạo Ban Kinh tế - Xã hội (báo Tiền Phong) chúng tôi thường 'được nghe' sau mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày làm việc.

Tuổi trẻ của tôi gắn liền với những chuyến công tác tại điểm nóng

Tuổi trẻ của tôi gắn liền với những chuyến công tác tại điểm nóng

“Phải trăn trở, tìm tòi, không ngừng tư duy và theo đuổi đề tài đến cùng mới có bài báo hay. Ðừng như một cô gái vẻ ngoài xinh xắn nhưng đơn điệu, tẻ nhạt” - đó là những câu nói khiến phóng viên trẻ chúng tôi luôn khắc nhớ trong đầu để hoàn thiện mỗi ngày.

Trưởng thành hơn qua từng môi trường làm việc

Ngay từ khi vừa bước vào năm nhất đại học, tôi đã “có duyên” với báo Tiền Phong khi có bài gửi và được đăng trên Tiền Phong online. Hồi đó, tôi vui đến nỗi chưa biết nhuận bút được bao nhiêu nhưng đã mời cả nhóm bạn đi ăn chè, kem hết hơn 300.000 đồng (về sau lĩnh nhuận bút được 150.000 đồng).

Nghỉ hè năm 2 Đại học, “duyên” càng tăng lên khi chúng tôi được cộng tác chính thức với Tiền Phong online. Ngày đó, tôi và một cậu bạn cùng lớp Đại học đang đi làm thêm cho siêu thị Pico Plaza (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Chưa được một tháng, bất ngờ có ông anh “tiền bối” - học cùng Khoa Báo chí (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, trước tôi 4 khóa) đang cộng tác cho Tiền Phong online gọi điện và bảo chúng tôi nghỉ làm ở siêu thị, tập tành viết báo cho lên tay. Sau cuộc trao đổi ngắn gọn, chúng tôi chính thức cộng tác cho Tiền Phong online. Công việc chính là trình bày bài từ báo giấy lên báo điện tử. Hồi đó, ngày đi học, đêm muộn hai thằng bạn lại lóc cóc đạp xe lên trụ sở báo Tiền Phong ở 15 Hồ Xuân Hương chờ có báo để trình bày. Thời gian đầu, tôi toàn phải nhờ em trai đi học để điểm danh hộ tiết học đầu giờ sáng vì làm việc đêm quá mệt, không về kịp.

Ngày qua ngày, tôi cũng quen dần với môi trường làm việc của Tiền Phong online, bắt đầu tập viết và được đăng tải nhiều bài hơn. Sau khi kết thúc thực tập, tôi vinh dự được nhận lại ở Tiền Phong online. Sau đó, được ký hợp đồng thử việc, dần dần chuyển lên chính thức và vô thời hạn. Ở ban điện tử, tôi kinh qua 4-5 thế hệ lãnh đạo. Đây cũng là môi trường giúp tôi trở thành một phóng viên đa phương tiện, năng động, xông xáo, sẵn sàng “xách ba lô lên và đi”.

Sau khi xây dựng được nguồn tin và nhiều mối quan hệ, tôi chuyển dần sang làm mảng pháp luật. Loạt bài “Tàn phá vườn quốc gia Ba Bể” đăng tải năm 2012 của tôi được Tòa soạn đánh giá cao, thưởng nóng. Hồi đó, cứ nơi nào có hỏa hoạn, sạt lở, trọng án... là tôi lập tức báo cáo đề tài, tức tốc lên đường.

Năm 2014, Tiền Phong online có nhiều biến động, tôi được chuyển về Ban Pháp luật, giao theo dõi tin tức công an các quận, huyện của Hà Nội và một số tỉnh lẻ. Từ một phóng viên báo điện tử chuyển lên báo giấy, tôi phải thay đổi rất nhiều về văn phong, cách tiếp cận và triển khai các đề tài.

Có lần, tôi đi công tác hai ngày ở tỉnh lẻ về viết và nộp 2 bài chân dung (mỗi bài dài khoảng 1.200 chữ) về những tấm gương lầm lỗi làm lại cuộc đời. Sau khi anh phó ban biên tập, tôi gửi bài cho trưởng ban. “Hai nhân vật này em phải gộp lại thành 1 bài, đẩy ông A lên trước làm nền cho ông B, không để thế này được”, Trưởng ban nói. “Nhưng anh ơi, bài anh Phó ban đã biên tập xong rồi, giờ chỉ gửi đăng thôi ạ! Với lại, hôm nay cả ban ta không có tin bài nào nữa”, tôi thắc mắc. Bình thản nhìn tôi, anh trưởng ban bảo: “Ban Pháp luật có thể không có bài nhưng còn các ban đại diện, vùng miền gửi về. Em cứ sửa lại như anh bảo rồi nộp, hôm sau đăng cũng được”. Đến bây giờ, tôi vẫn còn lưu lại bức ảnh bài viết của tôi được anh Đinh Anh Tuấn gạch chằng chịt lỗi và biên tập lại.

Quá trình làm việc tại Ban Pháp luật, không ít lần sau khi đăng tải những tuyến bài “nhạy cảm”, tôi cùng lãnh đạo ban “được” làm việc với cơ quan điều tra của Công an TP Hà Nội và Bộ Công an. Sau những cuộc đó, tôi rút ra được rất nhiều bài học cho nghề. Có thể nói, môi trường Ban Pháp luật đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều sau khi chuyển từ điện tử lên.

Nguyên trưởng ban Pháp luật biên tập bài của tác giả bài viết

Lãnh đạo ban hay phải “diễn vai ác”

Đó là câu mà Trưởng ban Kinh tế - Xã hội Phạm Đình Thắng của chúng tôi hay nói tại mỗi dịp họp ban. Lãnh đạo luôn cầu toàn, khắt khe để phóng viên có những tác phẩm báo chí hay nhất. Chuyển sang làm việc tại Ban Kinh tế - Xã hội đến nay đã được hơn 2 năm, tôi trưởng thành và chững chạc hơn rất nhiều trong nghề.

“Theo lĩnh vực nào mình phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó. Có như thế, đối tác - người được phỏng vấn và bạn đọc mới tôn trọng, đánh giá cao bài viết của mình. Hơn nữa, phóng viên ở ban phải đa năng, khi cần phối hợp triển khai tuyến bài hoặc chủ đề nào đó đều sẵn sàng tham gia, không được đùn đẩy, chối bỏ trách nhiệm” - đó là những điều mà lãnh đạo ban luôn nhắc nhở chúng tôi.

Ngoài việc bám sát và làm tốt lĩnh vực được giao, chúng tôi luôn phải tìm kiếm thêm các đề tài dân sinh, đi thực tế vùng sâu vùng xa. Có đồng nghiệp nữ trong ban dù trẻ tuổi nhất nhưng lại xông xáo nhất và làm được những đề tài mà cánh phóng viên nam chúng tôi phải thán phục như: thâm nhập đường dây cửu vạn vùng biên, đi làm công nhân Samsung, làm phu mỏ đá,... Cứ lâu lâu không thấy có tuyến bài đặc sắc là lãnh đạo ban lại sốt sắng, thúc giục anh em đi làm.

“Lâu rồi chưa có gì, nhạt miệng lắm”.

Đầu năm 2018, không ít do dự, băn khoăn kèm lo lắng, song với trách nhiệm công dân và bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp, chúng tôi đã ròng rã hàng tháng trời để ghi nhận, phản ánh dấu hiệu tiêu cực của lực lượng CSGT đường bộ lẫn đường thủy.

Chúng tôi vạch kế hoạch, ròng rã cả tháng trời tìm các góc tiếp cận khác nhau, lúc thì leo trên tòa nhà đang xây cao hàng chục tầng, lúc lại trèo lên đường sắt trên cao; có khi ở trên nóc nhà dân... Và rồi, những thước phim sống động đã được ghi lại rõ nét và được thể hiện trong phóng sự: Xem Cảnh sát Giao thông “làm luật” như ảo thuật đăng trên Tiền Phong ngày 13/3/2018.

Liên tiếp sau khi bài viết phản ánh dấu hiệu tiêu cực của lực lượng CSGT Hà Nội, chúng tôi nhận được nhiều phản ứng khác nhau từ dư luận, đồng nghiệp và cả những người trong ngành công an. Tôi vẫn nhớ câu nói của Tổng Thư ký Tòa soạn Lê Minh Toản khi bắt đầu buổi làm việc với tổ công tác của Công an TP Hà Nội về nội dung bài viết sau khi đăng tải: “Động cơ tuyến bài của chúng tôi là gì ư? Chúng tôi chỉ có một động cơ duy nhất là cùng các anh góp phần làm trong sạch lực lượng, đấu tranh chống tiêu cực củng cố niềm tin cho dân chúng…”. Đúng vậy, mỗi tác phẩm báo chí chống tiêu cực, tham nhũng được ra đời, người làm báo chúng tôi sẵn sàng tâm thế để đấu tranh, bảo vệ đến cùng tác phẩm của mình, quyết không để ngòi bút bị bẻ cong vì bất cứ thế lực nào. Trưởng thành hơn qua từng bài viết, tôi càng thấm thía hơn tình đoàn kết của cơ quan, thêm yêu tờ báo Tiền Phong.

Tôi vẫn nhớ câu nói của Tổng Thư ký Tòa soạn Lê Minh Toản khi bắt đầu buổi làm việc với tổ công tác của Công an TP Hà Nội: “Ðộng cơ tuyến bài của chúng tôi là gì ư? Chúng tôi chỉ có một động cơ duy nhất là cùng các anh góp phần làm trong sạch lực lượng, đấu tranh chống tiêu cực củng cố niềm tin cho dân chúng…”.

Tuấn Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/lau-roi-chua-co-gi-nhat-mieng-lam-1346275.tpo