Lầu Năm góc và Lockheed Martin bất đồng vì F-35

Theo Tạp chí quân sự Janes, Lầu Năm góc và hãng chế tạo Lockheed Martin, đơn vị phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II, đã không tìm được tiếng nói chung liên quan tới việc sử dụng thông tin của hệ thống nhận diện, phân tích và cảnh báo nguy cơ cho phi công trên khoang – FRACAS của dòng máy bay chiến đấu tiên tiến này.

Giới chức quân sự Mỹ lý giải, dự án phát triển máy bay F-35, tiền thân từ chương trình Máy bay chiến đấu liên quân – JSF là tài sản trí tuệ của Quân đội Mỹ. Chính vì thế, Bộ Quốc phòng Mỹ có quyền được được truy cập vào thông tin của FRACAS để có thông tin về tuổi thọ trung bình của các loại khí tài lắp trên máy bay, trong đó đặc biệt là hệ thống radar.

Lầu Năm góc đang nghi ngờ về vòng đời sử dụng của các thành phần linh kiện sử dụng trên máy bay F-35. Chuyên gia quân sự Mỹ tính toán, với mức độ sử dụng hiện tại, radar trên máy bay F-35 chỉ sử dụng được 5.000 giờ, nhưng theo công bố của nhà sản xuất là Lockheed Martin, con số này là 10.000 giờ. Nếu vấn đề trên được xác thực khi truy xuất thông tin từ FRACAS, thì chi phí sử dụng máy bay F-35 sẽ bị đội lên do phát sinh các từ đợt sửa chữa, phụ tùng và bảo dưỡng.

 Dù đã chuyển giao cho Quân đội Mỹ, nhưng các máy bay F-35 vẫn mang nhiều lỗi cần khắc phục.

Dù đã chuyển giao cho Quân đội Mỹ, nhưng các máy bay F-35 vẫn mang nhiều lỗi cần khắc phục.

Tuy nhiên, Lockheed Martin từ chối cho Lầu Năm góc được tiếp cận thông tin của FRACAS do coi đây là tài sản trí tuệ của tập đoàn. Trong khi đó, Quân đội Mỹ cho rằng, Lockheed Martin chỉ sở hữu quyền được lắp ráp và chuyển giao máy bay.

Trong tháng 3-2020, hãng chế tạo Lockheed Martin đã bàn giao chiếc F-35 thứ 500 cho khách hàng và cam kết sẽ duy trì năng suất 180 máy bay/năm

Chương trình JSF hay F-35 Lightning II được Lockheed Martin và các quốc gia đồng minh của Mỹ khởi động phát triển từ năm 2001. Dòng máy bay thế hệ thứ 5 này có 3 phiên bản chính: F-35A cho không quân, F-35B cho thủy quân lục chiến và F-35C cho hải quân. Sự tương đồng của 3 biến thế này đạt khoảng 70-90% tùy cấu hình.

F-35 đang nhận nhiều lời chỉ trích vì bội chi ngân sách và các phiên bản của máy bay không đạt được tính năng như kỳ vọng thiết kế. Giới chuyên gia đánh giá, tổng chi phí của chương trình máy bay F-35, bao gồm cả chi phí dịch vụ duy trì hoạt động của dòng máy bay thế hệ 5 trong 55 năm tới, ở thời điểm hiện tại đã chạm mốc 1.500 tỷ USD. Con số này còn có thể tăng thêm, nếu số lượng máy bay F-35 Mỹ và các quốc gia đặt mua tiếp tục giảm.

F-35 sẽ là dòng máy bay chiến đấu chủ lực của Mỹ và đồng minh trong nhiều thập kỷ tới.

Được thiết kế với nhiều tính năng tân tiến, trong đó có khả năng tàng hình và có đủ các phiên bản cho hải-lục-không quân, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến chi ra 392 tỷ USD để mua 2.442 máy bay F-35 (mức giá dự kiến mỗi máy bay là 160 triệu USD, bao gồm máy bay và dịch vụ kèm theo). Trong biên chế Không quân Mỹ, F-35 sẽ thay thế nhiệm vụ của các máy bay F-16 và A-10 với vai trò dòng máy bay chiến đấu đa năng.

Cùng với Mỹ, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng để mắt tới máy bay F-35. Tuy nhiên, tùy nhu cầu khác nhau, các quốc gia có thể đặt mua phiên bản và cấu hình F-35 khác nhau để giảm giá thành đặt mua.

TUẤN SƠN (theo Janes)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/lau-nam-goc-va-lockheed-martin-bat-dong-vi-f-35-612256