Lầu Năm Góc ngược chiều trừng phạt, muốn hợp tác Trung Quốc

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ muốn có mối quan hệ quân sự tốt với Trung Quốc bất chấp trừng phạt thương mại.

Reuters ngày 24/9 dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc hối thúc duy trì quan hệ với Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự.

Ngỏ lời hợp tác quân sự với Trung Quốc ngay sau đòn trừng phạt, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis muốn gì?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố: "Chúng tôi tin rằng Mỹ cần phải duy trì quan hệ với Trung Quốc. Ngoại trưởng Pompeo và tôi đều nhất trí với điều này. Do đó, chúng tôi đang vạch ra con đường phía trước ngay từ bây giờ".

Lời khẳng định của ông Mattis đưa ra sau khi Trung Quốc hủy cuộc đàm phán quân sự song phương dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh vào tuần tới để phản đối việc Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với Cục Phát triển Thiết bị (EDD) thuộc Quân đội Trung Quốc vì đã mua thiết bị quân sự của Nga.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng hủy kế hoạch thăm Mỹ của Tư lệnh hải quân Thẩm Kim Long, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh có quyền đáp trả mạnh mẽ hơn nữa.

Phản ứng có phần dịu giọng hơn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra giữa lúc Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra cuộc đối đầu thương mại.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới leo thang dữ dội khi quyết định của Mỹ về việc áp thuế 10% đối với 200 tỉ USD (4,66 triệu tỉ đồng) hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực vào hôm qua. Theo CNN, chính sách thuế mới liên quan rất nhiều mặt hàng của Trung Quốc, từ gia vị thực phẩm cho đến găng tay bóng chày, thiết bị điện tử, đồ nội thất và phụ kiện máy móc công nghiệp. Chưa hết, mức thuế sẽ tăng lên 25% vào cuối năm nay.

Cùng ngày, Trung Quốc cũng chính thức áp thuế 5 - 10% đối với 60 tỉ USD hàng hóa từ Mỹ, gồm khoảng 5.200 mặt hàng.

Trước đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp thuế lên 50 tỉ USD hàng hóa của nhau.

Căng thẳng dự báo sẽ còn tiếp diễn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ áp thuế đối với thêm 267 tỉ USD giá trị hàng hóa từ Trung Quốc nếu đối phương không thay đổi chính sách để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại và việc các công ty nước này “đánh cắp công nghệ Mỹ”.

Giới quan sát cho rằng, nếu tiếp tục cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh sẽ chẳng còn "ngón đòn" nào để đấu lại với Mỹ. Đặc biệt, họ cũng chú ý với mục đích Washington bày ra cuộc chiến thương mại để có được đàm phán song phương theo hướng có lợi hơn cho nước Mỹ. Tuy nhiên, việc khởi động vòng đàm phán thương mại lại đang bị chính Mỹ làm chậm trễ.

Washington không những gia tăng đòn trừng phạt thương mại mà còn mở rộng lĩnh vực trừng phạt từ thương mại sang quân sự.

Nội dung trừng phạt bao gồm: Từ chối phê chuẩn giấy phép xuất khẩu của EDD; cấm EDD tiến hành mọi giao dịch ngoại hối trong phạm vi quản hạt của nước Mỹ hoặc sử dụng hệ thống ngân hàng của Mỹ và phong tỏa mọi tài sản và lợi ích của EDD trong phạm vi kiểm soát của nước Mỹ.

Sự trừng phạt đối với Trung tướng Lý Thượng Phúc, Chủ nhiệm Bộ Phát triển trang bị Quân ủy bao gồm: Cấm ông này sử dụng hệ thống ngân hàng của Mỹ và tiến hành giao dịch ngoại hối, phong tỏa mọi tài sản và lợi ích của ông trong phạm vi khống chế của Mỹ, cấm cấp visa nhập cảnh Mỹ cho ông Lý.

Động thái này của Mỹ đã gây sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc. Ngày 21/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu kiến Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc để phản đối.

Việc trừng phạt quân đội Trung Quốc còn là lời cảnh báo của Mỹ đối với Nga trong các thương vụ vũ khí với Trung Quốc. Điều này được đích thân một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, hành động này của Mỹ là nhằm trừng phạt Nga, không nhằm vào Trung Quốc và quân đội Trung Quốc.

Tuy nhiên, ý đồ thực sự phía sau phản ứng của Washington có thể không thực sự nhằm vào trừng phạt Nga. Mục tiêu của Washington là ngăn cản ý tưởng hợp tác quân sự của Bắc Kinh và Moscow. Thay vào đó, sau trừng phạt, Mỹ đã tìm cách mở cánh cửa hợp tác quân sự với Trung Quốc.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/lau-nam-goc-nguoc-chieu-trung-phat-muon-hop-tac-trung-quoc-3366117/