Lầu Năm Góc ép Châu Âu mua 'sát thủ tàu ngầm Nga'

Airbus và Boeing xung đột lợi ích trong việc chào bán máy bay chống ngầm...

Xin giới thiệu tiếp một bài về vũ khí- trang bị kỹ thuật quân sự các nước với tiêu đề và phụ đề trên của chuyên gia quân sự, nguyên kỹ sư chính Phòng Thiết kế Tên lửa TSIMASH Vladimir Tuchkov. Bài đăng trên báo “Svobodnaia Pressa”ngày 11/6/2021:

Máy bay trinh sát P-8 “Poseidon” Anh mua của công ty Mỹ Boeing (Ảnh: Andrew Milligan / PA Wire / PA Images / TASS)

Máy bay trinh sát P-8 “Poseidon” Anh mua của công ty Mỹ Boeing (Ảnh: Andrew Milligan / PA Wire / PA Images / TASS)

Cơn sốt chống Nga ở Bắc Âu đã nóng đến mức mà chỉ để đối phó với một mối đe dọa tưởng tượng, chính phủ những nước ở khu vực này sẵn sàng chi ra những khoản tiền khổng lồ. Và làm như vậy thì chỉ có lợi cho Mỹ, vì góp phần làm giàu cho các công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Nói chi tiết hơn: Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace vừa tuyên bố rằng "các tàu ngầm Nga đang lượn lờ dọc theo toàn bộ bờ biển nước Anh". Và ông chỉ ra rằng rất có thể sẽ xảy ra một cuộc chiến ngầm, nếu NATO bị đặt trong tình trạng chiến tranh với Nga.

Còn ở Na Uy và Thụy Điển, có thể nói là “công cuộc” sục sạo tìm tàu ngầm Nga đã trở thành “sự nghiệp toàn dân”.

Trong thời kỳ hoang tưởng lên đến đỉnh cao, hàng trăm "nhân chứng" đã làm nóng rực điện thoại của bộ quốc phòng hai nước nói trên và làm quá tải máy chủ bằng những tin nhắn và thông báo về các địa điểm mới phát hiện được tàu ngầm của đối phương (Nga).

Giai đoạn cao trào là lần báo động chiến đấu vào năm ngoái, khi có gần một nửa số tàu chiến của Thụy Điển đã được huy động để đánh chặn một chiếc tàu ngầm được cho là chắc chắn đã bị các radar và hệ thống trinh sát điện tử phát hiện.

Tuy nhiên, đã không phát hiện ra một chiếc tàu ngầm nào, thay vào đó- các thủy thủ tàu chiến Thụy Điển tìm thấy một chiếc phao thủy âm hỏng do máy bay chống ngầm Mỹ thả xuống- tuy phao này đã hỏng nhưng thiết bị truyền phát của nó vẫn đang làm việc.

Lối thoát ra khỏi tình trạng nguy hiểm tự nghĩ ra này vừa được ngài Tiến sĩ Khoa học Chính trị của Đại học Georgetown Lauren Thompson đề xuẩt trên tạp chí Forbes.

Ông này cho rằng tuy Nga đã cắt giảm mạnh chi tiêu cho Hải quân, nhưng nguyên tắc “ thắt lưng buộc bụng” này lại không hề áp dụng cho hạm đội tàu ngầm, mà ngược lại, lực lượng tàu ngầm Nga đang nhận được quan tâm đặc biệt để phát triển.

Chính vì vậy, người dân châu Âu cần phải biết sợ các cuộc tấn công từ các tàu ngầm hạt nhân Nga được trang bị cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Hơn nữa, trong số những tên lửa hành trình này còn có cả các tên lửa siêu thanh.

Vì vậy, theo lập luận của ông Lauren Thompson, cần phải thiết lập sự kiểm soát chặt chẽ đối với những tàu ngầm Nga bằng các máy bay chống ngầm.

Khi bay tuần tiễu trên các khu vực biển, máy bay chống ngầm thả phao sonar để chúng ghi lại tiếng động do tàu ngầm phát ra, sau đó truyền những thông tin mà phao thủy âm nhận được về máy bay chống ngầm.

Khi xác định được vị trí của tàu ngầm đối phương, máy bay sẽ tấn công tàu ngầm bằng các bom sâu và ngư lôi.

Trong Chiến tranh Lạnh, lực lượng chủ chốt của không quân chống ngầm các nước Châu Âu là P-3 Orion của Mỹ. Nhưng cũng có những chiếc máy bay chống ngầm do chính họ thiết kế.

Ngài L. Thompson khẳng định rằng hiện nay tất cả những máy bay nói trên đều đã là đồ bỏ đi. “Orion” đã trở nên lạc hậu, ở nước Mỹ nó đang được thay thế dần bằng máy bay mới P-8 “Poseidon” cải hoán từ máy bay” Boeing-737”.

Trong khi đó, các nước Châu Âu thành viên NATO thậm chí còn chưa bắt đầu tiến trình chuyển đổi sang sủ dụng máy bay tuần tiễu mới.

Mới chỉ có hai quốc gia Châu Âu là Anh và Na Uy quyết định sử dụng kiểu máy bay thành phẩm Mỹ (P-8 “Poseidon”) để không phải bỏ tiền cho việc thiết kế một kiểu máy bay mới chung cho cả Châu Âu.

Có nghĩa là họ đã ký hợp đồng mua một số “Poseidon” của Boeing. Người Anh mua 10 chiếc, người Na Uy- mua 5 chiếc.

Có vẻ như quyết định trên là quyết định duy nhất đúng. Bởi vì “Poseidon” có những tính năng chống ngầm xuất sắc. Hơn nữa, nó còn được trang bị thiết bị để tiến hành các hoạt động trinh sát kỹ thuật vô tuyến.

Như người ta vẫn thường nói- đây là máy bay “hai trong một”. P-8 “Poseidon” được trang bị thiết bị điện tử rất mạnh- radar , hệ thống định vị quang học, tổ hợp trinh sát vô tuyến kỹ thuật, tổ hợp tác chiến điện tử.

Có tầm bay tuyệt vời cần thiết cho một máy bay tuần tiễu - bán kính tác chiến lên tới 3.700 km. Tải trọng hữu ích, trong đó có các phao thủy âm thụ động và chủ động, ngư lôi, bom, tên lửa chống hạm- lên tới 9 tấn.

Chưa hết, ngài Thompson còn nhấn mạnh thêm một ý quan trọng là chiếc máy bay này chỉ có giá rất mềm, chỉ 200 triệu USD. Quả thực là nó không quá đắt, bởi vì người Pháp còn ủ mưu bán được cho Ấn Độ máy bay tiêm kích Rafale cũng với đúng giá trên.

Mức giá tương đối thấp như vậy được giải thích là do sản xuất quy mô lớn. Kể từ năm 2012 đến nay, đã có hơn một trăm chiếc “Poseidon” được bàn giao, không chỉ cho Hải quân mà còn cả cho Không quân (Mỹ).

Tuy nhiên, trừ người Anh và người Na Uy, những người Châu Âu còn lại vẫn đang đắn đo trong việc có nên mua “Poseidon” Mỹ hay không. Hơn nữa, những người đó thậm chí còn hành động trong một liên minh thống nhất "chống Mỹ", cụ thể là Liên minh Châu Âu vừa mở gói thầu mua máy bay chống ngầm. Ngài Thompson là một người yêu nước Mỹ, nên tất nhiên sẽ không nghi ngờ gì về việc máy bay chống ngầm Mỹ sẽ thắng trong cuộc đấu thầu này. Tuy nhiên, mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Máy bay tuần tiễu ATR 72MP

Vì P-8 “Poseidon” Mỹ dù sao cũng có các đối thủ cạnh tranh, dù số lượng không nhiều. Từ năm 2016, Pháp không chỉ khai thác mà còn bán máy bay tuần tiễu ATR 72MP.

Chúng có cự ly bay ngắn hơn (so với “Poseidon”) - 1.500 km. Nhưng đối với các nước Châu Âu thì tầm bay như thế là quá đủ, vì họ không có ý định “lướt sóng trên khắp Đại dương Thế giới”. Các trang thiết bị trên máy bay do công ty rất danh tiếng Leonardo Finmeccanica chế tạo.

Vì vậy, có thể hoàn toàn không nghi ngờ rằng ATR-72MP không hề kém người Mỹ (P-8 “Poseidon”).

Trên máy bay cũng có cùng cơ số trang thiết bị điện tử hàng không chuyên dụng như “người Mỹ”- radar, thiết bị trinh sát vô tuyến kỹ thuật, tổ hợp tác chiến điện tử, thiết bị định vị quang học. Có cả các phương tiện tấn công (vũ khí) treo dưới cánh và trong các khoang bên trong máy bay.

Nói cho đúng, máy bay Pháp hiện chưa có phao thủy âm. Theo dõi tàu ngầm đối phương bằng thiết bị phát hiện những bất thường từ tính. Phương pháp này, tất nhiên, không hiệu quả lắm.

Tuy nhiên, hiện chiếc máy bay này đang được hoàn thiện những khâu cuối cùng để lắp các thiết bị phục vụ hoạt động của phao thủy âm. Trong khi điều kiện của cuộc đấu thầu này cho phép cả những chiếc máy bay triển vọng nhưng sẽ được chế tạo xong trong tương lai gần tham gia.

Và chúng ta có đủ cơ sở để cho rằng ATR 72MP sẽ có mức giá thấp hơn “Poseidon,” vì nó được phát triển từ máy bay động cơ tua bin cánh quạt cự ly bay trung bình.

Còn công ty Thụy Điển Saab chào hàng kiểu máy bay chống ngầm đã hoàn chỉnh – nó được phát triển từ mẫu máy bay phản lực thương mại tầm xa Bombardier Global 6000 của Canada và có cự ly bay thực tế vượt quá 9000 km.

Chiếc máy bay này có bộ thiết bị hoàn chỉnh cần thiết cho việc dục sao- tìm kiếm và tiêu diệt tàu ngầm cũng như tiến hành trinh sát vô tuyến kỹ thuật. Được trang bị sáu ngư lôi hoặc bốn tên lửa chống hạm, tất cả đều là do Châu Âu tự thiết kế- sản xuất.

Hoàn toàn có thể tin rằng những khả năng của máy bay chống ngầm Thụy Điển không thua kém các khả năng của máy bay chống ngầm Mỹ. Trong khi giá lại rẻ hơn nhiều- tới 30%.

Và “ứng cử viên” cuối cùng, - đó chiếc máy bay tua bin cánh quạt C295 MRA do chi nhánh quân sự của Tập đoàn Airbus sản xuất từ cách đây 10 năm tại một nhà máy ở Tây Ban Nha.

Nó có một số lợi thế không thể tranh cãi khi tham gia đấu thầu , trong đó việc chi phí cho mỗi giờ bay là thấp nhất so với các đối thủ cạnh tranh. Và cũng có thời gian ngắn kỷ lục tính từ khi ký hợp đồng đến khi bàn giao máy bay đặt mua. Tải trọng hữu ích của nó cũng tới 9 tấn. Thời gian bay tuần tra là 11 giờ, tầm bay- 5.000 km.

Cho đến thời gian gần đây, C295 MRA đã được nhiều nước Châu Phi và Châu Mỹ Latinh đặt mua. Cũng cách đây không lâu, tảng băng tại Châu Âu cũng đã nhúc nhích- Ireland đã đặt mua một lô với giá 110 triệu euro mỗi chiếc.

Như chúng ta đã thấy, người Mỹ sẽ không dễ áp đặt "Poseidon" của mình cho tất cả người Châu Âu, bởi vì họ có cái gì đấy để lựa chọn.

Và là một sự lựa chọn không hề tồi. Nhưng Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ, tất nhiên, sẽ “nỗ lực hết sức mình” để trói tay các đối tác. Mặc dù có thể nói là Mỹ không có công cụ gì quá đặc biệt để ép Đức và Pháp.

Vâng, còn các nước Baltích thì đơn giản là họ không có tiền để mua những chiếc máy bay đắt đỏ như vậy.

Chính vì vậy, kỳ vọng của Lauren Thompson vào một thành công thương mại vĩ đại tạo ra hàng nghìn việc làm tại Mỹ, có lẽ là khó trở thành hiện thực.

Nhưng hoàn toàn có thể hiểu được những tình cảm yêu nước của ông. Vấn đề là ở chỗ Hải quân Hoa Kỳ đã kết thúc các hợp đồng mua “Poseidons”.

Và điều này có nghĩa là các nhà máy sản xuất những chiếc máy bay này sẽ sớm đóng cửa. Và đến lúc đó thì sẽ không thể khôi phục lại chúng, bởi vì hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn công nhân bị sa thải khỏi những nhà máy nói trên sẽ tứ tán trên khắp đất nước để tìm kiếm thu nhập.

Nhưng điều quan trọng nhất- lợi nhuận của Boeing sẽ sút giảm. Và đây chính là điều mà vị tiến sỹ khoa học chính trị Mỹ nói trên không thích nhất.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/lau-nam-goc-ep-chau-au-mua-sat-thu-tau-ngam-nga-3433739/