Lâu đài của tình yêu thương

Có một bộ phim hoạt hình mà tôi xem đi xem lại nhiều lần không biết chán. Và mỗi lần xem lại, lòng tôi vẫn tràn ngập ký ức, nhớ về mẹ tôi và những món mẹ nấu cho anh chị em tôi ăn những năm đói rét trong những mùa đông miền Bắc thuở tôi còn ấu thơ.

Có những món ăn từ nguyên liêu giản đơn nhưng đã theo ta đi suốt cuộc đời Ảnh: Phim “Chuột đầu bếp” Minh họa: Vi Anh

Có những món ăn từ nguyên liêu giản đơn nhưng đã theo ta đi suốt cuộc đời Ảnh: Phim “Chuột đầu bếp” Minh họa: Vi Anh

Bộ phim nói về một chú chuột nấu ăn tên là Remy trong nhà hàng Gusteau của Paris. Khi nghe tin nhà hàng đang xuống dốc bỗng đông khách nườm nượp bởi sự khởi sắc của những món ăn tuyệt vời, một nhà phê bình ẩm thực lừng danh và vô cùng khó tính của nước Pháp đã tìm đến. Nếu nhà phê bình ẩm thực này chê một câu thì mọi nhà hàng coi như sụp đổ và nhà hàng nào may mắn được ông khen một câu thì giống như được Chúa ban phước. Khi nghe tin nhà phê bình ẩm thực sẽ đến, tất cả nhân viên nhà hàng rơi vào hoảng hốt. Người ta không biết sẽ phải nấu món gì để có thể có thể vượt qua được sự khắt khe và khó tính của nhà phê bình ẩm thực này. Nhà hàng đã họp bàn cả mấy ngày mà không đi tới được quyết định. Cuối cùng, chú chuột Remy đã giúp chàng đầu bếp trẻ vượt qua thách thức vô cùng to lớn này và thành công mỹ mãn. Khi nhà phê bình ăn miếng đầu tiên của món ăn mà nhà hàng mang tới cho ông, cây bút ông đang cầm trên tay rơi xuống nền nhà. Nhà phê bình lặng người đi và ông đã khóc. Chuyện gì đã xảy ra. Món ăn đó là món ăn gì mà có sức mạnh khủng khiếp đến vậy.

*

Xin thưa, đó là món rau dại hầm. Khi ăn miếng rau dại hầm của nhà hàng, hương vị của món ăn tưởng như chẳng có một chút ý vị đã đưa nhà phê bình ẩm thực trở về những năm tháng ấu thơ của ông. Đó là những năm tháng đói rét của nước Pháp, một cậu bé gầy còm, đói rét đã đợi mẹ từ cánh đồng băng giá trở về trong hoàng hôn và nấu cho cậu ăn món rau dại bà kiếm được trên cánh đồng. Cậu bé ấy chính là nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng sau này. Và đó là món ăn ngon nhất trong những ngày ấu thơ của cậu trong mùa đông nước Pháp. Hương vị món ăn đó đã theo cậu bé suốt đời cùng hình ảnh yêu thương của người mẹ. Bộ phim hoạt hình cho trẻ em lại ám ảnh tôi. Câu chuyện không ám ảnh tôi bởi hương vị của món rau hầm vì sự thật là tôi chưa bao giờ ăn món rau dại hầm ấy. Cũng không phải vì chi tiết con chuột giúp chàng đầu bếp trẻ nấu món ăn ấy. Tôi bị ám ảnh bởi mỗi khi xem bộ phim đó tôi lại nhớ về mẹ tôi và những món mẹ nấu cho anh chị em tôi ăn những năm đói rét trong những mùa đông miền Bắc thuở tôi còn ấu thơ.

*

Đó là những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tôi sống ở làng quê. Và ở thôn quê những năm tháng đó, bếp lại là nơi để lại trong tôi nhiều ký ức nhất, đặc biệt là vào những mùa đông. Sau này, khi gia đình tôi làm lại nhà ở quê, tôi đã phải mất nhiều đêm dày vò để quyết định bỏ cái bếp cũ đi. Nhưng bây giờ mỗi bận về quê, tôi vẫn đứng trong căn bếp mới nhiều tiện nghi và hương vị cùng những hình ảnh thuở xưa lại trở về trong ký ức tôi da diết và ấm áp hơn bao giờ hết. Lúc đó, tôi nhớ mẹ như chưa bao giờ nhớ hơn thế. Tôi muôn trở về ấu thơ cho dù đói rét để ngày ngày được đợi mẹ từ cánh đồng trở về nấu cho chúng tôi ăn những món của mẹ với tình yêu thương trùm phủ ngôi nhà chúng tôi.

Trong căn bếp của mẹ tôi những năm tháng ấy lúc nào cũng có một cái bồ nứa đựng muối, một bồ lá vối khô, một lọ mắm tôm, một vại cà muối ăn quanh năm. Trong góc bếp là rơm, rạ hoặc củi tre để đun nấu và lúc nào cũng có một góc để trấu. Vào những ngày mùa đông, gia đình tôi ăn cơm trong bếp cho đỡ lạnh. Đó là những năm tháng thực phẩm vô cùng khan hiếm. Suốt cả năm mẹ tôi chỉ mua thịt vào những ngày quan trọng như rằm, Tết và những ngày gia đình có giỗ. Thực phẩm gia đình chúng tôi dùng hàng ngày chủ yếu là cá cua, tôm ốc mẹ bắt trong khi đi làm đồng. Ngày ấy, thôn quê cá cua nhiều vô kể. Nhiều hôm, chị em tôi chỉ giúp mẹ nấu nồi cơm còn thức ăn thì chờ mẹ kiếm được thứ gì đó từ đồng về thì ăn cái đó.

Tôi nhớ có những buổi trưa mẹ đi làm về muộn, anh chị em chúng tôi ngồi trong bếp chờ mẹ. Rồi mẹ về mang theo những con cá diếc, cá rô mẹ bắt được trong những vũng nước còn trong ruộng lúa hay ở những khúc mương cạn. Mẹ nướng những con cá bắt được ngoài đồng về rồi gỡ ra cho vào một bát tương đập thêm một nhánh gừng đào ngoài góc vườn. Còn đầu và xương cá mẹ giã như giã cua, lọc nước và nấu với bất cứ thứ rau gì có trong vườn lúc đó. Thế là một bữa ăn ngon lành được dọn ra mà cho tới tận bây giờ tôi chẳng thể nào quên được.

Những năm tháng ấy, bữa ăn chỉ cần có cơm cho dù độn đủ thứ như ngô xay, sắn, khoai tươi hoặc khô, củ dong riềng mà chúng tôi thường gọi là khoai mán…và một món mặn là chúng tôi đã có một bữa ăn. Có những món ăn mẹ nấu mà bây giờ tôi nói lại cũng ít người biết như cua đồng nấu khoai lang, khoai tây kho cá hay món cà kho mỡ. Vào tháng Tư hàng năm, mẹ tôi cũng như hầu hết những người làng đi chợ Lai (thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Tây cũ) bên kia sông mua một gánh cà về muối để ăn cả năm. Lúc nào mẹ cũng mua một thúng cà pháo (loại cà nhỏ) như người ta vẫn muối bây giờ và một thúng cà bát (loại cà to mà ngày nay người ta ít muối mà thường để nấu canh cà với thịt ba chỉ và đậu phụ). Có những ngày chẳng bắt được cá cua thì mẹ lấy những quả cà bát muối bóp cho hết hạt, ngâm với nước vo gạo cho bớt mặn, thái miếng nhỏ rồi kho với mỡ lợn. Những miếng cà muối kho mỡ lợn ngon hơn ăn thịt bây giờ.

*

Bây giờ, thi thoảng tôi vẫn nấu lại những món ăn mẹ nấu cho anh chị em tôi ăn thuở xưa. Những món ăn đó vừa chứa biết bao ký ức của tôi về mẹ nhưng thú thực đó cũng là món ăn rất ngon như canh cua nấu bầu, hến nấu lá dâu non, cá quấn rơm với chuối xanh, cà muối hay khoai tây… Quê tôi có sông Đáy chảy qua và nổi tiếng là con sông nhiều hến nhất ở phía Bắc. Thường vào các buổi trưa mùa hạ mẹ thường ra sông bắt hến. Hến đã nuôi sống những người làng tôi suốt nhiều năm tháng. Mẹ quả là một đầu bếp vĩ đại nhất. Cho đến tận bây giờ, tôi chẳng thấy ai nấu ngon hơn mẹ. Mẹ nấu hến với hoa bí, nụ mướp, nấu với bầu hoặc bí non, nấu với lá dâu nuôi tằm, rau dền trứng mọc hoang, nấu với rau tầm bóp mọc đầy bờ sông. Có những ngày nhà không còn gạo, mẹ nấu cháo khoai lang với hến. Anh chị em tôi quây quanh mẹ để chờ ăn cháo khoai nấu hến. Có lẽ, cháo khoai lang nấu hến chỉ người làng Chùa tôi mới có và mẹ tôi là người nấu món cháo này ngon nhất. Nhưng có những tháng nhà chỉ có cháo khoai. Khi chúng tôi xì xụp cháo khoai trong bếp thì mẹ ra sau bếp đứng khóc. Mẹ thương những đứa con thơ dại của mẹ phải sống trong đói rét.

Bây giờ, thi thoảng tôi cũng nấu lại một vài món mà mẹ tôi nấu thuở xưa. Mỗi lần dọn những món ăn như thế lên, tôi lại nói cho các con tôi nghe về bà nội của chúng. Ngày ấy, mẹ bận tối mắt tối mũi suốt ngày đến khuya, nhưng lúc nào mẹ cũng tìm mọi cách để có đủ gạo, ngô, khoai và thực thẩm nuôi một đàn con nhỏ của mình. Nếu trong vườn có cây đu đủ nào không còn ra quả được nữa, mẹ róc bỏ vỏ thân đu đủ để lấy phần bên trong, thái mỏng phơi khô treo trên gác bếp. Khi nào thiếu rau thì mẹ mang ruột cây đu đủ phơi khô ra xào hoặc kho cá.

Vào tháng Sáu, nước ruộng nóng, cua ngoi lên bám kín những khóm lúa hoặc các mép bờ cỏ để tránh nước ruộng quá nóng. Những buổi trưa như thế, mẹ mang những chiếc thùng ra ruộng bắt cua. Cua hồi đó nhiều không kể xiết. Vì thế mẹ phải mất cả buổi chiều để chế biến món cua để cất giữ được lâu. Mẹ tôi muối cua, làm mắm cua. Mẹ cất những lọ cua muối, mắm cua trong góc bếp. Hơi lửa sẽ làm cho những món này ngấu hơn và chống ruồi muối. Đến mùa đông, thực phẩm khan hiếm thì mẹ lấy những con cua muối giã ra và nấu với rau tập tàng quanh vườn, bờ ao hoặc ngoài cánh đồng như rau chân vịt, rau muối, rau khúc tần, rau đồng tiền, rau ngải trắng, rau bợ, rau sam, rau rền trứng, rau càng cua, lá dâu tằm, lá vông, rau tầm bóp… Những món canh đó là những món ăn đi theo tôi cả đời bởi hương vị đậm đà và bởi hình ảnh của mẹ. Thời đó, làng quê nào cũng mọc tràn những loại rau dại như thế. Bây giờ, do môi trường bị nhiễm độc nhiều tôm cua và các loại rau như vậy chẳng còn nữa. Vào mùa hạ, hôm nào trời có mưa là hôm đó lũ trẻ chúng tôi sẽ được ăn món châu chấu. Vì mưa nên châu chấu khó bay. Mẹ tranh thủ bắt châu chấu để chiều về vặt cánh, rút đầu châu chấu và rang với nước cà muối cùng lá chanh làm thức ăn chính cho các con.

Khi những cơn gió lạnh đầu tiên của mùa đông tràn về, anh chị em tôi vô cùng thích thú vì sẽ được ngủ dưới bếp. Mẹ lấy rơm làm thành chiếc nệm rơm dày và ấm, trải chiếu lên trên cho các con ngủ cho đỡ lạnh. Vào mùa khoai, trước khi đi ngủ, mẹ hầm một nồi khoai để cho chúng tôi ăn khi thức dậy rồi đến trường. Mẹ cho khoai vào một chiếc nồi gang, đốt rơm xung quanh rồi rắc trấu và ủ kín tro. Nhiều đêm, chúng tôi bị đánh thức bởi mùi khoai lang hầm thơm ngọt. Có đêm vì đói, chúng tôi thức giấc đòi mẹ cho ăn khoai hầm rồi mới chịu ngủ tiếp. Ăn món khoai hầm vào lúc đói giữa đêm đông rồi được nằm ngủ bên cạnh mẹ, chúng tôi đã ngủ những giấc ngủ ngập tràn hạnh phúc và thanh bình.

*

Bất kỳ đứa trẻ nào lớn lên thành người cũng ăn những món ăn của mẹ cho dù ở thời đại nào và trong hoàn cảnh nào. Và ai cũng mang theo mình ký ức về những món ăn mẹ nấu. Nhưng những năm tháng xưa, những năm tháng của đói rét thì những món ăn của mẹ đã trở thành sự thiêng liêng và đôi khi một căn bếp chật chội, đầy rơm rạ, tro trấu cũng trở thành lâu đài của tình yêu thương vô tận.

Bộ phim hoạt hình cho trẻ em ám ảnh tôi. Câu chuyện không ám ảnh tôi bởi hương vị của món rau hầm vì sự thật là tôi chưa bao giờ ăn món rau dại hầm ấy”.

Nguyễn Quang Thiều

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/lau-dai-cua-tinh-yeu-thuong-20200114100510423.htm