'Lẩu âm nhạc' - nguy hại cho âm nhạc

Gần đây, giới âm nhạc liên tiếp được thưởng thức những MV dành cho giới trẻ được cho là có nhiều nét sáng tạo khi kết hợp giữa truyền thống với đương đại.

Ảnh Internet

Cũng không thể phủ nhận sự kết hợp khá ăn ý này của một số MV mà tiêu biểu như MV “Để Mị nói cho mà nghe”. Thế nhưng lại không khỏi thất vọng với những MV như kiểu “Chân ái” vừa mới được giới thiệu tới công chúng. Khoan bàn đến những lùm xùm về đạo nhái hay PR “đen”, sự thất vọng ở “Chân ái” còn là những yếu tố lạ được tạo ra từ sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại theo kiểu hỗn độn giống như... lẩu âm nhạc vậy.

Ở “Chân ái” có một không gian hát bội Việt Nam cộng với trang phục và cách hóa trang theo kiểu kinh kịch Trung Quốc, rồi hòa vào đó là kiểu cách vẽ mặt của kịch Kabuki Nhật Bản. Chủ ý kết hợp những yếu tố kịch hát dân tộc đa quốc gia được ê-kíp sáng tạo đưa ra là mong muốn chúng ăn khớp với cảm giác ma mị của câu chuyện được kể cho “Chân ái”. Thế nhưng, với những người am hiểu về kịch hát dân tộc đều thấy rõ ràng mong muốn ấy chưa khi nào đạt được, trái lại chỉ thấy sự lủng củng, rời rạc. Đã thế, các nhân vật được tạo hình giống mỗi phương một tí nên mất hẳn sức cuốn hút và chẳng thể gọi tên.

Ấy thế mà, theo như lý giải của chính giám đốc sáng tạo “Chân ái” – Denis Đặng, những yếu tố Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam xuất hiện ở MV này vốn được sắp sẵn từ trong ý tưởng. Vì sao à? Vì anh chàng này “muốn sáng tạo một thế giới riêng, ở đó, có thể “mix”, “trộn lẫn” các nền văn hóa lại với nhau, nhưng nhìn ở đâu đấy thì vẫn thấy được sự tách biệt”.

Phải nói là Denis đã rất thẳng thắn... ngụy biện cho một sản phẩm sáng tạo quá tồi của mình khi “Chân ái” chỉ có thể là một nồi lẩu... âm nhạc đúng nghĩa. Thế nhưng, tiếc thay, những lời “lòe” bịp của anh chàng vẫn được giới trẻ Việt Nam cổ súy để “Chân ái” đạt đến hàng chục triệu lượt nghe. Mà cũng từ thực tế này khiến chúng ta không thể không e ngại, băn khoăn về khả năng cảm thụ âm nhạc truyền thống cũng như các loại hình kịch hát dân tộc của thế hệ trẻ hôm nay.

Có kỳ lạ không khi mỗi đêm sáng đèn của sân khấu kịch hát chỉ còn lơ thơ mái đầu bạc, vắng bặt mái đầu xanh đến thưởng thức thế mà bỗng dưng có một MV chứa vài vũ điệu, vài cách hóa trang từa tựa hát bội... xuất hiện là họ sẵn sàng lắc lư rằng hay, rằng lạ, rằng sáng tạo, rằng là đậm chất dân tộc...? Thực là, nếu cứ thưởng thức âm nhạc với một vốn kiến thức rỗng tuếch như thế chẳng phải sẽ tiếp tục “tạo đà” cho một loạt những MV kiểu lẩu âm nhạc trá hình như “Chân ái” xuất hiện thì thật nguy hại cho đời sống âm nhạc nước nhà biết nhường nào!

Hà Thái

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/lau-am-nhac-nguy-hai-cho-am-nhac-4068731-b.html