Lật tẩy thủ đoạn tội phạm xuyên biên giới - Bài 2: Nhức nhối nạn mua bán người

'Trong một vụ án mua bán người gần đây, lực lượng chức năng bắt giữ được 3 đối tượng. Sau khi đấu tranh khai thác, chúng tôi thật sự bất ngờ và chua xót khi biết tin trong vụ án này chính mẹ đẻ đã bán con gái của mình'. Đây là chia sẻ của Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng Chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm - Bộ đội biên phòng khiến chúng tôi thấy bàng hoàng.

Lực lượng Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn) lấy lời khai của đối tượng. Ảnh: TTXVN

Lực lượng Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn) lấy lời khai của đối tượng. Ảnh: TTXVN

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Để bóc gỡ các đường dây mua bán người, đưa những kẻ cầm đầu đường dây ra ánh sáng, lực lượng biên phòng bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ nắm rõ tình hình, trao đổi thông tin, điều tra, xác minh, khai thác nạn nhân sau khi được giải cứu để tiếp nhận, phá án. Tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh, đấu tranh triệt phá các đường dây tội phạm mua bán người.

Trong những năm qua, tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức như: Tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi… Nạn nhân của các vụ mua bán người thường chủ yếu làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê… Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những năm trước đây mà đối tượng của loại tội phạm này hướng tới còn cả nam giới và trẻ sơ sinh.

Theo Đại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP - BĐBP), hoạt động của tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, trọng điểm là tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và các tỉnh Tây Nam Bộ.

Các đối tượng cư trú trong nội địa câu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới và đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài, tạo thành đường dây khép kín để tuyển mộ, vận chuyển nạn nhân đưa ra nước ngoài bán; đối tượng bị lừa bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là phụ nữ có thai...

Qua theo dõi, lực lượng biên phòng còn phát hiện thủ đoạn nham hiểm của các đối tượng, đó là lừa, cưỡng ép số lao động nam đưa xuống các tàu cá để ép lao động trên biển. Đặc biệt có những trường hợp đối tượng lừa đưa nạn nhân sử dụng ma túy sau đó khống chế ép nạn nhân thực hiện hành vi mua bán người. Sau khi phát hiện những thủ đoạn này, BĐBP đã lập Chuyên án CM1220 do BĐBP Cà Mau chủ trì bắt một đối tượng, giải cứu một nạn nhân.

Theo lãnh đạo Cục PCMT&TP, đối tượng phạm tội mua bán người ở hầu hết các độ tuổi, số đối tượng có độ tuổi trên 30 tuổi chiếm đa số. Các đối tượng phạm tội mua bán người có trình độ văn hóa thấp, có nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau. Hầu hết là những đối tượng có kiến thức xã hội, am hiểu xã hội và thường là người thông thuộc các khu vực biên giới, cửa khẩu, đường tiểu ngạch, đồng thời am hiểu phong tục, tập quán của người dân…; đối tượng hoạt động băng nhóm, có tiền án, tiền sự.

Nhiều người đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp, sau đó quay về Việt Nam thăm thân lại cấu kết với các đối tượng khác để lừa các nạn nhân bán sang Trung Quốc, đặc biệt có cả người thân trong gia đình. Lợi dụng đặc điểm khó khăn kinh tế, thiếu việc làm ở nhiều địa phương, chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong xuất cảnh, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân…, các đối tượng mua bán người hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài bán vào các động mại dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức.

Sau khi thâm nhập các hội, nhóm “Cho nhận con nuôi”, “Hỗ trợ phụ nữ mang thai” trên mạng xã hội, trinh sát của Cục PCMT&TP - BĐBP nắm được hoạt động của một đường dây mua bán phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh từ Việt Nam sang Trung Quốc. Chuyên án mang bí số A321.2 ra đời.

Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng Chống mua bán người, Cục PCMT&TP - BĐBP cho biết, thủ đoạn của các đối tượng là tuyển mộ, lừa gạt phụ nữ có thai ngoài ý muốn hoặc có thai nhưng hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con để đưa sang Trung Quốc sinh, sau đó bán trẻ sơ sinh với vỏ bọc cho - nhận con nuôi (trẻ em là nam sẽ được 80-90 triệu đồng, trẻ em nữ sẽ được 50-60 triệu đồng). Trường hợp chưa kịp sang Trung Quốc mà sản phụ đã sinh con thì chúng đưa trẻ sơ sinh sang Trung Quốc bán.

Hơn 3 tháng triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ, qua nhiều địa bàn (Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng và Quảng Ninh), ngày 18/3/2021, tại biên giới thuộc Đồn Biên phòng Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, lực lượng đấu tranh chuyên án bắt quả tang 3 đối tượng; giải cứu 1 phụ nữ có thai và 1 trẻ sơ sinh 10 ngày tuổi. Mở rộng điều tra, lực lượng đấu tranh chuyên án đã phối hợp với Công an Hà Nội, BĐBP tỉnh Thái Bình bắt tiếp 2 đối tượng trong đường dây.

Theo các chiến sĩ biên phòng, nhiều chuyên án có cả những vụ việc hết sức đau lòng khi chính mẹ đẻ bán con ruột. Tháng 2/2020, qua công tác điều tra cơ bản về mua bán người tuyến trọng điểm: Các tỉnh miền Tây Nam Bộ - Hà Nội - các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc, trinh sát Phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP) nắm được thông tin nạn nhân L.H.Y, sinh năm 2004, trú tại thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu bị bán sang Trung Quốc vì mục đích kết hôn trái pháp luật từ tháng 5/2019 (khi bị bán, Y mới 15 tuổi). Cục đã điều tra, xác minh, phối hợp với “Tổ chức Trẻ em Rồng xanh” giải cứu nạn nhân Y tại tỉnh An Huy, Trung Quốc và chỉ đạo BĐBP tỉnh Bạc Liêu xác lập chuyên án BL321 để đấu tranh.

Qua 5 tháng triển khai điều tra, xác minh nhân thân, hoạt động của các đối tượng ở nhiều địa bàn (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bạc Liêu, Kiên Giang…), ngày 10/5/2021, BĐBP tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức phá án, bắt 3 đối tượng.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các đại biểu nhấn nút hiệu ứng cam kết đẩy mạnh việc phòng, chống mua bán người trong Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2020. Ảnh: TTXVN

Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh BĐBP cho rằng, cần đổi mới công tác giáo dục, truyền thông về tội phạm mua bán người với nội dung và hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tội phạm mua bán người. Tập trung tuyên truyền sâu rộng đến những đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài, các em gái chưa ngoan, có hoàn cảnh đặc biệt… không để họ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Đặc biệt, chú trọng tới việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật mới về tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Bộ chỉ huy BĐBP các địa phương tiếp tục chỉ đạo các đồn, trạm Biên phòng tổ chức tuyên truyền phòng, chống mua bán người. Các đơn vị cần có sự phối hợp với các Chi hội Phụ nữ xã, phường, thị trấn cử cán bộ xuống các bến tàu, thuyền, cụm tàu bè an toàn trên sông, vịnh để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân, từ đó, giúp quần chúng nhận rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng và tích cực tham gia tố giác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người.

Làm tốt công tác đấu tranh cơ bản, rà soát các đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người, bồi dưỡng cho nhân viên mạng lưới bí mật nắm các nguồn tin về cá nhân tổ chức đường dây ổ nhóm có dấu hiệu rủ rê, lôi kéo phụ nữ ra nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài bất hợp pháp hoặc đi làm những nghề có thu nhập cao.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo khẳng định, BĐBP sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai toàn diện với các nội dung như trao đổi thông tin tình hình, phối hợp thực hiện công tác nghiệp vụ, trong đó, chú trọng công tác vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người. Phối hợp tiến hành các kế hoạch nghiệp vụ; chủ động xác lập các chuyên án, vụ án đấu tranh; phối hợp xác minh, truy bắt các đối tượng phạm tội lẩn trốn tại địa bàn biên giới.

Ngành Công an tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người; rà soát, thống kê các đầu mối, đường dây nghi vấn hoạt động buôn bán người để tập trung xác minh, thu thập tài liệu, xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy BĐBP các địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác tuần tra, kiểm soát, trao đổi các thông tin về đường dây, các đầu mối nghi vấn, băng, ổ nhóm tội phạm mua bán người, nạn nhân bị mua bán để tiến hành kết hợp những tài liệu, chứng cứ thu thập được, xác lập chuyên án, đấu tranh truy bắt các đối tượng và giải cứu nạn nhân bị mua bán.

Từ năm 2013-2019, Việt Nam có 3.476 người là nạn nhân của các vụ mua bán người, trong đó trên 90% là phụ nữ và trẻ em. Sáu tháng đầu năm 2021, BTL BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện 21 kế hoạch nghiệp vụ khảo sát, nắm tình hình, điều tra, xác minh các đường dây mua bán người trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phối hợp giải cứu nạn nhân. Theo dõi, chỉ đạo đấu tranh thành công 6 chuyên án. Phối hợp triển khai Kế hoạch chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người tại Hà Giang. Chỉ đạo và phối hợp với các địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan, các báo, đài tuyên truyền nâng cao nhận thức về tội phạm mua bán người, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới.

Bài cuối: Phòng chống xuất nhập cảnh trái phép

Nguyễn Viết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phap-luat/lat-tay-thu-doan-toi-pham-xuyen-bien-gioi-bai-2-nhuc-nhoi-nan-mua-ban-nguoi-20210723100336624.htm