Lật tẩy dịch vụ xin việc làm lừa đảo: Dưới chờ... trên lại thổi xuống

Nhiều nạn nhân, đặc biệt là các cô gái trẻ ở các tỉnh thành khác đổ về TP.HCM xin việc làm và gặp phải các cơ sở lừa đảo... bỗng chốc trở thành gái bán dâm dưới nhiều hình thức. Kế đến là các cơ sở thu phí, tiền cọc với đủ trò sai quy định... Thế nhưng, các cơ quan chức năng lại đang 'đá bóng' trách nhiệm.

Liên quan đến một số công ty trên địa bàn nghi vấn môi giới việc làm lừa đảo, bà Huỳnh Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND phường 17 (quận Gò Vấp) đã ghi nhận và cho biết: “Sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, xác minh, sau đó sẽ cung cấp thông tin cho PV”.

Sau khi tiến hành xác minh, địa phương này cho biết, công ty Đông Nam Á (mà báo Người Đưa Tin phản ánh ở các kỳ trước) đã biến mất khỏi địa chỉ nêu trên.

Ông Nguyễn Hồng Quảng, Phó Chủ tịch UBND phường 17 (quận Gò Vấp) thì cho biết: “Hiện công ty Đông Nam Á đã dời đi nơi khác. Chủ nhà đang sơn sửa để cho thuê lại. Chắc là do họ bỏ đi nơi khác nên người dân nghĩ rằng họ lừa đảo. Chúng tôi cũng đã báo cáo cho phòng Lao động (sở LĐ-TB-XH TP.HCM) về việc này, đồng thời sẽ chuyển thông tin cho công an phường để có thông tin”.

Trong khi đó, với các trung tâm, cơ sở môi giới việc làm tại khu vực ngã tư An Sương, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch UBND xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn, quản lý một phần địa bàn khu vực ngã tư An Sương) cho biết: “Có thông tin cụ thể như thế nào anh cứ gửi ở bộ phận tiếp dân, sau đó chúng tôi sẽ làm việc”.

Không yêu cầu phải làm theo "quy trình", ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Hóc Môn nói: “Thời gian qua, chúng tôi cũng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt một số cơ sở vi phạm tại khu vực ngã tư An Sương. Tuy nhiên, dù biết là các đơn vị này hoạt động mập mờ nhưng không thể xóa sổ được. Bởi, khi kiểm tra, họ nói trụ sở ở quận, huyện khác, đây chỉ là chi nhánh, văn phòng đại diện nên không làm gì được”.

Đã có bao nhiêu cô gái trẻ đã bị bán vào các động mại dâm mà chưa được cứu ra?

“Trước tình trạng đó, chúng tôi đã có văn bản báo cáo sở LĐ-TB-XH TP.HCM và hiện lãnh đạo sở này cũng đã tiếp nhận và chuẩn bị thành lập đoàn kiểm tra. Việc các cơ sở này hoạt động trên địa bàn, chúng tôi cũng rất bức xúc. Bởi nhiều nạn nhân từ các địa phương khác lên xin việc làm, không biết vào đó rất dễ bị lừa”, ông Sơn nói thêm.

Trong khi đó, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc sở LĐ-TB-XH TP.HCM lại “đá bóng” và nói: “Anh làm việc với địa phương (phòng LĐ-TB-XH TP.HCM) trước đi, xem họ nói gì đã” và không trả lời gì thêm.

Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh ở các kỳ trước, hiện đang có rất nhiều cơ sở, trung tâm giới thiệu việc làm mọc lên nhan nhản trên địa bàn TP.HCM. Điều đáng nói, các trung tâm này hoặc núp bóng dưới các vỏ bọc các công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác hoặc trụ sở, văn phòng làm việc chỉ có 1 người với 1 chiếc bàn và vài quyển sổ hoặc đăng tuyển thông tin và chỉ dẫn đến các địa chỉ hoạt động một vài ngày rồi đóng cửa...

Thực tế, nhiều người đã trở thành miếng mồi béo bở cho các đối tượng làm ăn bất chính. Thậm chí, nhiều nạn nhân bị bán rẻ với giá dăm bảy triệu đồng/người cho các động mại dâm, hoạt động trong vỏ bọc là quán cà phê, karaoke, massage...

Trước thực trạng này nhiều người tỏ ra hết sức lo lắng. "Tôi vừa mới vào TP.HCM được 2 tháng và đang đi xin việc làm. Lần trước, tôi đã bị mất 500.000 đồng tiền cọc cho một công ty nên rất lo lắng. Bởi, thật sự, tôi chưa biết được địa chỉ nào uy tín để tìm đến nhờ môi giới việc làm. Còn thông tin trên mạng internet thì tràn lan, không biết thực hư thế nào. Tôi cho rằng, cơ quan chức năng cần phải dẹp bớt các trung tâm môi giới kiểu này để người dân, đặc biệt là những người như chúng tôi yên tâm khi đi xin việc làm", chị Nguyễn Thị Nhung (ngụ huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), mới vào TP.HCM, hiện thuê trọ ở đường Bến Phú Định (quận 8, TP.HCM), chia sẻ.

Luật sư Nguyễn Đình Thái, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: "Việc quản lý các trung tâm, cơ sở môi giới việc làm đã có quy định, vấn đề còn lại là cách thức tổ chức thực hiện. Đặc biệt là vai trò của cơ quan quản lý ngành và chính quyền địa phương. Bởi, các cơ sở/trung tâm này có hoạt động ma mãnh kiểu gì thì cũng sờ sờ ra đó, đâu phải cây kim sợi chỉ mà họ không biết. Rồi lượng người tìm đến cũng không phải ít, vấn đề là họ có làm và quyết tâm làm hay không?".

"Hơn nữa, chiếu theo quy định hiện hành, doanh nghiệp khi kinh doanh dịch vụ giới thiệu việc làm phải xin giấy phép tại sở LĐ-TB-XH. Do đó, chỉ cần đối chiếu so sánh với các cơ sở hoạt động trên thực tế, từ đó, chính quyền phối hợp với phòng/sở LĐ-TB-XH định kỳ kiểm tra, chắc chắn sẽ giảm thiểu được tình trạng này", luật sư này phân tích thêm.

Quy định để thành lập và hoạt động trung tâm/cơ sở môi giới việc làm

1. Có địa điểm và trụ sở ổn định, đặt ở nơi thuận tiện và đủ diện tích cho việc giao dịch và hoạt động của doanh nghiệp. Nếu trụ sở thuê thì phải ổn định từ 36 tháng trở lên.
2. Có phòng sử dụng cho hoạt động tư vấn, phòng sử dụng cho hoạt động giới thiệu và cung ứng lao động, phòng sử dụng cho hoạt động về thông tin thị trường lao động và có trang bị máy vi tính, điện thoại, Fax, E-mail và các tài liệu liên quan đến thị trường lao động và các trang thiết bị khác để phục vụ khách hàng.
3. Có ít nhất 300 triệu đồng Việt Nam ký quỹ tại Ngân hàng để giải quyết các rủi ro và các khoản phải đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động.
4. Có ít nhất 05 (năm) cán bộ có trình độ từ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế, pháp luật, ngoại ngữ, có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án.
5. Giấy phép hoạt động có thời hạn 36 tháng.

Điều 12 Nghị định 19/2005/NĐ-CP

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lat-tay-dich-vu-xin-viec-lam-lua-dao-duoi-cho-tren-lai-thoi-xuong-a408121.html