Lật tẩy 'bẫy' xuất khẩu lao động 'chui'

Giữa tháng 9-2019, Báo Đồng Nai đã có loạt bài 2 kỳ phản ánh về tình trạng nhiều người dân ở xã Xuân Thành (huyện Xuân Lộc) bị một số đối tượng tổ chức đưa đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Sau vài tháng lao động nơi xứ người, nhiều người trở về tay trắng với khoản nợ chồng chất vì đây chỉ là đường dây xuất khẩu lao động 'chui'.

Một số người dân tại xã Xuân Thành (huyện Xuân Lộc) là nạn nhân của đường dây xuất khẩu lao động “chui” phải làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng. Ảnh: Trần Danh

Một số người dân tại xã Xuân Thành (huyện Xuân Lộc) là nạn nhân của đường dây xuất khẩu lao động “chui” phải làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng. Ảnh: Trần Danh

Vụ việc này sau đó đã được các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện Xuân Lộc vào cuộc điều tra và xác định, đây là đường dây tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

* Mất tiền vì đi lao động “chui”

Cơ quan công an xác định, có 7 người dân ở xã Xuân Thành là nạn nhân trong vụ xuất khẩu lao động “chui” này và số tiền mà họ đóng cho bà N.T.N.A. (ngụ cùng địa phương) tổng cộng hơn 1,6 tỷ đồng.

Theo lời khai của các nạn nhân, mỗi người phải bỏ chi phí khoảng 10 ngàn USD (khoảng 230 triệu đồng) để bà A. đưa sang Nhật làm việc với mức thu nhập từ 40-50 triệu đồng/tháng. Thấy một cơ hội tốt để thay đổi cuộc sống nên họ đã gom góp, vay mượn, có người thế chấp nhà, đất cho ngân hàng để lấy tiền đi xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên theo mô tả của những nạn nhân, khi sang Nhật Bản, họ gần như không được tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Mọi sinh hoạt, làm việc của họ đều phải tuân thủ theo hướng dẫn của người quản lý và tuyệt đối không tự tiện ra ngoài. Và một “kịch bản” giống nhau, sau ít tháng làm việc trong tình trạng như bị giam lỏng, những người này đều bị Cảnh sát Nhật Bản phát hiện và trục xuất về nước. “Ôm giấc mộng” đổi đời không thành, nhiều người sau khi trở về đều gánh một khoản nợ lớn nhưng không có khả năng chi trả.

Qua xác minh của công an cho thấy, các đối tượng đã tổ chức cho người lao động sang Nhật bằng visa du lịch và thuê nhà cho những người này ở để tìm kiếm việc làm. Sau khi hết thời gian “du lịch”, những người lao động được các đối tượng đưa đến Cơ quan Xuất nhập cảnh của Nhật Bản để đăng ký tị nạn. Trong thời gian chờ cấp visa tị nạn (khoảng 90 ngày), những người này được cấp visa tạm thời nhưng không được phép lao động.

Tuy nhiên, lợi dụng thời gian cấp visa tạm này các đối tượng lại tổ chức cho những người lao động đi làm việc “chui”. Nhiều người lao động “chui” này đã bị Cảnh sát Nhật Bản phát hiện và trục xuất về nước.

Theo Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, các đối tượng này đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về các thủ tục, quy định xin cấp visa để lừa đảo. Trong khi đó nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin, mong muốn có một công việc với thu nhập cao để đổi đời nên đã bất chấp “đầu tư” lớn rồi trở thành nạn nhân.

* Cảnh giác trước các chiêu trò của kẻ xấu

Cũng theo Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, việc để xin được một visa tị nạn tại Nhật Bản là một điều vô cùng khó. Thời gian vừa qua, Nhật Bản đã nhận hàng chục ngàn đơn xin tị nạn của công dân các nước, nhưng chỉ xét cho khoảng hơn 20 trường hợp. Chính vì vậy, người dân cần tỉnh táo không nghe theo những “kế hoạch”, lời dụ dỗ của các đối tượng lừa đảo để bị “sập bẫy”.

Trước thực tế này, Công an tỉnh khuyến cáo, người dân đi xuất khẩu lao động chỉ nên nộp hồ sơ tại những công ty được Bộ Lao động - thương binh và xã hội cấp phép. Người dân hoàn toàn có quyền được đề nghị xem bản sao của các loại giấy tờ này khi đến làm việc, đăng ký xuất khẩu lao động. Nếu công ty, đơn vị nào nói rằng, khi đi xuất khẩu lao động, vấn đề sức khỏe không quan trọng là thông tin hoàn toàn sai lầm. Đối với những người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản thì đây là một trong những khâu đầu tiên, quan trọng nhất mà nước sở tại xét đến. Đặc biệt, người dân phải nói “không” với những thông tin kiểu chung chung: “Sau khi sang Nhật sẽ được người quen sắp xếp công việc”.

Một trong những vấn đề mà cơ quan công an cũng cảnh báo đến người dân là khi đóng bất kỳ khoản chi phí nào cho bất kỳ đơn vị nào cũng đều phải có biên lai đóng dấu. Nếu phát hiện công ty, đơn vị hoặc cá nhân nào có dấu hiệu lừa đảo thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng cho biết, để đi lao động được ở Nhật Bản phải trải qua rất nhiều khâu tuyển dụng, đào tạo khắt khe về cả tay nghề và ngôn ngữ. Việc đi lao động tại Nhật Bản không hề đơn giản.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202002/lat-tay-bay-xuat-khau-lao-dong-chui-2987306/