'Lạt mềm buộc chặt'

Theo con số từ ngành TAND Hà Nội, năm 2017, TAND hai cấp TP Hà Nội thụ lý 30.777 vụ, tăng 2.029 vụ so với năm 2016 và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018 đã thụ lý 28.305 vụ án, tăng 3.157 vụ so với 9 tháng đầu năm 2017. Trong đó, lượng án dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, lao động, hành chính chiếm 74,7%. Đáng nói, cùng với việc gia tăng về số lượng, tính chất các vụ tranh chấp ngày càng phức tạp.

Vậy, làm sao để giải quyết thấu đáo các vụ việc mà không nhất thiết phải đưa ra xét xử, TAND TC đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-TANDTC ngày 22-1-2018, Kế hoạch số 301/KH-TANDTC ngày 1-10-2018 về việc triển khai thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại một số TAND.

TAND TP Hà Nội đã đón đầu, triển khai đến một số tòa án quận, huyện để tiến hành chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự để thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP Hà Nội và 15 TAND cấp quận, huyện (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức và Chương Mỹ).

Được biết, các Trung tâm hòa giải đều có phòng làm việc và phòng hòa giải. 85 hòa giải viên, đối thoại viên là những người được lựa chọn, có kiến thức pháp luật, kinh nghiệm, năng lực, hiểu biết xã hội, có uy tín trong cộng đồng. Tòa cũng đã tập huấn đầy đủ về quy trình và kỹ năng hòa giải, đối thoại, sẵn sàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Luận ra, các cụ ta có câu “Lạt mềm buộc chặt”, giải quyết việc gì cũng cần tình lý. Thực tế cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Ngược lại, ở những nơi còn coi nhẹ công tác hòa giải, tình hình mâu thuẫn, tranh chấp có chiều hướng tăng, dẫn đến mất trật tự, trị an xã hội. Lẽ thường, những mâu thuẫn, va chạm trong cuộc sống, lúc đầu đơn giản, nhưng do không được quan tâm giải quyết kịp thời cho nên đã nhanh chóng trở thành phức tạp, thậm chí là nguyên nhân xuất hiện những “điểm nóng” về khiếu kiện.

Thế mới thấy, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở quan trọng cỡ nào. Hy vọng, với sự ra đời của 16 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp TP Hà Nội sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, trở thành địa chỉ đáng tin cậy của công dân và tổ chức trước khi khởi kiện và tham gia tố tụng tại tòa án.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lat-mem-buoc-chat-127740.html