Lắt léo chữ nghĩa: 'Thấp điểm' - 'thấp' vốn có nghĩa là 'ướt át'

Thấp điểm đã được Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên công nhận và giảng là: 'thời điểm có lượng hoạt động diễn ra thấp nhất, ít căng thẳng nhất trong ngày'.

ẢNH: A.C

Danh ngữ này đã được dùng một cách rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và cả trong văn bản của cơ quan nhà nước, chẳng hạn trong thông báo “Giá bán điện theo giờ” của Tập đoàn điện lực VN. Thông báo này chia giờ bán theo 3 mức: giờ bình thường, giờ cao điểm và giờ thấp điểm.

Danh ngữ thấp điểm đã gây phản ứng ở một số người thuộc phái thuần túy (purism) quan tâm đến sự trong sáng của tiếng Việt. Họ cho rằng đây là một cấu trúc không chuẩn so với cao điểm. Trong cao điểm thì cả hai thành tố đều là - và theo họ thì phải là - những yếu tố Hán Việt mà yếu tố đứng trước (cao) là định ngữ còn yếu tố đứng sau (điểm) là bị định ngữ, tức cũng là trung tâm của danh ngữ. Thấp điểm thì lại không như thế: thấp bị xem là “thuần Việt” nên không thể “cặp kè” với cao là Hán Việt trong kiểu cấu trúc này. Vậy thấp có phải là một yếu tố Hán Việt hay không? Chữ này có liên quan đến hai chữ Hán sau đây.

Một là chữ thấp [濕, cũng viết 溼] mà Giáo dục bộ dị thể tự tự điển (dict2.variants.moe.edu.tw) giảng là “trước đê thấp đích địa phương” [着低溼的地方], nghĩa là chỗ thấp và ẩm ướt. Hai là chữ tập [隰], mà trang từ điển trên cũng giảng là [低溼的地方], cũng nghĩa là chỗ thấp và ẩm ướt.

Trong tiếng Việt, chữ tập [隰] này thường đọc thành thấp (Hán Việt tự điển của Thiều Chửu - ảnh, Việt Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng). Đỗ Văn Đáp còn giảng thẳng rằng thấp [隰] là chỗ thấp. Hai chữ thấp trên đây là những đồng nguyên tự (chữ cùng gốc), như Vương Lực đã chứng minh trong Đồng nguyên tự điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.593). Hiển nhiên là chữ thấp trong thấp điểm bắt nguồn từ hai chữ thấp trên đây (mà ban đầu chỉ là một), xuất phát từ nét nghĩa “thấp” của nó.

Trong tiếng Hán, chữ thấp [濕]còn đi chung với chữ ấm [蔭] để tạo thành từ tổ đẳng lập ấm thấp [蔭濕], nghĩa là mát và ẩm, thường được dùng trong thực vật học để miêu tả những loài thực vật chịu điều kiện khí hậu và đất đai ẩm mát, chẳng hạn cây mộc tú cầu (tú cầu thân gỗ) thì “hỉ ấm thấp, bất nại hàn” [喜蔭湿,不耐寒] nghĩa là “ưa chỗ mát ẩm, không chịu rét”. Ấm thấp đã trở thành ẩm thấp trong tiếng Việt với tư cách là một đơn vị từ vựng độc lập, mà riêng ẩm (trong ẩm ướt) thì lại là một biến thể thanh điệu của ấm [荫], vốn có nghĩa là râm mát.

Nhưng với diễn tiến như trên thì ta cũng khó mà nói rằng thấp vẫn còn là một yếu tố Hán Việt. Theo một cách gọi vẫn còn được dùng thì nó chỉ là một từ “Hán Việt Việt hóa” mà thôi. Còn với người bình thường thì nó là một từ “thuần Việt”.

An Chi

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/lat-leo-chu-nghia-thap-diem-thap-von-co-nghia-la-uot-at-1017701.html